Trung Quốc và những bước chuẩn bị cho « giai đoạn hậu Hoa Kỳ » ?

Đăng ngày: 16/08/2022

\"\"
\"\"
Trung Quốc và Nga mở ra một thời đại mới thách thức phương Tây. Ảnh tư liệu: Chủ tịch Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022. AP – Alexei Druzhinin

Thanh Hà

Không trông thấy Trung Quốc trỗi dậy, phương Tây đã khiếp sợ vì sức mạnh của một đối thủ kinh tế do chính mình phần nào bồi đắp. Kịch bản kinh tế Trung Quốc sụp đổ còn tai hại hơn. Bắc Kinh và Washington đối đầu về mặt chiến lược, nhưng kinh tế Mỹ-Trung lại gắn kết với nhau và « không bên nào có lợi nếu đối phương gục ngã ».

Trên đây là một vài ý chính trong loạt bài phân tích mà nhà báo Alain Frachon tập hợp từ những bài viết của ông trên báo Le Monde trong suốt giai đoạn từ năm 2014 đến đầu tháng 3/2022. Tác giả đưa những bài viết này vào tác phẩm mang tên Un Autre Monde l’ère des dictateurs – Một Thế Giới Khác, Thời Đại của Những Nhà Độc Tài, NXB Perrin, vừa ra mắt độc giả tháng 5/2022.

Tạp chí của RFI xin tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong quá khứ cũng như hiện tại, phương Tây, mà chủ yếu là Mỹ, « không sẵn sàng » với những chuyển biến từ quốc gia châu Á này.

Như tựa đề cuốn sách, Alain Frachon khẳng định ngay từ phần mở đầu : « Thế kỷ 21 là thời đại của Tập Cận Bình và Vladimir Putin. (…) Không gì ngăn cản Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới trong tương lai và lần đầu tiên từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc năm 1945, siêu cường số 1 thế giới sẽ không phải là một nền dân chủ ».

Từ một « đối tác thân thiện » đến « đối thủ toàn diện »

Cây bút của báo Le Monde viết tiếp : « Do trọng lượng về dân số, do là một nền kinh tế năng động, Trung Quốc đương nhiên chiếm vị trí then chốt về chiến lược, qua đó làm đảo lộn tương quan lực lượng trên bàn cờ quốc tế, làm chao đảo thế thống trị của phương Tây, làm thay đổi quan hệ giữa Bắc Kinh với Liên Hiệp Châu Âu, làm thay đổi cục diện của thế giới về kinh tế, về công nghệ ». (tr.9)

Trong vỏn vẹn 50 năm, Trung Quốc đã vươn lên gần như từ hai bàn tay trắng. Alain Frachon ghi nhận : vào thập niên 1970, Trung Quốc không là « trung tâm » trong bất kỳ một lĩnh vực nào và trọng lượng kinh tế của nước đông dân này tính ra chưa đầy 1 % GDP thế giới. Bắc Kinh có vũ khí nguyên tử, có đội quân hùng hậu nhất, nhưng chưa đủ để khiến « thiên hạ phải khiếp sợ ».

Về phía phương Tây, đối thủ của Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Liên Xô. Không một ai bị mô hình của Liên Xô làm mê hoặc. Khối tư bản tự do nắm rất nhiều lá chủ bài trong tay từ quân sự đến kinh tế, văn hóa, công nghệ cao… Với Trung Quốc giờ đây thì khác, kể từ khi ông khổng lồ châu Á này vươn vai thức dậy trong thập niên 1980.

Điều đáng nói ở đây là thông thường, phải cần khoảng 2 thế kỷ để một quốc gia trở thành một siêu cường, Trung Quốc chỉ cần có « 2 thế hệ » để đạt đến đích. Frachon ghi nhận ở trang 15 trong tác phẩm Thời Đại của Những Nhà Độc Tài : Trong 50 năm, Trung Quốc đã trở thành « tâm điểm » của rất nhiều vấn đề, nào là khí hậu, dịch tễ và kể cả tài chính, công nghệ. Cũng ông khổng lồ châu Á này giờ đây là một trong những đầu tầu tăng trưởng của thế giới, là « hạt nhân trong các cuộc chạy đua vũ trang ». Đảng Cộng Sản Trung Quốc hơn 100 năm tuổi không chút mặc cảm, công khai tuyên bố mục tiêu « cạnh tranh toàn diện với thế giới phương Tây : kinh tế, công nghệ mũi nhọn, ảnh hưởng chính trị và sẵn sàng cho một cuộc đọ sức với thế giới tự do và dân chủ về mặt ý thức hệ ».

Đó chỉ là một sự tiếp nối lô-gic khi mà theo các dự phóng, « đến năm 2050, Trung Quốc chiếm 20 % GDP toàn cầu. Mỹ rơi xuống hàng thứ ba sau Ấn Độ với 12 % và Liên Âu bị đẩy xuống hạng tư với chưa đầy 10 % GDP của thế giới ». (tr.16)

Thêm một điểm đáng ghi nhận khác : trong hai thế hệ, Trung Quốc « không còn là công xưởng của thế giới, mà là một ông khổng lồ về công nghệ mũi nhọn, là chủ nợ của thế giới (kể cả với Hoa Kỳ), và Bắc Kinh đã nhân lên gấp đôi ngân sách quốc phòng trong giai đoạn từ 2010 đến 2020 (…) Về an ninh mạng hay đơn giản là về công nghệ không gian, Trung Quốc đã phát triển những loại vũ khí cho tương lai ». (tr.17)  

Thịnh vượng không nhất thiết mang lại dân chủ

Trong suốt tiến trình « vươn dậy đó », Trung Quốc vẫn là một chế độ toàn trị. Alain Frachon ghi nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter :

« Dân chủ đem lại một sự thịnh vượng và hòa bình : trong một thời gian dài, tôi đã ngỡ rằng đó là mô hình duy nhất, một chuẩn mực. Thế nhưng, Trung Quốc đã chứng minh điều ngược lại. Trung Quốc có một mô hình khác, với một mức tiêu thụ cao, có khoảng từ 300 đến 400 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu và sinh sống ở thành thị. Cho đến nay, lịch sử cho thấy, hội tụ hai yếu tố – một tầng lớp trung lưu, thịnh vượng và sinh sống ở thành thị, thì bằng cách này hay cách khác, xã hội sẽ cởi mở hơn, tự do hơn. Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đi ngược lại với mô hình đó ».

« Trong hai thế hệ, Trung Quốc đang từ một đối tác thân thiện trở thành một đối thủ trên mọi lĩnh vực (…) một phần kết quả đó có được là nhờ đầu tư của Mỹ, của Nhật Bản và cả Đài Loan vào Hoa Lục. Trung Quốc đã lặng lẽ phát triển cỗ máy kinh tế. Hoa Kỳ thì đã nhắm mắt trước những hành vi chà đạp nhân quyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, kể cả với biến cố Thiên An Môn năm 1989. Tổng thống Bush cha, rồi Bill Clinton cùng tin tuởng dân chủ đem lại thịnh vượng và hòa bình ».  (tr.27).

Trung Quốc vươn vai trỗi dậy, đi từ thành công này đến thắng lợi khác vào thời điểm phương Tây đi sai nhiều nước cờ. Điều đó đã làm « thay đổi tương quan lực lượng trên bàn cờ quốc tế ». Tác giả cuốn Một Thế Giới Khác, Thời Đại của Những Nhà Độc Tài liệt kê ra một loạt những « vố đau » :

Về quân sự, quyết định can thiệp vào Afghanistan mùa thu 2001 hay chiến dịch quân sự tại Irak hai năm sau đó có đem lại những kết quả gì tốt đẹp, hay trái lại « Cảnh tượng quân đội Mỹ bỏ rơi Kabul, mùa hè 2021, chỉ làm xấu đi thêm hình ảnh của Hoa Kỳ ? ». Trong lĩnh vực kinh tế, trận đại hồng thủy tài chính 2008 đã phơi bày ra ánh sáng những « nhược điểm của một mô hình tư bản tự do vô trách nhiệm ».

Từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã vươn lên đến vị trí hàng đầu của thế giới gần như trên mọi phương diện (ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ cao…). Trong khi đó thì cả Hoa Kỳ lẫn Liên Âu đều « liên tục trong thế thủ ». Vì tình thế, Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau. Tinh thần bài phương Tây là keo sơn gắn kết hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin với một cột mốc quan trọng là chuyến công du Trung Quốc của nguyên thủ Nga 20 ngày trước khi tuyên chiến, gửi quân sang xâm chiếm Ukraina.

Sắp kết thúc 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21, Mỹ phải đối mặt với một đối thủ mà sự lớn mạnh đã phần nào do chính Washington xây đắp ». Đương nhiên là Đảng Cộng Sản Trung Quốc không « mảy may có ý định từ bỏ thế độc quyền » điều hành đất nước. Bắc Kinh cũng chẳng có một thoáng ý định nào để đóng vai trò « một đối tác dễ bảo của Mỹ trong nỗ lực kiến thiết một trật tự quốc tế mới ».  (tr.27/28).

Phải chăng đó là động lực đẩy Trung Quốc xích lại gần với Nga ?  

Alain Frachon nhấn mạnh đến cuộc đọ sức về mặt ý thức hệ giữa một bên là hai quốc gia toàn trị và các nền dân chủ phương Tây. « Cuộc chiến trên mặt trận này » đã chính thức mở màn từ bản tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước ký kết hôm 04/02/2022. Matxcơva và Bắc Kinh khẳng định một « thời đại mới » trong bang giao quốc tế đang được mở ra :  

« Đây là một cuộc đọ sức ít được nhắc đến. Hai ông Tập Cận Bình và Valimir Putin đã đặt bút ký một tài liệu rất rõ ràng gồm 6 trang hôm 04/02/2022 nhân dịp tổng thống Nga công du Bắc Kinh. Sau sáu giờ đồng hồ hội đàm với chủ tịch Trung Quốc, lãnh đạo hai nước đã đưa ra một bản thông cáo chung. Văn bản đó là nền tảng của một cuộc chiến về mặt ý thức hệ. Matxcơva và Bắc Kinh cùng khẳng định không thể tiếp tục để cho phương Tây áp đặt trật tự quốc tế. Trung Quốc và Nga chủ trương ấn định những quy luật mới, những cách tiếp cận mới trong mỗi định chế đa quốc gia về nhân quyền, về dân chủ …. Không để cho phương Tây độc quyền nói về mô hình dân chủ tự do như điều đang hiện hành từ năm 1945 đến nay. Cần phá vỡ thế độc quyền đó. Hai ông Tập và Putin đã nhấn mạnh đến một « thời đại mới », đến giai đoạn mà Trung Quốc và Nga kiến tạo lại một trật tự quốc tế, tách rời khỏi ảnh hưởng của phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ ». 

Câu hỏi kế tiếp là với sức mạnh kinh tế, quân sự và thực ra là trên rất nhiều mặt mà giờ đây không còn phải chứng minh nữa, Trung Quốc muốn gì ? Nhà báo Frachon trả lời : trước hết, sự vươn lên thần kỳ trong hai thế hệ vừa qua cho phép Bắc Kinh phục thù, vĩnh viễn sang trang những thời kỳ 1850-1949, từng bị Mỹ, Châu Âu và kể cả Nhật Bản xâm chiếm. Trung Quốc cũng đã tìm lại vị trí là « trung tâm của thế giới ». Nhưng liệu rằng Trung Quốc dưới sự lanh đạo của ông Tập Cận Bình có « thay thế vào chỗ của Hoa Kỳ để thống lĩnh thiên hạ »? Frachon trích dẫn một số chuyên gia Pháp như François Godement, Viện nghiên cứu Montaigne –Paris, « không chắc Bắc Kinh trở thành siêu cường số 1 để quán xuyến mọi chuyện trên thế giới ». Tại Washington, cố vấn của tổng thống Joe Biden về hồ sơ Trung Quốc, Rush Doshi, có một cái nhìn khác trong bài tham luận đăng trên tạp chí Foreign Policy, tháng 10/2020. Nhà nghiên cứu Mỹ này cho rằng Trung Quốc « muốn thống lĩnh luôn cả Uncle Sam ».

Một sự chung sống với nhiều sóng gió

Giữa hai thái cực từ quan điểm của các chuyên gia Pháp và Mỹ được trích dẫn, Alain Frachon cho rằng, có lẽ còn quá sớm để nói tới « một trật tự thế giới mới » mà Trung Quốc áp đặt để thay thế cho trật tự đã do Hoa Kỳ phác họa ra từ năm 1945 tới nay. Nhà báo của Le Monde thiên về kịch bản « quyền lực » trên thế giới sẽ phải được chia sẽ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và đó sẽ là một « cuộc chung sống với nhiều xung khắc ít nhất là trong 5 lĩnh vực » (tr.22) : đôi bên sẽ đọ sức với nhau về một cuộc chạy đua vũ trang, về công nghệ. Trung Quốc và Mỹ đứng trước nguy cơ nổ ra sự cố trong vùng Tây Thái Bình Dương. Mặt trận thứ tư liên quan đến cuộc tranh giành ảnh hưởng tại mỗi định chế đa quốc gia, mỗi diễn đàn quốc tế. Lĩnh vực duy nhất trong mắt nhà báo Frachon mà Bắc Kinh và Washington có thể tìm được một sân chơi chung có lẽ là trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.  

Nghịch lý và cũng có thể là điều thú vị trong quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là lần đầu tiên trong lịch sử, hai quốc gia hùng mạnh vừa là đối thủ vừa là đối tác của lẫn nhau. Về chiến lược và chính trị Bắc Kinh – Washington « kình địch » nhau, nhưng Trung Quốc và Mỹ lại là hai nền kinh tế phụ thuộc vào lẫn nhau.

Chính vì thế mà trong quá khứ Hoa Kỳ đã từng giúp Trung Quốc vươn lên, để rồi bị bất ngờ vì sức bật phi thường của quốc gia châu Á này, và nay xem Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh đáng gờm, đe dọa kinh tế Mỹ. Nhưng những tin xấu về nền kinh tế thứ nhì thế giới cũng đáng sợ không kém : chính sách zero covid của ông Tập Cận Bình đã tác động trực tiếp đến guồng máy công nghiệp Mỹ. Kịch bản dân số Trung Quốc đang từ 1,5 tỷ rơi xuống còn 720 triệu đến cuối thế kỳ này cũng là một yếu tố mà các nhà quan sát ở Washington theo dõi sát. Viễn cảnh Đảng Cộng Sản Trung Quốc mất khả năng đáp ứng những đòi hỏi của tầng lớp trung lưu, không tạo đủ công việc làm cho khoảng 600 triệu sinh viên tốt nghiệp hàng năm cũng là một yếu tố khiến các doanh nghiệp, các chính khách phương Tây lo ngại, bởi, « lần đầu tiên trong một cuộc đọ sức, cả hai cùng thực sự « không muốn trông thấy nền kinh tế của đối phương sụp đổ ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment