Đài Loan trong vòng xoáy khủng hoảng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Đăng ngày: 02/08/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Báo Trung Quốc liên tục đưa tin về chuyến thăm châu Á của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi với khả năng bà Pelosi ghé Đài Loan. Ảnh chụp ngày 31/07/2022 tại một quầy báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc). AP – Andy Wong

Chi Phương

Chuyến công du châu Á của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và ý định đến thăm Đài Loan kéo theo những rủi ro địa chính trị là chủ đề được nhiều báo Pháp số ra hôm nay quan tâm. 

Báo Le Monde và Le Figaro đều đăng hình ảnh dường như được chụp tại cùng một nơi ở Bắc Kinh : người qua đường dừng chân, đứng xem tờ Hoàn Cầu Thời Báo với ảnh chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ở trang nhất. Không chỉ ở Trung Quốc, ý định đến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ trong chuyến công du châu Á trở thành chủ đề được báo chí Pháp và quốc tế chú ý.

Với tựa “Chuyến thăm rủi ro của Pelosi ở châu Á”, Le Monde đặt câu hỏi : Nếu chuyến thăm này thực sự diễn ra, quân đội Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao ? Ý định đến thăm hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh “phản nghịch ”và cần phải chinh phục, được nhật báo Anh Financial Times tiết lộ ngày 19/07/2022. Kể từ đó báo chí quốc tế và các chuyên gia địa chính trị dự báo chuyến thăm này sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. 

Cuối tuần vừa qua, ngày 30/07/2022, Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan. Trước đó ngày 28/07, trong cuộc điện đàm trực tiếp với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng “những kẻ đùa với lửa thì có thể bị thiêu sống”. Tuyên bố trên đã nhiều nghị sỹ phẫn nộ, càng ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện, và không thể để mặc cho Bắc Kinh quyết định số phận của lãnh đạo Hoa Kỳ. 

Le Monde nhấn mạnh, hủy chuyến thăm này sẽ làm cho sức mạnh của Hoa Kỳ suy yếu tại khu vực, cũng như làm Washington rơi vào thế nhượng bộ Bắc Kinh trong quan hệ với Đài Loan. Nhật báo Pháp đưa ra giả thuyết về phản ứng của Bắc Kinh nếu bà Pelosi đến Đài Loan. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu về châu Á Mathieu Duchatel, Trung Quốc có thể có những phản ứng liều lĩnh, đó là điều máy bay vào không phận của hòn đảo, đây được cho là hành động mà Bắc Kinh nhận lấy rủi ro một cách vô nghĩa. Kịch bản dẫn đến rủi ro khủng hoảng chính trị toàn cầu lớn nhất đó là quân đội Trung Quốc chặn máy bay của Pelosi.

Le Figaro cho biết có nhiều nguồn tin từ Đài Loan khẳng định chuyến thăm này sẽ diễn ra, có khả năng là hôm nay 02/08, và việc Hoa Kỳ không phủ nhận chẳng khác nào ngầm khẳng định. Theo nhật báo thiên hữu, căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc kể từ khi xuất hiện những lời đồn đại về chuyến thăm của Pelosi cho thấy Hoa Kỳ khó mà duy trì chính sách đối với Đài Loan. 

Mặc dù tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định yểm trợ quân sự cho Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công, nhưng không rõ là cố tình hay vô tình, Biden tỏ ra không muốn can thiệp hay không có phát biểu chính thức nào về chuyến công du của chủ tịch Hạ Viện. Cũng có thể là do sự phân quyền ở Hoa Kỳ. Vào tháng trước, Joe Biden thận trọng nhận định rằng chuyến thăm của bà Pelosi không phải là ý hay trong lúc này. Biden dường như bị coi là khuất phục trước những đe doạ từ Bắc Kinh trong nội bộ chính phủ.

Theo Libération, những khó khăn mà Nga gặp phải trong cuộc xâm lược Ukraina đã khiến Trung Quốc phải xem xét lại những rủi ro nếu tiến hành chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, trong những ngày qua, cả hai đều có những hành động phô trương sức mạnh quân sự. Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, còn Đài Loan thì vừa mới kết thúc đợt thao dượt thường niên với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhật báo thiên tả nhắc lại, dù Hoa Kỳ thường cử các phái đoàn ngoại giao và nghị sỹ đến thăm Đài Loan, nhưng chưa một lãnh đạo cấp cao nào đặt chân đến hòn đảo từ 1997 đến nay.

Đáng chú ý là đây lại là chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, một chính trị gia lớn của Hoa Kỳ. Rất khó có thể nghi ngờ Pelosi có cân đo đong đếm hậu quả của chuyến thăm, được cho là để bày tỏ sự ủng hộ của Quốc Hội Hoa Kỳ đối với Đài Loan, không chỉ về mặt tư tưởng mà còn về mặt kinh tế. Hòn đảo hơn 23 triệu dân sản xuất 50 % chất bán dẫn toàn cầu, một loại vật liệu thiết yếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sản xuất vũ khí cũng như các phương tiện giao thông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment