Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang khi bà Pelosi thăm Châu Á

\"CăngChủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại họp báo ở Washington DC hôm 29/7/2022

 AFP

Chuyến đi “bão táp” của bà Pelosi

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bắt đầu chuyến công du châu Á, nhưng không đề cập đến Đài Loan trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng bà có thể đến thăm quốc gia này (1).

Trước đó, báo chí Mỹ đã đưa tin về chuyến thăm của bà Pelosi sẽ đến Đài Loan dịp này. Nếu chuyến thăm diễn ra, bà Pelosi sẽ là Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên thăm Đài Loan trong 1/4 thế kỷ qua.

Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ đang “chuẩn bị” cho chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo tự trị vào tháng 8 tới và Mỹ sẽ “chịu mọi trách nhiệm về bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào” nếu bà thực hiện chuyến thăm này (2). 

Bà Pelosi, thành viên Đảng Dân chủ, người đứng thứ hai (sau Phó tổng thống) trong hàng ngũ kế vị tổng thống trong trường hợp tổng thống đương nhiệm hoặc tổng thống đắc cử không thể thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khởi động sự nghiệp chính trị của mình với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc – một nữ nghị sỹ trẻ tuổi và mới mẻ dám giương biểu ngữ ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong chuyến thăm năm 1991 với các nhà lập pháp khác của Mỹ ngay sau vụ thảm sát này. Hơn 30 năm sau, ý định tới Đài Loan của bà đã tạo nên một dấu ấn ngoại giao mạnh mẽ, góp phần đổ thêm dầu vào những căng thẳng đang ở mức cao nhất ở Washington và Bắc Kinh.

Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là một nhánh bình đẳng với chính phủ, các nhà lập pháp có quyền tự do thăm bất cứ quốc gia nào họ muốn. Nhưng chính quyền Biden lo ngại phản ứng của Bắc Kinh, vốn coi sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ đối với Đài Loan là một phần trong âm mưu thúc đẩy nền độc lập cho vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên. bố chủ quyền.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã thăm Đài Loan hồi năm 1997, nhưng phản ứng của Đảng Cộng hòa đối lập cũng như của Bắc Kinh thời điểm đó tương đối im ắng. Hôm 25/7, ông Gingrich đã chỉ trích Lầu Năm Góc vì cảnh báo chống lại chuyến thăm của bà Pelosi. Ông đăng trên Twitter: “Nếu chúng ta bị Cộng sản Trung Quốc đe dọa đến mức chúng ta thậm chí không thể bảo vệ một Chủ tịch Hạ viện Mỹ, lý do gì để Bắc Kinh phải tin rằng chúng ta có thể giúp Đài Loan tồn tại?” (3).

Cuộc so găng về sức mạnh và ảnh hưởng

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể làm nổi bật những lo ngại trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden về các kế hoạch của Trung Quốc đối với Đài Loan khi Bắc Kinh tăng cường các lời lẽ và hành động gây hấn đối với hòn đảo này trong những tháng gần đây, như điều máy bay chiến đấu bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng những động thái đó có thể là tiền đề cho những bước đi quyết liệt hơn nữa của Trung Quốc trong những tháng tới nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với Đài Loan.

Cuộc chiến ở Ukraine càng làm gia tăng những lo ngại đó khi Biden và các quan chức hàng đầu của Mỹ hồi hộp theo dõi xem Trung Quốc có thể rút ra bài học gì từ phản ứng của phương Tây trước cuộc xâm lược của Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – được cho là đang củng cố quyền lực để đảm bảo một nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba liên tiếp, điều chưa từng xảy ra, tại Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu tới, góp phần gây căng thẳng địa chính trị trong khu vực. 

Trong khi Bắc Kinh đang trỗi dậy mạnh mẽ, Washington dường như đã từ bỏ thái độ dè dặt trước đây trong vấn đề Đài Loan. Biden đã nói rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự trong trường họp hòn đảo này bị tấn công – không chỉ đơn thuần là cung cấp vũ khí – mặc dù Nhà Trắng sau đó đã phủ nhận tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng. Mike Pompeo, Ngoại trưởng dưới thời Donald Trump, trong chuyến thăm Đài Bắc hồi tháng 3 vừa qua đã kêu gọi Mỹ công nhận “thực tế không thể chối cãi và đã tồn tại” nền độc lập của Đài Loan. Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Trump, tuần trước cũng tuyên bố sau chuyến thăm Đài Loan rằng chính sách \”Một Trung Quốc\” “đã kết thúc như nó phải thế và không chịu sự tác động từ bên ngoài”, đồng thời lưu ý rằng hầu hết người Đài Loan không còn coi họ là người Trung Quốc (4).

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có thể sẽ triển khai một số biện pháp quân sự nếu Pelosi quyết tới Đài Loan, từ các cuộc tập trận – thường diễn ra cùng lúc các chuyến công du mà Trung Quốc phản đối – cho tới đóng cửa không phận hoặc khóa đường biển tạm thời. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đứng trước những nước cờ đòi hỏi sự khéo léo, giữa một bên là nhu cầu thể hiện quyền lực ở trong nước, trước Đại hội Đảng XX, với một bên là phải hết sức tránh leo thang căng thẳng ngoài tầm kiểm soát. Hãng tin AP bình luận: “Trong bối cảnh Mỹ tìm cách cân bằng mối quan hệ có nhiều rủi ro với Trung Quốc, liệu Pelosi có dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Loan hay không vẫn chưa rõ. Song có điều chắc chắn là quyết định của Pelosi sẽ đánh dấu thời điểm chính sách đối ngoại và nhân quyền mang tính quyết định cho nước Mỹ và nhà lập pháp cấp cao với nhiệm kỳ dài lãnh đạo Hạ viện”. (5)

Các quan chức chính quyền Mỹ lo ngại chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi diễn ra vào thời điểm đặc biệt căng thẳng, khi Tập Cận Bình đang tìm kiếm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới. Giới chức Mỹ nói rằng họ không mấy lo ngại nguy cơ Bắc Kinh sẽ tấn công máy bay của Pelosi, nhưng nhận thức nguy cơ những tính toán sai lầm hoặc sơ suất có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của chính trị gia này. 

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị cho Đại hội trong những tuần tới, gây áp lực buộc giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải thể hiện sức mạnh. Các quan chức Mỹ cũng cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không nắm bắt đầy đủ các động lực chính trị ở Mỹ, dẫn đến sự hiểu lầm về tầm quan trọng của chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc có thể nhầm lẫn chuyến thăm của bà Pelosi với chuyến thăm chính thức của chính quyền Mỹ, vì bà và Biden đều là thành viên Đảng Dân chủ.

Trong chuyến công du tới  khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, dừng chân tại Indonesia ngày 24/7, Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ – đã nhận định: “Quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến và nguy hiểm trong 5 năm gần đây” (6). Theo Tướng Milley, số vụ “đối đầu không an toàn” giữa máy bay chiến đấu và tàu chiến của Trung Quốc với Mỹ và đồng minh tăng lên đáng kể, dù ông không đưa ra con số cụ thể. Chuyến công du của Tướng Milley chủ yếu tập trung vào mối đe dọa Trung Quốc, tham dự cuộc họp với những người đồng cấp của khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tại Australia trong tuần tới với các chủ đề thảo luận dự kiến tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc và sự cần thiết phải duy trì một “khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa bình” (7). 

Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã cảnh báo về nguy cơ Bắc Kinh sẽ xâm lược Đài Loan. Một số quan chức nhận định quyết định này sẽ được đưa ra trước năm 2027. Đến nay, Mỹ vẫn là đồng minh và là đối tác cung cấp vũ khí số 1 của Đài Loan. Theo luật, chính phủ Mỹ phải coi các mối đe dọa với Đài Loan là các “ mối quan ngại thực sự”, nhưng hiện vẫn “mơ hồ” về khả năng bảo vệ Đài Loan bằng lực lượng quân sự nếu hòn đảo này bị Trung Quốc tấn công. 

Chính sách của Mỹ về Đài Loan vẫn luôn là một vấn đề gây tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ. Nhưng dù vô tình hay cố ý, Washington đã bóng gió rằng họ coi Đài Loan là một lợi ích quốc gia cốt lõi. Tổng thống Joe Biden đã mời Đài Loan tham gia Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ năm ngoái, như thể đây đúng là một quốc gia độc lập như các quốc gia khác. Vào tháng 5, trong một cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc hay không, Biden đã trả lời là “có” và điều này dường như đã đi ngược lại chính sách tiêu chuẩn của Washington là duy trì thái độ quân sự mập mờ của Mỹ.

Mặc dù, mới đây tại Diễn đàn An ninh Aspen, Cố vấn an ninh Quốc gia Jake Sullivan ngày 22/7  khẳng định chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi và Washington đang theo sát các diễn biến quanh hòn đảo này. Cụ thể, ông Sullivan cho hay: “Tổng thống Biden đã tuyên bố tại Nhật Bản rằng chính sách của Mỹ là không thay đổi” (8). Tuy nhiên, điều này  càng cho thấy Mỹ vẫn duy trì sự mơ hồ chiến lược đối với Đài Loan. Mỹ lo ngại nguy cơ xung đột với Trung Quốc sẽ đạt tới điểm mà ở đó một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới sẽ nổ ra. Mỹ hiện đang ở vị thế có thể duy trì cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc, dù đó là ở Thái Bình Dương, châu Âu hay Trung Đông

Bài Liên Quan

Leave a Comment