COC: Vì lợi ích chiến lược, Việt Nam phải có lập trường cứng rắn

COC: Vì lợi ích chiến lược, Việt Nam phải có lập trường cứng rắn

.

\"\"
Đá Xu Bi (Trường Sa, Biển Đông), nơi Trung Quốc đã xây dựng một phi đạo cùng nhiều cơ sở có thể được dùng vào mục tiêu quân sự. Ảnh chụp ngày 21/04/2017.. Reuters/Erik de Castro
(Thanh Phương / RFI) – Vào cuối năm ngoái, hãng tin Reuters của Anh Quốc cho biết, theo các bản dự thảo mà họ có được, Việt Nam đã đưa ra những yêu sách mà Bắc Kinh khó chấp nhận cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mà ASEAN sẽ đàm phán Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 07/01/2018, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng lập trường cứng rắn của Hà Nội có thể khiến cho đàm phán về COC sẽ kéo dài hơn thời hạn 3 năm mà phía Trung Quốc đã từng đề xuất.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.TS Lê Hồng Hiệp, Singapore15/01/2019 Nghe

RFI :  Xin chào tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Thưa anh, có vẻ như đàm phán sẽ rất gay go, do lập trường của Việt Nam nói riêng và của các nước ASEAN nói chung còn rất nhiều khác biệt so với Trung Quốc. Cụ thể thì trong thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra những đề nghị gì có thể khiến đàm phán gặp khó khăn ?

TS Lê Hồng Hiệp : Từ trước đến giờ, Việt Nam được biết vẫn theo đuổi một lập trường là bộ quy tắc ứng xử COC phải mang tính ràng buộc pháp lý và phải được áp dụng cho toàn bộ Biển Đông, tức là không chỉ ở khu vực Trường Sa, mà ở cả khu vực Hoàng Sa.

Cho tới gần đây, vào khoảng tháng 8, đã có một số tin tức rò rỉ về một số đề nghị khác của Việt Nam và cho đến tháng 12 vừa rồi, hãng tin Reuters đưa tin chính thức khẳng định các đề nghị này, trong đó có các đề nghị đáng chú ý. Ví dụ, Việt Nam yêu cầu cấm các hành động như xây đảo nhân tạo, phong tỏa biển và cấm triển khai các loại vũ khí tấn công trên Biển Đông. Chúng ta đều biết là Trung Quốc đã thực hiện những việc này trong thời gian qua. Ngoài ra, có một điểm đáng lưu tâm là Việt Nam yêu cầu cấm thiết lập các khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) mới trên Biển Đông.

Đây cũng là một quan ngại của Việt Nam lâu nay, đó là, đến một thời điểm nào đó trong tương lai, Trung Quốc sẽ thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông, giống như họ đã làm trên biển Hoa Đông, năm 2013. Nếu Trung Quốc thiết lập một vùng ADIZ, việc này sẽ gây ra mối đe dọa, thách thức an ninh rất lớn đối với Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà Việt Nam đã đi trước một bước, bằng cách kêu gọi cấm thiết lập các vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, để đến khi Trung Quốc cảm thấy muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không như vậy, thì họ sẽ gặp những áp lực không chỉ từ phía Việt Nam, mà còn từ phía ASEAN và các bên khác.

Cho nên, chúng ta có thể thấy những yêu sách này, những đề nghị này của Việt Nam chắc chắn sẽ bị Trung Quốc bác bỏ, vì đi ngược lại các mục đích chiến lược của Trung Quốc, đó là kiểm soát trên thực tế khu vực Biển Đông.

RFI :  Vì sao Việt Nam lại có thái độ cứng rắn hơn hẳn các nước khác trong ASEAN, kể cả các nước cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines?

TS Lê Hồng Hiệp : Có lẽ chúng ta cần thêm nhiều thông tin về các bên đàm phán khác, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, để đánh giá xem mức độ cứng rắn của Việt Nam là đến đâu so với các bên còn lại. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, chúng ta có thể thấy các lập trường mà tôi vừa đề cập đã là tương đối cứng rắn hơn rất nhiều so với những gì mà nhiều người trước đây từng nghĩ. Các yêu sách như vậy đều nhắm vào các hành động và các ý định của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chúng ta cần biết rằng đây là giai đoạn đầu tiên của đàm phán và thông thường thì các bên đều đưa ra phương án cao nhất, để tạo dư địa cho các biện pháp thỏa hiệp sau này xuống đến mức mà họ thật sự mong muốn. Chính vì vậy để biết là Việt Nam thật sự cứng rắn hay không, ta cũng cần phải theo dõi là trong quá trình đàm phán sắp tới, Việt Nam có các điều chỉnh, các nhân nhượng gì hay không và nếu có thì là về vấn đề gì, nhân nhượng đến mức nào. Lúc ấy chúng ta mới biết được thật sự Việt Nam có cứng rắn hay không.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các yêu sách vào thời điểm này thì Việt Nam có vẻ là tương đối cứng rắn. Còn tại sao Việt Nam lại cứng rắn như vậy ? Ngoài việc là ở giai đoạn này thì phải đưa ra các phương án, yêu sách ở mức cao nhất, còn có một điều : Việt Nam có lợi ích chiến lược rất lớn ở Biển Đông, Việt Nam phải đối phó với những mối đe dọa không chỉ đến an ninh, mà còn đến lợi ích kinh tế, tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ngoài ra, trên Biển Đông, khu vực tồn tại thách thức an ninh lớn nhất của Việt Nam là xuất phát từ Trung Quốc. Chính vì vậy, kềm chế được các hành động của Trung Quốc thông qua một bộ COC, với các quy định như Việt Nam đề xuất, sẽ giúp Việt Nam hóa giải được các thách thức này. Tôi nghĩ những lý do đó kết hợp với nhau tạo cơ sở cho Việt Nam theo đuổi một lập trường cứng rắn như vậy.

RFI : Như anh có nói ở trên, chúng ta còn phải chờ xem là trong quá trình đàm phán, lập trường của các bên sẽ có những thay đổi như thế nào, các bên sẽ chấp nhận những nhân nhượng gì. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu Việt Nam không lôi kéo được các nước khác, đặc biệt là Philipiines, thì phải chăng có nguy cơ là Việt Nam sẽ đơn độc và Trung Quốc sẽ lợi dụng sự chia rẽ giữa các nước ASEAN để áp đặt những gì họ muốn trong quá trình đàm phán về COC ?

TS Lê Hồng Hiệp : Cũng có khả năng như vậy, bởi vì hiện tại chúng ta thấy là trong ASEAN có nhiều lập trường khác nhau về COC, cũng như về cách ASEAN ứng phó với Trung Quốc. Đương nhiên là Việt Nam có lợi ích lớn nhất trong số các nước ASEAN, cho nên Việt Nam phải là quốc gia có lập trường cứng rắn đối với vấn đề này.

Trong thời gian tới, chúng ta cũng cần theo dõi liệu các quốc gia trong ASEAN có ủng hộ lập trường của Việt Nam hay không. Tôi tin là sẽ có những tranh luận, sẽ có những nước không đồng tình, nhưng cũng sẽ có những nước đồng tình với Việt Nam, vì những nước đó có chung lợi ích chiến lược với Việt Nam.

Riêng về phần Philippines, chúng ta cũng phải chờ xem. Dưới thời tổng thống Duterte, Philippines đã có các điều chỉnh ngoại giao theo hướng xích gần lại Trung Quốc và mâu thuẫn về Biển Đông có vẻ dịu lại. Tuy nhiên, theo tôi, lợi ích của Philippines đối với vấn đề Biển Đông vẫn giữ nguyên và những nền tảng cho sự cứng rắn của Philippines đối với Trung Quốc vẫn tồn tại và có thể phát huy tác dụng trong tương lai, ví dụ như Trung Quốc không đáp ứng được các kỳ vọng của Philippines và của tổng thống Duterte về hỗ trợ kinh tế, thì những sự dịch chuyển trước đây của Philippines về phía Trung Quốc có thể bị đảo ngược. Ấy là chưa kể những áp lực, chẳng hạn như từ phía Hoa Kỳ, có thể khiến Philippines phải cân nhắc lại chính sách đối ngoại của mình. Đặc biệt là trong trường hợp mà tổng thống Duterte hết nhiệm kỳ, một chính trị gia khác lên nắm quyền và trong bối cảnh đó, có thể Philippines sẽ có những điều chỉnh.

Điều chúng ta cần theo dõi ở đây đó là các đàm phán về COC sẽ kéo dài bao lâu. Nếu xét tình hình hiện tại và đặc biệt là các yêu sách, các đề nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng như giữa ASEAN với Trung Quốc, chúng ta có thể tiên liệu là quá trình đàm phán sẽ tương đối khó khăn và sẽ kéo dài hơn thời hạn 3 năm mà thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng đề xuất và có thể kéo dài tới cả thời điểm mà tổng thống Dutertet mãn nhiệm. Cho nên, chúng ta cũng cần chờ xem các tiến triển tiếp theo như thế nào.

RFI : Như vậy, theo anh, có nguy cơ là cuối cùng các bên sẽ đạt được một bộ quy tắc COC, nhưng đó là một văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý như mong muốn của phía Việt Nam ?

TS Lê Hồng Hiệp : Đương nhiên là nếu COC không mang tính ràng buộc pháp lý thì đó sẽ là một thất bại, vì nó sẽ không khác nhiều so với bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC năm 2012. Chính vì vậy tôi tin rằng Việt Nam, ASEAN, cũng như Trung Quốc đều muốn có một bước tiến so với DOC, tức là COC phải có tính chất ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, điều mấu chốt là ràng buộc pháp lý đến mức nào, và nội dung của COC cụ thể là như thế nào.

Nếu có tính ràng buộc pháp lý mà nội dung lại không có thực chất thì cũng không có ý nghĩa. Và ngược lại, nếu như nội dung có thực chất mà lại không có tính ràng buộc pháp lý, thì cũng sẽ chẳng có đột phá nào trong việc quản lý tranh chấp Biển Đông. Nhưng đạt được cả sự ràng buộc pháp lý lẫn nội dung thực chất sẽ rất là khó khăn. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng các cuộc đàm phán trong thời gian tới về COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ rất căng thẳng và có thể kéo dài hơn mức 3 năm mà Trung Quốc từng đề xuất.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment