5 giờ trước
Nhà văn Trần Quốc Quân
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Warsaw, Ba Lan
Trong khi lễ tang của cố Tổng thống cuối cùng của Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev (1931-2022) sắp diễn ra vào thứ Bảy 09/09 này, các ý kiến đánh giá về ông vẫn còn được cộng đồng mạng Việt Nam chia sẻ nhiều.
BBC xin giới thiệu bài viết của nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân ở Warsaw, Ba Lan, so sánh ông Gorbachev với nhà lãnh đạo tối cao hiện nay của nước Nga, Vladimir Putin:
Đầu tiên là về Mikhail Gorbachev
Những năm 80 thế kỉ trước, khi còn là một đảng viên rất trẻ, tôi đã say sưa lý tưởng cộng sản đến mê muội. Thời đó, tôi thường xuyên theo dõi các biến cố chính trị xảy ra trên thế giới, cũng như trong nước với niềm cảm xúc đầy hứng khởi. Thời đó, tuy là đảng viên nhưng tôi đã sớm thể hiện quan điểm cấp tiến, luôn ủng hộ các nhân tố mới, tích cực.
Ngay từ năm 1979 tôi đã để ý đến nhân vật Mikhail Gorbachev khi ông mới 48 tuổi đã được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1982 Gorbachev dẫn đầu đoàn đại biểu ĐCS Liên Xô tham dự Đại hội ĐCS Việt Nam lần thứ 5, tôi lại càng chú ý đến nhân vật mới nổi này.
Năm 1984, ngày Andropov – Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô mất, tôi thầm mong Gorbachev sẽ kế vị. Nhưng lãnh tụ bảo thủ Chernenko đã được chọn để thay thế Andropov chứ không phải là Gorbachev. Tôi buồn chán, thất vọng tràn trề, chỉ thầm mong Chernenko sớm rời khỏi cương vị lãnh đạo tối cao.
Không phụ lòng tôi, chỉ hơn một năm sau, Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Chernanko từ trần. Không ai ngoài Gorbachev, Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất, năng nổ nhất, cấp tiến nhất đã được bầu lên để thay thế.
Sứ mệnh lịch sử phải cải cách tình trạng trì trệ của đảng, của đất nước, cải cách đối nội cũng như đối ngoại được đặt lên đôi vai Gorbachev từ đây.
Nhờ quyết định của ông, năm 1989 quân đội Liên Xô hoàn toàn rút khỏi Afghanistan, chấm dứt 10 năm sa lầy tại chiến trường này, một hậu quả do các vị lãnh đạo tiền nhiệm để lại.
Nhờ quyết định của ông, năm 1989 quân Liên Xô đã có mặt trong các doanh trại ở Ba Lan không không được điều động để can thiệp vào tình hình nội bộ Ba Lan, khi nước này thay đổi chế độ chính trị, mở đường cho sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống XHCN Đông Âu.
Cũng nhờ quyết định của ông, năm 1989 quân đội Liên Xô đang đóng tại CHDC Đức không động binh can thiệp khi Bức tường Berlin sụp đổ, góp phần mở đường cho quá trình thống nhất nước Đức.
Nhờ sự góp công của ông mà cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 45 năm giữa hai khối quân sự lớn nhất thế giới kết thúc trong hòa bình.
Nhờ sự góp công của ông, nhiều đầu đạn hạt nhân nóng của các cường quốc quân sự chĩa vào nhau cơ bản được tháo ngòi.
Nhờ sự góp công của ông, bản đồ chính trị thế giới được vẽ lại bằng các sắc màu tích cực hơn.
Nhờ thay đổi tư duy của ông mà Việt Nam chấp nhận \”Đổi mới\”, từ bỏ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường thị trường mặc dù vẫn còn cái đuôi \”định hướng XHCN\”.
Từ đây nhân dân Việt Nam thoát khỏi tình trạng đói nghèo, hội nhập kinh tế thế giới để phát triển.
Gorbachev là người nhân hậu, chung tình và chính trực. Ông là người đặt trách nhiệm đối với nhân dân, đối với đất nước lên trên đặc quyền của đảng và lợi ích cá nhân. Ông là vị lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược vĩ đại và khả năng hành động dũng cảm, quyết đoán.
Đáng tiếc là ông đã không tìm ra lối thoát giúp cho nền kinh tế Liên Xô thoát khỏi tình trạng quan liêu bao cấp. Bị cản trở bởi các thành viên lãnh đạo trong Bộ Chính trị ĐCS Liên Xô, Xô Viết tối cao và chính phủ Liên Xô, cải cách kinh tế của ông mãi luẩn quẩn trong vòng perestroika nửa vời, thiếu hiệu quả.
Về biện chứng, kinh tế quyết định chính trị chứ không phải ngược lại. Gorbachev tiến hành cải tổ chính trị thành công, nhưng cải tổ kinh tế thất bại. Điều đó dẫn đến sự sụp đổ không tránh khỏi của đế chế Liên Xô và vai trò lịch sử của ông coi như kết thúc sau cuộc đảo chính bất thành của phe bảo thủ ngày 19/8/1991.
Nói về Vladimir Putin
Trong những năm đầu Putin làm Tổng thống Liên bang Nga, phải công nhận rằng, cũng như rất nhiều người Việt Nam, tôi có nhiều thiện cảm với ông.
Tám năm đầu tiên Putin làm tổng thống, nền kinh tế Nga có vẻ như thay đổi rất nhiều, đời sống nhân dânđược cải thiện, nhiều công trình dân sinh tráng lệ mọc lên, lòng dân hoan hỉ, uy tín Putin cao chót vót.
Nhưng thực ra các thành quả kinh tế, xã hội này chỉ là lớp vỏ sơn bên ngoài của nước Nga, chủ yếu ở các thành phố lớn như Moscow, Saint Peterburg. Nhiều vùng nông thôn, nhất là miền Siberia xa xôi, cuộc sống của người dân vẫn rất cơ cực, không khác thời Liên Xô trước đây.
Putin có phải là nhà quản trị giỏi? Không! Thực ra Putin chỉ gặp may vì giá dầu thô trên thế giới tăng gấp hơn 10 lần trong thời gian này, từ dưới 10 USD/thùng thời Yeltsin đã lên đến đỉnh 140 USD/thùng thời Putin.
Trong khi đó nền kinh tế Nga vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên để bán. Xuất khẩu dầu mỏ đem lại 2/3 nguồn thu ngân sách. Nạn tham nhũng vẫn triền miên, và ngày càng trầm trọng. Cơ cấu kinh tế không chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngày càng tụt dần so với các nước phương Tây phát triển và Trung Quốc.
Sau hai nhiệm kì, 8 năm (2000-2008) làm tổng thống Putin đã đảm nhiệm cương vị thủ tướng một nhiệm kì (2008-2012) để lách luật Liên Bang Nga cho việc ngồi lên ghế tổng thống thêm hai nhiệm kì tiếp theo. Trong thời gian làm thủ tướng, bằng ảnh hưởng cá nhân trong đảng cầm quyền “Nước Nga Thống nhất” ông đã ép Viện Duma Quốc gia thay đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kì tổng thống từ 4 năm lên 6 năm.
Sau khi quay lại làm tổng thống, ông lại ép Duma thay đổi hiến pháp để ông có thể ứng cử nhiệm kì tổng thống thứ 3, thứ 4, rồi đến hết đời.
Cứ mỗi bước tiến nhằm kéo dài quyền lực của Putin, thiện cảm của tôi với ông rơi rụng dần, cùng với đó là nỗi thất vọng về nhân vật thực chất chỉ là kẻ tham quyền cố vị, ích kỷ ngày càng lớn.
Cho đến khi ông quyết định cho quân đội Nga tấn công xâm lược Ukraine thì tôi coi ông ta là con sói, sẵn sàng giết dân nước ‘anh em’.
Nhìn lại xuất thân của Putin thì thấy ông ta đi lên từ một sĩ quan tình báo đối ngoại Liên Xô, KGB, và chỉ biết dùng thủ đoạn, dối trá và tráo trở, chẳng có viễn kiến gì. Khác với Gorbachev lo nhiều cho dân và đất nước, Putin chỉ nhăm nhăm chăm lo cho quyền lực của bản than và phe nhóm.
Với giấc mộng Đại Đế, Putin máu lạnh có thể dùng tất cả các thủ đoạn để duy trì vị thế quyền lực, nâng cao ảnh hưởng và bành trướng lãnh thổ.
Putin sẵn sàng san bằng thủ đô Grozno để đè bẹp sự kháng cự của quân Chechnya ly khai. An ninh của Putin sẵn sàng bơm hóa chất độc vào nhà hát để tàn sát những kẻ khủng bố cùng hàng trăm khán giả bị bắt làm con tin. Putin sẵn sàng xuống tay hạ sát hàng chục đối thủ chính trị và bất đồng chính kiến. Putin sẵn sàng ban hành luật hạn chế các quyền tự do báo chí và ngôn luận của những người chỉ trích ông. Những người vi phạm có thể bị phạt tới 23 nghìn USD.
Những quyết định này đưa Nga đi ngược lại xu thế tiến bộ của nhân loại và bị người châu Âu kinh sợ, lên án. Cuộc chiến của Putin đẩy châu Âu và các đại cường vào thế đối đầu nguy hiểm chưa từng có.
Riêng về quan hệ với Gorbachev, Putin từng căm giận đổ lỗi cho Gorbachev là tội đồ, xóa bỏ sự tồn tại của đế chế Liên Xô với 15 nước cộng hòa mà lẽ ra ông được ngồi trên ngôi Đại Đế. Nhưng không có Liên Xô tan rã thì Putin vẫn là một sĩ quan vô danh tiểu tốt, chẳng có cơ hội lên lên đỉnh cao quyền lực ở Nga. Nay ông ta nắm quyền cao rồi làm sai lại đổ lỗi cho quá khứ.
Với tôi, nay đã qua đời nhưng ông Gorbachev luôn là sứ giả của ước mơ hòa bình và thịnh vượng, một gương mặt khác của nước Nga, còn Putin lại hiện thân của một giấc mộng khác, giấc mộng quyền lực tuyệt đối và đen tối của Nga.
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân từ Warsaw, Ba Lan.