Đăng ngày: 16/08/2022
Nước Pháp có nhiều Con đường Rượu vang. Vương quốc Bỉ có Con đường của Bia. Nhân dịp hè về, phụ trang văn hóa báo Le Figaro đưa độc giả đi tham quan một số thắng cảnh của nước Bỉ, theo một lộ trình từ bắc chí nam hầu viếng thăm nhiều địa danh, vùng miền có sản xuất bia thượng hạng, thuộc vào hàng ngon nhất thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật làm bia của Bỉ đã được tổ chức Unesco công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào cuối tháng 11/2016. Theo thống kê chính thức, Vương quốc Bỉ hiện sản xuất hơn 1.500 hiệu bia đủ loại, bằng các phương pháp lên men khác nhau, trong đó có rất nhiều loại bia thủ công, tên của bia thường được đặt theo địa danh, làng mạc hay nơi sản xuất. Quan trọng hơn nữa là hai dòng sản phẩm bia có chất lượng cao : \’\’bière trappiste\’\’ gọi nôm na là bia thầy tu và \’\’bière d\’abbaye\’\’ tức là bia tu viện.
Trappiste và Abbaye : hai dòng bia quan trọng của Bỉ
Loại bia thầy tu (trappiste) do các vị tu sĩ tự tay chế biến từ đầu đến cuối, ngay ở nơi tu hành. Bia trappiste cũng thường được bán tại chỗ, thường là bên trong khuôn viên tu viện. Thời xưa, giới tu sĩ chế biến bia chủ yếu là để trang trải các khoản chi phí trong cuộc sống thường nhật của họ, công việc sản xuất bia thủ công cũng nhắm thêm mục đích làm chuyện từ thiện, hay bảo tồn thư viện hay nhà nguyện. Thời nay, bia trappiste có thể được bày bán ở ngoài chợ hay trong siêu thị, nhưng không nhằm mục đích làm giàu cá nhân, mà chủ yếu để phục vụ cộng đồng. Có thể xếp các hiệu bia Orval, Chimay hay La Trappe vào hạng này.
Bên cạnh loại bia thầy tu, giờ đây còn có khá nhiều loại bia được sản xuất cũng tại tu viện, nhưng với mục đích bán ra thị trường (siêu thị) để tạo nguồn lợi nhuận thương mại. Các tu viện có thể giữ nguyên phòng ốc trang trại, nhưng được chuyển đổi thành cơ sở sản xuất, chứ ít còn hoạt động mang tính tôn giáo ở bên trong. Khi không còn được giới tu sĩ giám sát từ đầu đến cuối và sản phẩm được kinh doanh để kiếm lời thì loại bia này chỉ được gọi là bia tu viện (bière d\’abbaye) chứ không thể gắn chữ trappiste làm \’\’nhãn hiệu\’\’ cầu chứng. Do không bị hạn chế, bia tu viện là một trong những loại phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
Theo phụ trang văn hóa báo Le Figaro, một trong những loại bia tu viện nổi tiếng nhất hiện thời của Bỉ là hiệu Leffe, tên viết tắt của \’\’Abbaye de Leffe\’\’ nằm ngay tại thị trấn Dinant, cách thành phố Namur khoảng 30 km về phía nam. Hiệu Leffe là loại bia của Bỉ được tiêu thụ nhiều nhất ở Pháp. Trên logo của chai bia, thực khách có thể thấy bộ kính màu của tu viện. Truyền thống làm bia tu viện Leffe đã có từ những năm 1240.
70 năm phục hồi dòng bia tu viện Leffe
Vào thời bấy giờ, bia được coi là một thực phẩm quan trọng không thua gì bánh mì. Nhờ quá trình lên men, bia thành một loại thức uống \’\’đảm bảo\’\’ cho sức khỏe, ít nguy hiểm hơn là các nguồn nước sông hay nước giếng dễ bị nhiễm trùng (nếu không được đun sôi). Sau nhiều thế kỷ hoạt động, truyền thống làm bia Leffe bị gián đoạn vào cuối thế kỷ XVIII, khiến cho tu viện bị bỏ hoang. Mãi đến năm 1952, công ty Lootvoet của Bỉ mới khởi động lại việc sản xuất bia đúng theo công thức có từ nhiều thế kỷ trước để tạo ra thương hiệu Leffe.
Giờ đây, cũng như Budweiser hay Corona, hiệu Leffe thuộc về đại tập đoàn Bỉ Anheuser Busch InBev. Tuy đã di dời cơ sở sản xuất, nhưng tu viện cũng như nhà nguyện của thị trấn Dinant, tọa lạc ở hai bên bờ sông Meuse thuộc tỉnh Namur, nay được biến thành Viện bảo tàng Leffe. Đây là nơi lưu trữ các tài liệu lịch sử về những thế hệ làm bia đầu tiên trong vùng này. Leffe không chỉ nổi tiếng với các loại bia nâu, dựa theo công thức lâu đời để sản xuất lại từ năm 1952 trở đi, mà còn có nhiều sản phẩm ăn khách khác như Leffe Radieuse màu vàng óng rực rỡ (từ năm 1973) hay loại Leffe Nectar, bia ủ với mật ong sản xuất từ năm 2012. Năm nay đánh dấu đúng 70 năm thương hiệu Leffe được tung ra thị trường (1952-2022).
Trong số các loại bia thầy tu, có loại bia Chimay rất nổi tiếng của Bỉ. Nằm cách biên giới Pháp khoảng 20 cây số, thị trấn Chimay bắt đầu sản xuất bia cùng tên từ năm 1862, tức cách đây 160 năm. Vào giữa thế kỷ XIX , hoàng tử Joseph de Camaran thuộc dòng dõi quý tộc Chimay đã mời một nhóm tu sĩ dòng Xitô (từ làng Westvleteren) về điều hành tu viện Notre-Dame de Scourmont của thị trấn Chimay. Dòng Xitô là một nhánh xuất phát từ Dòng Biển Đức. Tên gọi này bắt nguồn từ làng Cîteaux nằm gần thành phố Dijon, miền đông nước Pháp. Vào cuối thế kỷ XI, từ những năm 1090 trở đi, loại bia thầy tu do các nhóm tu sĩ dòng Xitô chế biến đã lan rộng sang nhiều vùng lãnh thổ châu Âu. Nếu như Pháp là nơi khởi nguồn của dòng bia này, thì bia thầy tu sau đó đã phát triển mạnh ở Đức, Áo, Hà Lan, rồi trở thành một truyền thống độc đáo của vương quốc Bỉ.
Chimay và Orval : hai loại bia trappiste truyền thống
Tại Chimay, chính các vị tu sĩ dòng Xitô đã du nhập truyền thống làm bia thủ công vào vùng này. Ngoài việc tận dụng cơ sở rộng lớn trong tu viện, họ còn dùng khoảng thời gian rảnh rỗi để hoàn chỉnh công thức, cải thiện chất lượng, tạo nên những dòng bia có hương vị đậm đà hấp dẫn, uống rất ngon miệng. Tại tu viện chính của thị trấn Chimay, các tu sĩ đã đào giếng để lấy nước canh tác, họ cũng dùng những phương pháp tự nhiên để lọc nước, chọn thời điểm thích hợp để ủ bia, dùng các loại men dại để bảo đảm quá trình lên men tự nhiên chứ không dùng hóa chất. Nhờ vào sự giám sát đó, mà uy tín của bia Chimay nhanh chóng lan rộng ra khắp nơi. Tại trung tâm triển lãm Chimay cách tu viện khoảng 10 phút đi bộ, khách tham quan sẽ được dịp thưởng thức bia, nếm thêm các loại thực phẩm khác như sữa chua, phô mai, bánh mì, bánh quy do các tu sĩ tự tay chế biến.
Nằm cách Chimay (vùng nói tiếng Pháp) khoảng 100 cây số về phía nam, có tu viện Orval gần thị trấn Florenville cũng là nơi sản xuất một loại bia thầy tu nổi tiếng không kém. Tọa lạc trong khu rừng rậm của vùng Ardenne của Bỉ, tu viện thời trung cổ của Orval đã bị phá hủy vào năm 1793. Theo báo Le Figaro, chính cũng nhằm tài trợ việc tái thiết tu viện, mà cộng đồng tu sĩ Orval vào năm 1926 đã khởi động lại việc sản xuất bia thủ công. Tuy không có uy tín lâu đời bằng Chimay hay các hiệu khác như Rochefort, Achel, Westmalle hay La Trappe, nhưng bia Orval luôn được xếp vào hạng ngon nhất thế giới trong số các loại bia trappiste, có lẽ cũng vì Orval chỉ sản xuất một kiểu duy nhất chứ không có nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Thêm vào đó, sản lượng bia Orval mỗi năm cũng khá hạn chế.
Nếu đi xe hơi từ Paris sang Bỉ qua ngõ Lille, khách tham quan nên viếng thăm trước tiên các cơ sở làm bia tu viện ở phía bắc gần thủ đô Bruxelles, rồi sau đó xuống miền nam vì có rất nhiều bia trappiste nằm ở trong vùng biên giới (nói tiếng Pháp) gần Luxembourg. Ở vùng phía bắc xung quanh Bruxelles có ba loại bia nổi tiếng của vùng Flandres (nói tiếng flamand). Mỗi địa danh đều có sản xuất một loại bia nổi tiếng là : Grimbergen, Hoegaerdeen và Affligem. Đây chủ yếu là các loại bia lấy công thức của tu viện và sản xuất đại trà để xuất khẩu và dành cho thị trường tiêu dùng.
Điển hình là hiệu Grimbergen đã được ra mắt vào năm 1958 nhân kỳ Triển lãm Toàn cầu tại Bruxelles. Công ty sản xuất bia Maes của Bỉ đã thuyết phục tu viện Grimbergen cho phép họ quyền sử dụng tên này làm thương hiệu bia. Grimbergen cũng như Affligem tuy gọi là bia Bỉ nhưng lại do tập đoàn Heineken của Hà Lan sản xuất. Còn đối với hiệu Hoegaarden thuộc tập đoàn Bỉ AB InBev, loại \’\’bia trắng\’\’ này được các tu sĩ chế biến lần đầu tiên năm 1145, sau một thời gian dài vắng bóng, mãi tới những năm 1960 mới được khởi động lại. Sắp tới đây, hiệu này sẽ khai trương một trung tâm triển lãm Brewery Experience Center kết hợp trải nghiệm ẩm thực và nghệ thuật làm bia.
Vào lúc châu Âu đang trải qua nhiều đợt nắng nóng bất thường, nhất là các vùng ở phía nam lục địa đang bị thiếu mưa và hạn hán nghiêm trọng. Chuyện đi tham quan các danh lam thắng cảnh tại vương quốc Bỉ nghe có vẻ rất bùi tai mát dạ, bởi vì khách du lịch quốc tế có thể sợ đủ mọi thứ (sân bay thiếu nhân viên, trời nắng nóng mà lại thiếu máy điều hòa, đông người chen lấn khi phải xếp hàng tham quan ….) nhưng điều chắc chắn là trên Con đường của Bia, du khách sẽ không bao giờ sợ chết khát!