Việt Nam và Thái Lan đồng ý hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường thế giới sau nhiều tháng thảo luận, theo thông tin từ Bangkok hôm thứ Hai (29/8).
\”Đây là… lần đầu tiên Thái Lan và Việt Nam… đồng ý hợp tác để nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu,\” Reuter trích lời Alongkorn Ponlaboot, cố vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc thảo luận mới với các quan chức Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa có thông tin chính thức khi nào việc tăng giá gạo sẽ được áp dụng.
Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này, vẫn theo bài báo.
Ông Alongkorn cho biết bản tóm tắt của vòng đàm phán mới nhất và khuyến nghị cùng tăng giá sẽ được trình lên các bộ trưởng nông nghiệp của cả hai nước vào một ngày không xác định.
\”Mục tiêu có được hoàn thành hay không? Tôi không thể trả lời. Nhưng hôm nay chúng tôi đã cùng nhau thực hiện những bước đầu tiên với tư cách là đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp,\” ông nói.
Thái Lan đề xuất
Trước đó, ngày 31/5, BBC News Tiếng Việt đã đưa tin về cuộc gặp của các quan chức nông nghiệp của Thái Lan và Việt Nam tại Bangkok hôm 27/5 để thảo luận về các biện pháp chung nhằm hỗ trợ nông dân và ngành công nghiệp lúa gạo cũng như quản lý chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề như thúc đẩy an ninh lương thực để tăng giá trị nông sản và tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Việt Nam và Thái Lan cũng đã xem xét khả năng hợp tác cùng nhau để tăng giá gạo nhằm nâng cao khả năng thương lượng của họ trên thị trường thế giới.
Ông Thanakorn cho hay bước đi như vậy sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân trồng lúa ở hai quốc gia đang phải vật lộn với chi phí tăng cao trong khi giá ngũ cốc vẫn ở mức thấp.
Chính phủ Thái Lan cho hay họ đã lên kế hoạch với Việt Nam để thực hiện chiến lược này.
Ông Thanakorn khi đó phát biểu với Reuters: \”Chúng tôi đặt mục tiêu tăng giá gạo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu.\”
\”Giá gạo đã ở mức thấp trong hơn 20 năm trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng.\”
Bất kì một động thái nào nhằm thiết lập một thỏa thuận tăng giá sẽ là một tin xấu đối với người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí lương thực toàn cầu tăng cao. Thái Lan đang nhận thấy nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng nông sản của mình tăng lên, do tỷ giá đồng baht của nước này đang thấp.
Việt Nam là một trong bốn nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường đạt mức cao hơn so với gạo của các nước khác.
Tuy nhiên, trong tháng Tám này, gạo Việt Nam bất ngờ sụt giá, xuống dưới mức 400 đô la/tấn, thấp hơn giá gạo Thái (khoảng 418 đô la/tấn) tuy vẫn cao hơn hơn nhiều so với giá gạo Ấn và Pakistan (khoảng 363-368 đô la/tấn).
Philippines đứng đầu các thị trường chính nhập khẩu gạo Việt Nam, nhập gần 49% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu. Tiếp theo là Trung Quốc, trên 11%, và Bờ Biển Ngà, gần 10%, theo thống kê sơ bộ hồi tháng 7/2022 của Tổng cục Hải quan.