17 tháng 8 2022
Sáng nay 17/8, Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm nhưng gia đình cả hai không được được cho vào tham dự phiên tòa.
Sáng nay 17/8, Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm hai nhà hoạt động về quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm với chủ tọa là thẩm phán Hoàng Văn Hạnh, thẩm phán Mai Anh Tài và thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng.
Theo hình ảnh người nhà của ông Trịnh Bá Phương cung cấp, có rất nhiều người đàn ông đứng thành từng nhóm ở khu vực xung quanh toà án.
Vợ ông Trịnh Bá Phương, bà Đỗ Thị Thu phản ánh với BBC rằng sáng nay gia đình bà đã bị ngăn cản không cho vào dự phiên toà và một trong những người mặc thường phục đứng ở khu vực toà án đã ra tay đánh bà
\”Tôi cùng em chồng đã trình bày tôi là vợ của anh Trịnh Bá Phương nhưng những người đó không cho tôi vào vì không có giấy mời trong khi phiên toà xét xử công khai và tôi là người thân. Một tên đã nắm thóp lôi tôi ra ngoài, hắn còn tát vào mặt tôi,\” bà Thu kể lại.
Bà Trịnh Thị Thảo, em ruột của ông Trịnh Bá Phương, người đi cùng bà Thu cũng xác nhận với BBC chị dâu bị tát vào mặt khiến cả hai phải rời khỏi khu vực tòa án. Theo mô tả của bà Thảo, người đàn ông mặc áo thun nửa xanh đen, nửa trắng và đeo khẩu trang đã tát bà Thu khi tưởng bà Thu dùng điện thoại ghi hình và đuổi hai chị em bà đi.
Trước phiên toà, bà Thu đã làm đơn xin tham dự hai lần nhưng không nhận được phản hồi.
Tổ chức phi lợi nhuận Dự án 88 (The 88 Project) nói với BBC News Tiếng Việt 16/8 rằng kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy gia đình của các tù nhân chính trị sẽ bị từ chối tham dự các phiên tòa này dù xét xử công khai.
Ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm cùng ở xã Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, và cũng bị bắt trong cùng ngày 24/6/2020 với cùng cáo buộc \”phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước\” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
Từ khi bị bắt tới nay đã hai năm hai tháng, gia đình ông Trịnh Bá Phương chưa một lần được thăm và gặp mặt ông.
Trong phiên toà hồi 15/12 năm ngoái, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên ông Trịnh Bá Phương 10 năm tù giam và 5 năm quản chế còn bà Nguyễn Thị Tâm chịu mức án sáu năm tù giam và ba năm quản chế.
Ông Trịnh Bá Phương cùng em trai là Trịnh Bá Tư cũng là những người tiên phong trong việc cung cấp thông tin về sự việc Đồng Tâm hồi tháng 1/2020 cho báo chí trong và ngoài nước. Ông Phương là người gặp gỡ các viên chức tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội hôm 06/02/2020 để nói về vụ tập kích Đồng Tâm.
Đồng Tâm: \’Đại diện sứ quán Mỹ đã trao đồi gì với tôi?\’
Quốc tế lên tiếng mạnh mẽ
Hôm 17/8, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã lên tiếng về trường hợp của hai nhà hoạt động này trong một thông cáo:
\”Việc nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực đối xử với Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đã phơi bày những lời hứa suông của Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân bằng cách cung cấp đất đai cho họ. Hai người nông dân này đã bị đẩy vào con đường hoạt động chính trị bởi chính quyền cưỡng chế, tịch thu đất của họ, dồn họ vào thế phải hành động giành lại đất để có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
\”Cuộc đấu tranh của hai nhà hoạt động này mất nhiều năm trời, theo đúng nghĩa đen, để vận động đòi công lý cho những người nông dân bị mất đất đai và kế sinh nhai vào tay các quan tham, cán bộ Đảng Cộng sản cầm quyền và các đối tác kinh doanh thân cận của họ – những kẻ không nghĩ gì khác ngoài việc tranh thủ giành đất cho các dự án của họ,\” ông Robertson nhận định.
Ông còn nói thêm rằng, với việc chăm chăm chỉ theo đuổi quyền lực và lợi lộc, các quan chức chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quên rằng nông dân là một trong những người hưởng ứng cách mạng đầu tiên, và bây giờ họ thẳng tay ném quyền lợi của nông dân ra ngoài cửa sổ.
Đồng thời, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng còn kêu gọi các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên hợp quốc và các nhà ngoại giao tại Hà Nội lên tiếng phản đối việc lạm quyền của nhà nước đối với hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng yêu cầu tòa phúc thẩm hủy bỏ bản án bất công đối với những hành động chỉ đơn thuần là vận động một cách ôn hòa sử dụng các quyền dân sự và chính trị của người dân.
\’Tập kích Đồng Tâm\’ qua lời kể của Trịnh Bá Phương:
Còn tổ chức phi lợi nhuận Dự án 88 (The 88 Project) nói với BBC News Tiếng Việt rằng, họ lo ngại về những cáo buộc việc ông Trịnh Bá Phương bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
\”Với việc các tù nhân chính trị bị xâm phạm quyền được xét xử công bằng một cách có hệ thống, chúng tôi không mong đợi thay đổi gì đối với bản án của họ trong các phiên xử phúc thẩm. Thay vào đó, các phiên xử này như một phương tiện để chính phủ thể hiện cái mã bên ngoài cho của sự công bằng về mặt thủ tục.
\”Kinh nghiệm trong quá khứ cũng cho thấy rằng gia đình của các tù nhân chính trị sẽ bị từ chối tham dự các phiên tòa này mặc dù xét xử công khai,\” bà Jessica Nguyễn, người phụ trách vận động của tổ chức Dự án 88 nói.
Bắt bớ và đàn áp \’mở rộng\’
Theo bà Jessica Nguyễn, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đều là những nhà hoạt động có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào nhân quyền tại Việt Nam.
\”Ngoài những gương mặt nổi bật này, trong những năm gần đây, các nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến và lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ có giấy phép đã bị bịt miệng bằng việc đe dọa, bỏ tù hoặc tống khỏi đất nước.
\”Trong khi các cá nhân cụ thể có thể tạm thời bị bịt miệng, những gương mặt khác đã xuất hiện. Như triết gia người Pháp Michel Foucaul đã nói, \”ở đâu có sức mạnh, ở đó có sự phản kháng\”,\” bà Jessica nhận định.
Cụ thể, Dự án 88 là tổ chức nghiên cứu kiêm vận động giúp duy trì được cơ sở dữ liệu toàn diện và cập nhật liên tục về tình hình của các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
Tính đến ngày 16 tháng 8 năm 2022, tổ chức này ghi nhận được 204 tù nhân chính trị được biết đến hiện đang ngồi ngồi tù ở Việt Nam, con số cao nhất so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
\”Chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến của chính phủ đã bỏ tù hoặc khiến hàng trăm người phải rời bỏ quê hương. Một khi bị bắt, những tù nhân chính trị này sẽ bị giam giữ bất hợp pháp và không được gặp luật sư và người thân. Các nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ từ lâu đã trở thành tâm điểm đàn áp của chính phủ,\” bà Jessica nêu ý kiến.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Dự án 88 đã ghi nhận việc mở rộng đàn áp đến các nhân tố và vấn đề mới. Những người bảo vệ môi trường làm việc cho các tổ chức phi chính phủ đã đăng ký hay người dùng mạng xã hội không có lịch sử tham gia hội nhóm hay tổ chức, cũng rơi vào tầm ngắm.
Bà Jesscia đưa ra ví dụ: \”Dự án 88 hiện đang thực hiện một chiến dịch phản bác rằng Bộ tứ Việt Nam (Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hưng Dương) không phải là tội phạm, mà thực chất là những tù nhân chính trị đang bị đàn áp vì hoạt động và vận động chính sách về biến đổi khí hậu và vì vậy, cần được thả tự do.\”
Về vai trò của các đại cường và tổ chức quốc tế, bà Jesscia cho rằng, việc vận động quốc tế có thể giúp đảm bảo thả tự do cho một số nhà hoạt động và chấm dứt một số hành vi đàn áp nhất định. Tuy nhiên, theo bà, sự thay đổi rộng lớn hơn phụ thuộc vào những tổ chức, cá nhân trong nước.
\”Điều tốt nhất mà các quốc gia quyền lực có thể làm để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam là tự mình ngừng vi phạm nhân quyền. Lên tiếng kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền con người, đồng thời bản thân vi phạm quyền của người khác (ví dụ như tị nạn, tự do báo chí, quyền được chăm sóc sức khỏe, v.v.) là đạo đức giả và làm xói mòn những nỗ lực nhằm làm cho thế giới tự do, công bằng và bình đẳng hơn,\” bà Jesscia đúc kết.