Chuly sưu tầm
Mạn bàn về Câu Đối Tết
Truyền thống ngày Tết của người Việt có từ hàng ngàn năm nay và mặc dù sinh hoạt Tết trong xã hội có thay đổi theo tùy thời cuộc nhưng nét văn hóa chung vẫn còn in sâu đậm trong thói quen ngày tết. Một trong những đặc điểm tiêu biểu ca dịp Tết về,
đó là câu đối đầu năm với ông đồ, như trong nét vẽ chữ của Vũ Đình Liên…
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
\”Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.\”
Hình ảnh cụ đồ của Vũ Đình Liên đến trong những ngày xưa đó về những câu đối Tết thường được bày bán ở các chợ vào mùa tết nhứt. Từ xa nhìn màu sắc sặc sỡ đã biết đó là khu vực bán câu đối. Nội dung thường tiễn năm cũ, chúc năm mới với mọi điều tốt lành, mỗi người chọn cho mình một câu phù hợp, rồi mua về treo lên, từ đó coi như không khí tết đã vào nhà.
Câu đối dịp Tết vốn thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu hiện một ý nghĩ, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một sự kiện xảy ra, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nên lưu ý là từ ngữ đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhất thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của nn văn học của Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, và Đại Hàn.
Theo quan niệm cổ xưa: “Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Câu đối có hai vế với những niêm luật chặt chẽ về đối thanh, đối ý, đối từ và sử dụng nhiều thủ pháp chơi chữ… nhằm biểu hiện một cảm nghĩa, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nghệ thuật đối thể hiện cái hay cái đẹp của phong cách thơ văn cổ, đó là sự cân đối, đăng đối và trong nét hài hòa…
Ngày nay cứ mỗi độ xuân về, người ta mới sực nhớ đến câu đối Tết, vì câu đối là một thứ tiêu biểu nhất của ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc. Điển hình như qua 2 câu thơ đối:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Tết với hình ảnh của ông đồ già ngồi bên hè phố đông đúc như thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên cũng vẫn còn thấp thoáng tai Việt Nam trên hè phố có những ông đồ già mặc chiếc áo the tàng, ngồi bên những cuộn giấy đỏ và nghiên mực đen ấy có còn ngồi đó để mang lại một chút dư âm của ngày Tết cổ truyền, khác với nhiều nơi tại hải ngoại như Mỹ, Pháp, Úc, Canada,… Dù sao thì ý nghĩa của việc dùng câu đối trên thực tế đời sống cũng đã gần như mất hẳn cùng với sự suy tàn của chữ Hán, Nôm trong nền văn học Việt Nam.
Tết đến thông thường trong nhà người ta nếu còn giữ một chút tục lệ xưa thì trang hoàng bằng câu đối chào xuân. Làm câu đối không cần quy định chữ, dài ngắn đều được, nhưng có điều phải tuân theo một số quy định như đối phải chỉnh, phải đúng lối bằng, trắc và các lối đối như câu tiểu đối (bốn chữ), câu đối thơ (năm chữ hoặc bảy chữ), câu song quan, gồm hai câu đối nhau, mỗi câu là một đoạn văn liền, từ năm chữ đến chín chữ. Những câu đối hay phổ thông khác như
Thiên địa công bằng
Đức năng thắng số
Rễ sâu chẳng sợ cành lay động
Cây thẳng đừng lo bóng xế chiều
Mở rộng lòng nhân
Vun trồng cội đức.
Thiên hạ đều tham châu ngọc quý
Gia đình chỉ chuộng cháu con hiền.
Thành danh bởi trải thời gian khổ
Toại chí nhờ qua buối khốn cùng
Xét về những câu cách cú, có hai vế, mỗi vế gồm hai đoạn đối ngắn dài tiếp nhau như Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới. Đá xanh xây cổng, hòn dưới nống hòn trên. Câu gối hạc (hạc tất) mỗi vế có từ ba đoạn trở lên như chân con hạc như Nào thuở trước dưới rừng cây nghe nhạc ngựa, thấp thoáng bóng dù dáng kiệu, những than dài chí cả trượng phu. Mà đến nay ngồi bệ ngọc ngắm tranh người, xôn xao đầu mũ gót hài, lại làm khoảnh ngôi sang hoàng đế…
Nào hãy xem những câu đối ngày Tết tiếp tục như sau…
Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp dương gian, phúc khắp nhà
Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên
Chúc Tết đến trăm điều như ý
Mừng xuân sang vạn sự thành công
Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khoẻ, tết an khang
Tân niên tân phúc tân phú quý
Tấn tài tấn lộc tấn bình an
Câu đối lại cần có người viết chữ, chữ đẹp thì càng đắt giá Câu đối tết là một thú chơi đặc biệt, thường được nhà nhà treo trước cửa, mừng xuân mới, với những mong ước an hòa, hạnh phúc của từng nhà.
Câu đối: Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau.
Liễn: Lối thơ, văn các câu đi đôi với nhau gọi là Liễn
Chữ \”liễn\” là đọc trạnh của chữ \”liên\” (聯) mà ra. Ta thường dùng chữ \”liễn\” để chỉ hai bức dài bằng giấy bồi, bằng vóc lụa, dưới có trục dùng để viết câu đối. Khi nói một đôi liễn, tức là chỉ một đôi câu đối viết vào giấy ấy.
Người Tàu thường dùng hai chữ doanh liên hay doanh thiếp để chỉ câu đối và nghĩa là liễn hay giấy dán cột nhà.
Vế câu đối – câu đối có hai câu, mỗi câu gọi là một vế.
Khi tự mình làm lấy cả hai câu, muốn phân biệt câu nọ với câu kia, thì gọi một vế là vế trên, một vế là vế dưới – Khi người ta làm một vế để cho mình làm vế kia, thì vế người ta làm gọi là vế ra, vế mình là vế đối.
Luật bằng trắc – Cứ kể, thì đáng lẽ chữ vế trên này trắc thì chữ vế bên kia phải bằng, hay chữ vế bên này bằng, thì chữ vế bên kia phải trắc.
Những câu đối phú hoặc đoạn trên, hoặc đoạn dưới bảy chữ, thì đoạn bảy chữ ấy theo bằng, trắc như câu thơ thất ngôn, thí dụ :
Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi
Xét về những nguyên tắc trong câu đối.
Để viết câu đối được gọi là chỉnh đối hay đối cân vế đối, khi viết câu đối cần chọn được câu chữ tuân theo các nguyên tắc sau:
– Đối ý và đối chữ
Đối ý: Hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
Đối chữ: xét về hai phương diện thanh và loại:
Về thanh: thanh bằng đối với thanh trắc (và ngược lại)
Về loại: Thực tự (hay chữ nặng có thực như: Trời, đất, cây cỏ..) phải đối với thực tự; Hư tự (chữ nhẹ như: thì, mà, vậy, ru..) phải đối với hư tự; Danh từ phải đối với Danh từ; Động Từ phải đối với Động Từ; Nếu vế đối này đặt bằng chữ nho thì vế kia cũng phải đặt bằng chữ nho…
Xét về vế câu đối thì một đôi câu đối gồm hai câu đi song nhau, mỗi câu là một vế đối, nếu câu đối đo do một người sáng tác thì hai vế được gọi là vế trên và vế dưới. Nếu người đó nghĩ ra một vế để cho người khác nghĩ và làm ra vế kia và đối lại thì gọi là vế ra và vế đối. Vế trên – câu bên phải (khi treo) còn vế dưới – câu bên trái (khi treo). Khi một câu đối do môt người làm ra cả hai vế thì chữ cuối của vế trên là thanh trắc còn chữ cuối của vế dưới là thanh bằng.
Số chữ trên câu đối và các thể câu đối:
Một câu đối được làm ra có số chữ trong câu không nhất định, theo số chữ và cách đặt câu có thể chia câu đối ra làm các thể sau:
Câu tiểu đối: là các câu đối có 4 chữ trở xuống như:
Phúc Như Đông Hải – Thọ Tỷ Nam Sơn
Câu đối thơ: Là những câu đối làm theo lối đặt câu của thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn như Phúc sinh phú quý gia đường thịnh – Lộc tiến vinh hoa tử tôn vinh.
Về câu đối phú: là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú, gồm có: Lối câu song quan- là những câu có 6-9 chữ đặt thành một đoạn liền; Lối câu cách cú – là những câu mà mỗi vế đối chia làm hai đoạn một ngắn, một dài và lối câu gối hạc hay hạc tất. Là những câu mà mối vế đối có 3 đoạn trở lên thì luật bằng – trắc theo luật thanh trong câu tiểu đối như: Vế bên phải: trắc – trắc -trắc, Vế bên trái: bằng – bằng – bằng.
Còn luật trong câu đối thơ tuân theo luật bằng trắc của hai câu thực và câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Về luật trong câu đối phú: Chữ cuối của mỗi vế và chữ cuối của mỗi đoạn phải bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng. Khi mỗi vế đối có từ 2 đoạn trở lên thì: nếu chữ cuối vế là trắc, các chữ cuối các đoạn trên phải bằng và ngược lại nếu chữ cuối vế là bằng thì các chữ cuối các đoạn trên phải là trắc. Nếu đoạn đầu hoặc đoạn cuối có đúng 7 chữ thì đoạn ấy thường theo luật thơ thất ngôn. Hãy xét qua những cặp câu đối sau đây:
Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khoẻ, tết an khang
Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp dương gian, phúc khắp nhà
Già trẻ gái trai đều khoái Tết
Cỏ cây hoa lá cũng mừng xuân
Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố
Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian
Tối Ba mươi đá thằng Bần khỏi cửa
Sáng mồng một nghênh ông Phúc vào nhà
Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên
Xuân đáo bình an tài lợi tiến
Mai khai phú quý lộc quyền lai
Chúc Tết đến trăm điều như ý
Mừng xuân sang vạn sự thành công
Tăng phúc tăng quyền tăng phú quý
Tấn tài tấn lộc tấn vinh hoa
Xuân sang hạnh phúc bình an đến
Tết tới vinh hoa phú quý về
Tân niên tân phúc tân phú quý
Tấn tài tấn lộc tấn bình an
Ngoài ngõ mừng xuân nghênh phúc lộc
Trong nhà vui Tết đón bình an
Trai gái cười vui mừng đón Tết
Trẻ già hoan hỉ đón xuân sang
Tết đến gia đình vui sum họp
Xuân về con cháu hưởng bình an
Đấy là những câu đối Tết tiêu biểu. Dù là ngày nay có nhiều phong tục trong ngày tết thay đổi, nhưng câu đối trong dịp Tết vẫn xuất hiện thật nhiều trên các trang báo tết. Chỉ có điều, câu đối vốn là một nghệ thuật chơi chữ, nhưng phần lớn câu đối xuất hiện trên báo hiện nay người sáng tác ít lưu ý đến đặc điểm này, mà luôn hướng tới những ý cần tuyên truyền, nên câu đối hay rất hiếm. Là người trước đây cũng thích làm câu đối để in báo tết, nhưng gần đây, tôi ít viết hơn, chính xác là ít gửi đăng hơn, vì mình chưa hài lòng với tác phẩm của mình. Trong kho tàng tục ngữ chúng ta, có những câu khi xếp lại có được một cặp câu đối hoàn chỉnh.
Riêng về cái văn hóa ông đồ ngày xưa thì nay rất ít phổ thông, nhiều thế hệ trẻ về sau này không còn dịp biết đích xác câu đối tết mà ông đồ ngày xưa khom mình trên giấy viết ra như thế nào. Nay khi tìm về kho tàng văn chương ngôn ngữ Việt, bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên sáng tác mô tả một thời đại đã qua và rồi ngày nay, mỗi lần Tết đến người ta luyến tiếc một thời đã qua…
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Và kỷ niệm ông đồ nhạt phai không còn nữa khi tết về, câu đối đã nhạt phai không còn nữa, nhất là tại hải ngoại này.
VHLA (Sưu tầm tài liệu net)