Đăng ngày: 15/08/2022
Sau khi hủy thỏa thuận mua máy bay trực thăng trị giá 12,7 tỉ đô la với Nga, đại sứ Philippines tại Mỹ, ngày 15/08/2022, cho biết Manila đang tìm cách mua trực thăng Chinook của Mỹ.
Theo Reuters, Philippines đã hủy thỏa thuận mua 16 máy bay trực thăng vận tải Mi-17 của Nga vào tháng 6, chỉ vài ngày trước khi tổng thống Rodrigo Duterte hết nhiệm kỳ. Trên một diễn đàn trực tuyến, đại sứ Philippines Jose Manuel Romualdez giải thích với các nhà báo rằng « việc hủy hợp đồng (với Nga) được quyết định chủ yếu do cuộc chiến tại Ukraina » và để tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Philippines « không có lợi gì khi tiếp tục hợp đồng này ». Manila đang đàm phán với Matxcơva để lấy lại khoản đặt cọc 38 triệu đô la.
Theo đại sứ Jose Manuel Romualdez, máy bay Chinook sẽ thay thế thiết bị đang được sử dụng trong việc di chuyển quân và hoạt động ứng phó thiên tai ở Philippines. Phía Mỹ sẵn sàng đúc kết hợp đồng đúng với ngân sách mà Philippines dự chi mua máy bay trực thăng Nga, kể cả dịch vụ bảo trì và linh kiện.
Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đến Mỹ đàm phán mua chiến đấu cơ
Cùng lúc, một phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Washington để tiếp tục đàm phán việc giao chiến đấu cơ. Hoa Kỳ đình chỉ giao chiến đấu cơ vì Thổ Nhĩ Kỳ, tuy là thành viên NATO, đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Từ năm 2019, đây là chủ đề căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tín viên Céline Pierre-Magnani tường trình từ Istanbul :
« Phạm vi đàm phán được dự đoán là sít sao đối với phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Washington. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tìm mọi cách để nhận được 40 chiến đấu cơ F-16 bổ sung cho đội bay của nước này. Nhưng từ năm 2019, hồ sơ bị chựng lại.
Thực vậy, Ankara đã chọn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 nổi tiếng của Nga. Quyết định này đã làm Washington bất bình và đình chỉ giao các chiến đấu cơ F-35 theo đơn đặt hàng ban đầu. Từ đó, chính phủ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan liên tục gây sức ép để buộc Mỹ phải nhân nhượng.
Tại thượng định NATO vào tháng 06, tổng thống Joe Biden tỏ ý ủng hộ việc giao chiến đấu cơ, nhưng quyết định này phụ thuộc vào Quốc Hội Mỹ. Nhiều thượng nghĩ sĩ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không sử dụng chiến đấu cơ của Mỹ trong không phận Hy Lạp. Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ lại thông báo là không thể chấp nhận điều kiện mà các nghị sĩ Mỹ áp đặt.
Vào lúc này, dường như chỉ có sự can thiệp của chính quyền Biden mới có thể làm thay đổi tình hình ».