Đăng ngày: 25/07/2022
Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ thời Donald Trump, căng thẳng Mỹ – Trung dâng lên ngày càng cao. Nguy cơ một ‘‘Chiến tranh Lạnh mới’’ treo lơ lửng, và thậm chí xung đột Mỹ – Trung có thể bùng phát, nhất là tại eo biển Đài Loan, hay Biển Đông. Năm đầu tiên dưới thời tổng thống Joe Biden (2021), căng thẳng Mỹ – Trung vẫn tiếp tục theo chiều hướng này. Tuy nhiên, từ ít tháng gần đây, căng thẳng Washington – Bắc Kinh dường như có phần lắng dịu.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy hai chính quyền Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm một cơ chế để kiểm soát, tránh để căng thẳng tăng vọt, bùng phát thành xung đột. Vì sao Mỹ, Trung phải nhanh chóng tìm kiếm cơ chế tránh xung đột ? Chính trị gia Úc Kevin Rudd, trong bài phân tích mới đây trên tạp chí nghiên cứu chính trị quốc tế Foreign Affairs (*), đã nêu bật những thách thức gay gắt trong nội bộ cả về phía Trung Quốc và phía Hoa Kỳ, như một nguyên nhân căn bản buộc hai bên phải nhanh chóng tìm ra cơ chế để ‘‘kiểm soát cạnh tranh’’, bên cạnh những thách thức căn bản về môi trường an ninh và cạnh tranh chiến lược toàn cầu.
Ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc, chủ tịch viện tư vấn Asia Society (cơ sở có sứ mạng cổ vũ quan hệ châu Á – Hoa Kỳ) cũng là tác giả cuốn ‘‘The Avoidable War: The Dangers of a Catastrophic Conflict between the US and Xi Jinping’s China / Nguy cơ xung đột thảm khốc giữa Mỹ và nước Trung Hoa của Tập Cận Bình: Cuộc chiến tranh có thể tránh’’, vừa ra mắt đầu năm nay 2022. RFI xin giới thiệu một số nét chính.
1/ Tác giả Kevin Rudd nhìn nhận ra sao về quan hệ Mỹ – Trung thời gian gần đây ?
Bài phân tích của cựu thủ tướng Úc mở đầu với việc mô tả đường hướng chung của quan hệ với Trung Quốc, kể từ khi tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, từ một năm rưỡi nay. Tổng thống Biden đã tiếp nối về căn bản chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Và xu thế hiện nay cho thấy hai đại cường đang hướng đến ‘‘một giai đoạn đối đầu chiến lược kéo dài, rất căng thẳng và nguy hiểm về mặt quân sự’’. Nhà phân tích Kevin Rudd cũng ghi nhận việc đánh giá được chính xác ‘‘thực trạng quan hệ song phương’’ Mỹ – Trung quả thực không phải là dễ, bởi một trong những lý do chính là ‘‘khó lòng phân tách được giữa những phát ngôn chính thức của bên này về bên kia – thường xuyên vì mục tiêu chính trị đối nội – với những gì mà mỗi bên hành động thực sự trong hậu trường’’.
Về phương diện này, Kevin Rudd khẳng định, bên cạnh những lời lẽ rất cứng rắn nhắm vào đối phương, đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu hướng đến hòa dịu, kể cả một số tín hiệu dè dặt về việc tái lập một dạng đối thoại về chính trị và an ninh song phương, nhằm kiểm soát căng thẳng. Cuộc hội kiến 5 giờ đồng hồ giữa hai ngoại trưởng Antony Blinken – Vương Nghị bên lề G20 ở Indonesia đầu tháng 6, hay cuộc điện đàm cũng 5 giờ đồng hồ giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan và ủy viên Bộ Chính Trị Dương Khiết Trì, lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc, hồi giữa tháng 6, là một số dấu hiệu cụ thể. Và trước đó phải kể đến các cuộc gặp của thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng 7/2021, và cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên Biden – Tập ít tháng sau.
Việc ‘‘bình ổn’’ quan hệ Mỹ – Trung chắc chắn sẽ không dẫn đến việc ‘‘bình thường hóa’’ quan hệ song phương, như trong quá khứ, với chính sách hợp tác mật thiết Mỹ – Trung về nhiều mặt, được mở màn từ thập niên 70. Kevin Rudd nhấn mạnh : vấn đề căn bản hiện tại đối với Mỹ – Trung là hai bên phải tìm cách hướng đến việc ‘‘cạnh tranh có kiểm soát’’ với hệ thống các biện pháp cảnh giới (guardrails), thay vì tình trạng ‘‘cạnh tranh không được kiểm soát’’ như hiện nay. Tác giả hy vọng là Washington và Bắc Kinh có thể mò mẫm tìm đường, để xác lập được ‘‘các cơ chế bình ổn’’, cho phép giới hạn nguy cơ căng thẳng leo thang bất ngờ, cho dù không thể loại trừ hẳn. Việc xác lập được hay không các cơ chế như vậy hiển nhiên sẽ có nhiều tác động đến các khu vực, hay quốc gia đang nằm ở tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ – Trung.
2/ Những nguyên nhân nào khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ phải nhanh chóng tìm cơ chế tránh xung đột ?
Trước hết về phần Trung Quốc, theo Kevin Rudd, điểm đáng chú ý đầu tiên là quan điểm chính thống về tương quan lực lượng Trung – Mỹ trong nội bộ đảng Cộng Sản đang có xu hướng xét lại căn bản. Trong vòng 5 năm gần đây, trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc phổ biến rộng rãi một niềm tin vững chắc: ‘‘Sức mạnh quốc gia tổng hợp’’ (Zonghe Guoli – Tổng Hợp Quốc Lực) của Trung Quốc, bao gồm các phương diện quân sự, kinh tế, công nghệ, cũng như uy thế quốc tế so với Hoa Kỳ, đang ở thế đi lên. Cán cân ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc và xu thể này là ‘‘không thể đảo ngược’’.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Chính quyền Trung Quốc đã bất ngờ trước việc nhóm Bộ Tứ (Mỹ – Nhật – Ấn – Úc) Ấn Độ – Thái Bình Dương siết chặt và nâng cấp quan hệ nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn Độ – Trung Quốc gia tăng. Hay việc hình thành cơ chế đối tác về an ninh bộ ba Mỹ – Anh – Úc (nhóm AUKUS) vào cuối năm 2021, và việc Úc quyết định phát triển tàu ngầm hạt nhân. Cũng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Biden, Nhật Bản lần đầu tiên đưa an ninh Đài Loan vào chiến lược an ninh quốc gia. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, trong thời gian tranh cử, cũng đặt mục tiêu tham gia nhóm Bộ Tứ. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh siết chặt quan hệ đối tác chiến lược ‘‘không giới hạn’’ với Nga, ngay trước khi Nga tấn công Ukraina, đã khiến uy tín của Trung Quốc đối với châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Đông đảo các nước châu Âu ngày càng nghi ngờ ‘‘tham vọng chiến lược’’ của Bắc Kinh.
Bên cạnh tương quan thế lực trên trường quốc tế thay đổi, uy tín của chế độ Bắc Kinh trong nội bộ cũng bị tác động đáng kể bởi chính sách kinh tế ‘‘thiên tả’’ của lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Việc đảng Cộng Sản ưu tiên khu vực kinh tế công, can thiệp mạnh vào lĩnh vực tư, các ngành công nghệ, tài chính, bất động sản bị ảnh hưởng xấu, chưa kể đến các biện pháp siết chặt quá mức đối với nhiều thành phố lớn với chính sách ‘‘zero Covid’’, và gần đây nhất là cuộc chiến tranh Nga chống Ukraina gây tác hại mạnh đến kinh tế Trung Quốc vốn dựa nhiều vào xuất khẩu. Trong nội bộ xã hội Trung Quốc, phổ biến nỗi lo âu trước viễn cảnh tăng trưởng bị chựng hẳn lại : Khả năng Trung Quốc vượt Mỹ không còn được coi là điều tất yếu.
Chủ thuyết của Tập Cận Bình hiện tại đang gặp nhiều ‘‘làn gió ngược dữ dội’’ trước mắt và trung hạn. Khẩu hiệu ‘‘Phương Đông lớn mạnh, phương Tây suy tàn’’ không còn được xướng lên mạnh mẽ như trước. Thách thức trực tiếp nhất với ông Tập Cận Bình là lèo lái được con tàu chế độ vào dịp Đại hội 20 vào tháng 11 tới. Cho dù Tập Cận Bình sẽ không mấy khó khăn để có thêm quyền lãnh đạo trong nhiệm kỳ thứ ba, nhưng thách thức hàng đầu là đưa được các nhân vật thân cận vào những vị trí lãnh đạo kinh tế, bao gồm chức thủ tướng. Theo Kevin Rudd, chính vì vậy mà Tập Cận Bình muốn tránh ‘‘những diễn biến bất ngờ’’ trong thời gian từ đây cuối năm, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ. Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh thay đổi chiến lược dài hạn, nhưng chấp nhận phải có những thay đổi về chiến thuật.
Tương tự về phía Hoa Kỳ, theo cựu thủ tướng Úc, chính quyền Biden đứng trước các thách thức lớn. Ví dụ như thất bại trong việc thông qua nhiều luật liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc tế của nước Mỹ, hay kỳ bầu cử Quốc Hội giữa kỳ, cùng các hệ quả đối với cuộc tranh cử tổng thống 2024. Bất cứ điều chỉnh nào của chính quyền Biden về ‘‘Chính sách Trung Quốc’’ cũng có thể coi là sự mềm yếu, dễ dàng bị phe Cộng Hòa tấn công. Tình hình càng thêm khó khăn, khi nhiều đối tác, thậm chí đồng minh nghi ngở cam kết chiến lược và quyết tâm của chính quyền Mỹ khẳng định tiếp tục vai trò siêu cường.
Theo Kevin Rudd, trong bối cảnh này (và đặc biệt trong lúc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraina), cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không muốn một xung đột bất ngờ bùng phát. Việc phi cơ quân sự Úc hoạt động tại Biển Đông gặp tai nạn bất ngờ do can thiệp của Trung Quốc chẳng hạn, có thể dẫn đến can thiệp quân sự của Mỹ ngay lập tức bảo vệ đồng minh Úc theo Hiệp ước an ninh song phương 1951, dẫn đến những hệ quả khó lường.
3/ Làm thế nào xác lập được một cơ chế tránh xung đột bùng phát, hay cơ chế ‘‘cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát’’, theo diễn đạt của ông Kevin Rudd ?
Theo Keven Rudd, khái niệm hay cơ chế ‘‘cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát’’ (managed strategic competition) là vấn đề có ý nghĩa thực tế, tức là có thể đưa ra áp dụng. Có ‘‘bốn yếu tố căn bản’’ giúp cho việc xác lập cơ chế này. Việc thứ nhất cần làm là Hoa Kỳ và Trung Quốc xác lập rõ ‘‘những lằn ranh đỏ cứng rắn và mang tính chiến lược’’ của mỗi bên, để tránh đụng độ do tính toán lầm, cụ thể như với Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên hay, tin học hay không gian. Hiểu rõ ‘‘lằn ranh đỏ’’ của nhau không đồng nghĩa với việc chấp nhận, nhưng đây là điều cho phép xác lập các biện pháp cảnh giới, báo động, đặc biệt với việc thiết lập đối thoại cấp cao, cho phép kiểm soát việc thực thi các cơ chế ‘‘cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát’’ được xác lập.
Việc thứ hai cần làm, theo chính trị gia Úc, là Mỹ – Trung cần xác lập các lĩnh vực ‘‘cạnh tranh chiến lược không sát thương’’, chuyển cuộc chạy đua đối đầu vào các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, ảnh hưởng chính trị quốc tế, và kể cả năng lực quân sự… Cuộc cạnh tranh này có mục tiêu hướng đến việc xây dựng một ‘‘hệ thống quốc tế của tương lai’’, xem ai hơn ai, bên nào giỏi hơn, chứ không phải bên nào có khả năng hủy diệt được bên nào.
Bên cạnh các hoạt động mang tính cạnh tranh, đối đầu, việc thứ ba là xác lập một ‘‘không gian chính trị’’ cho phép các bên hợp tác, nơi mà lợi ích của các bên có thể gặp nhau, như biến đổi khí hậu, y tế, ổn định tài chính quốc tế, chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc thứ ba, hay yếu tố căn bản thứ ba, phụ thuộc vào việc Mỹ – Trung có thực hiện được hai việc đầu tiên hay không.
Điểm thứ tư căn bản trong việc xác lập cơ chế ‘‘cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát’’ là việc tạo lập điều kiện cho sự thành công của cơ chế này cần đến sự phối hợp mang tính ‘‘ổn định’’ và được thực thi một cách ‘‘cẩn trọng’’ bởi một đội ngũ chuyên gia của mỗi bên, bất chấp các bối cảnh bất ổn quốc gia hay quốc tế.
Ông Keven Rudd nhấn mạnh đến bài học trong quan hệ Mỹ – Liên Xô hơn nửa thế kỷ trước, khởi đầu với nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba 1962. Mỹ – Xô đã đạt được các thỏa thuận Helsinki năm 1975, cho phép hai đại cường duy trì quan hệ ‘‘cạnh tranh chiến lược dữ dội’’ trong hàng thập niên, nhưng không biến thành một ‘‘cuộc chiến tranh tổng lực’’.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung không nhất thiết phải dẫn đến đụng độ. Cạnh tranh có thể nằm trong vòng kiểm soát. Nhưng để làm được điều đó, bản thân chính quyền Trung Quốc trước hết phải thay đổi quan điểm chính thức hiện nay. Theo Kevin Rudd, bất chấp thực tế căng thẳng gia tăng nhiều khi gần đi đến xung đột, chính quyền Bắc Kinh vẫn chính thức phủ nhận khái niệm ‘‘cạnh tranh chiến lược’’ với Mỹ.
Dù sao, theo tác giả cuốn ‘‘Nguy cơ xung đột thảm khốc giữa Mỹ và nước Trung Hoa của Tập Cận Bình: Cuộc chiến tranh có thể tránh’’, có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh bắt đầu chấp nhận ‘‘cạnh tranh chiến lược có kiểm soát’’. Những thách thức nội bộ gay gắt khiến chính quyền Tập Cận Bình tạm thời phải xuống thang. Kevin Rudd nhấn mạnh: ‘‘Nếu Bắc Kinh và Washington trong thời gian tới tìm thấy ích lợi của một cơ chế (cạnh tranh) được kiểm soát như vậy, giúp cho hai bên vượt qua được giai đoạn khó khăn trước mắt, thì họ có thể kết luận là điều này có ích về dài hạn’’.
Ghi chú
(*) Bài ‘‘Rivals Within Reason? U.S.–Chinese Competition Is Getting Sharper — but Doesn\’t Necessarily Have to Get More Dangerous’’, Foreign Affairs, ngày 20/07/2022.