Uỷ ban Bảo vệ Ký giả kêu gọi phóng thích Phạm Đoan Trang trước thềm xử phúc thẩm

RFA
2022.08.17

\"UỷNhà báo Phạm Đoan Trang

 CPJ / RFA edited

Hôm 16 tháng 8, tổ chức chuyên thúc đẩy tự do báo chí trên toàn thế giới ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang, trong bối cảnh phiên toà phúc thẩm xét xử nữ nhà báo sắp sửa diễn ra. 

Bị cáo buộc dưới tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ, nhà báo Phạm Đoan Trang phải nhận bản án 9 năm tù giam do toà sơ thẩm tuyên hồi tháng 12 năm 2021. Bà sau đó đã làm đơn kháng cáo. 

Trong thông cáo được đăng tải trên trang web của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, ông Shawn Crispin, Đại diện của tổ chức này ở khu vực Đông Nam Á, nói:

“Thay vì tiếp tục truy tố nhà báo Phạm Đoan Trang với bản án 9 năm tù thì chính quyền Việt Nam nên trả tự do cho bà mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào, để bà có thể hoạt động báo chí một cách tự do. 

Nhà nước Việt Nam trả tự do cho các nhà báo hiện đang bị giam giữ một cách sai trái sớm ngày nào thì sẽ tốt hơn cho uy tín của họ trên trường quốc tế.”

Dự kiến phiên toà phúc thẩm sẽ được Toà án Cấp cao tại Hà Nội mở vào ngày 25 tháng 8.

Nhà báo kiêm nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế, bà đã được trao hàng loạt giải thưởng liên quan đến tự do báo chí, tự do xuất bản, và bảo vệ nhân quyền bởi các tổ chức và chính phủ trên thế giới. 

Trong đó phải kể đến giải thưởng nhân quyền Martin Ennals, được ví như giải Nobel trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Và mới đây nhất là giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 do chính tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả trao. 

Chính quyền Việt Nam cáo buộc nữ nhà báo này có hành vi “tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, thông qua các hoạt động như trả lời báo chí quốc tế, viết nghiên cứu, viết sách, và đấu tranh nhân quyền. 

Mức án 9 năm tù mà bà Trang phải nhận cao hơn mức án từ 7 đến 8 năm tù mà đại diện Viện Kiểm sát đề nghị trong phiên xét xử sơ thẩm, lý do được hội đồng xét xử đưa ra để biện minh cho mức án trên là vì các hành vì của nhà báo này “gây nguy hiểm cho xã hội”. 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Hữu Long, người đại diện cho nhà báo Phạm Đoan Trang, cho biết thông tin mới nhất của bà:

“Luật sư mới vào thăm chị Trang ngày 15 tháng 8 và được nói chuyện 15 phút. Tình hình sức khoẻ của chị Trang hiện nay có vẻ tệ hơn trước rất là nhiều. Với điều kiện giam giữ ở trong tù, cho đến nay đã gần hai năm thì sức khoẻ không tệ đi mới lạ. 

Hiện nay tôi rất là lo lắng, tôi nghĩ nếu chính phủ Việt Nam không cung cấp cho chị Trang những dịch vụ y tế khẩn cấp và cần thiết, thì tôi rất lo cho diễn biến sức khoẻ của chị ấy trong thời gian sắp tới.”

Cũng theo ông Long, nhà báo Phạm Đoan Trang đang gặp nhiều vấn đề sức khoẻ như viêm xoang, viêm khớp, bà cũng gặp các vấn đề phụ khoa và kinh nguyệt kéo dài, ngoài ra bà cũng đang chịu đựng những di chứng từ đợt nhiễm COVID-19. 

Trả lời câu hỏi về việc liệu có kỳ vọng gì ở phiên xét xử phúc thẩm sắp tới hay không, Tổng biên tập của tạp chí Luật Khoa cho hay:

“Tôi không có kỳ vọng gì vào phiên toà này, chúng ta đều biết đối với các vụ án chính trị thì từ xưa đến giờ họ đều tuyên y án sơ thẩm. 

Tôi chỉ kỳ vọng rằng phiên toà này cho công chúng được nhìn thấy chị Trang một lần nữa, để biết chính xác tình trạng sức khoẻ hiện nay của chị ấy. 

Luật sư cũng có cơ hội gặp chị ấy để động viên, an ủi. Và hy vọng nếu người nhà được vào dự phiên toà thì gia đình được gặp gỡ, và hy vọng điều đó sẽ an ủi chị ấy được phần nào. 

Đó là tất cả những gì tôi có thể kỳ vọng vào phiên phúc thẩm lần này. Chứ còn về bản án thì tôi không có bất cứ kỳ vọng gì.”

Uỷ ban Bảo vệ Ký giả hôm 14/7 trao giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 cho bốn nhà báo từ Châu Mỹ, Châu Âu, và Châu Á, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang của Việt Nam.

Bà Trang sẽ được CPJ vinh danh tại thành phố New York vào ngày 17 tháng 11 tới để ghi nhận lòng dũng cảm của bà trong việc đưa tin khi đối mặt với sự ngược đãi.

Việt Nam bị xếp hạng là quốc gia có nhà báo bị bỏ tù tồi tệ thứ tư trên thế giới, với ít nhất 23 thành viên báo chí bị giam giữ vì công việc của họ, theo báo cáo của CPJ năm 2021. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment