Cử tri Chilê bác bỏ bản dự thảo Hiến Pháp mới

Đăng ngày: 05/09/2022

\"\"
\"\"
Một người phản đối dự thảo Hiến pháp mới vui mừng với kết quả cuộc trưng cầu dân ý, tại Santiago, Chilê ngày 04/09/2022. AP – Matias Basualdo

Chi Phương

Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý, công bố vào Chủ Nhật, 04/09/2022, hơn 60 % người dân Chilê bác bỏ dự thảo Hiến Pháp mới, nhằm thay đổi Hiến Pháp hiện hành – kế thừa từ thời chế độ độc tài Augusto Pinochet (1973-1990).

Trong khi hầu hết cử tri Chilê ủng hộ việc thay đổi Hiến Pháp, trong cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên vào năm 2020, thì dự thảo Hiến Pháp mới mà chính phủ Chilê đưa ra trưng cầu dân ý lần này lại không nhận được ủng hộ đông đảo.

Theo dự thảo Hiến Pháp mới, Chilê muốn thiếp lập các quyền xã hội mới trong một xã hội tự do, và bảo đảm công dân Chilê có quyền được giáo dục, hưởng các dịch vụ công,…vv. Một quyền gây tranh cãi cũng được đưa vào Hiến Pháp, đó là quyền được phá thai.

Theo CNN, đây là một trong những bản Hiến Pháp tiến bộ nhất, vì có quá nhiều quyền tự do, nghiêng về cánh tả, nên cánh hữu lo ngại. Điều này khiến đất nước bị chia rẽ. AFP kết luận rằng Chilê sợ phải thay đổi.

Thông tín viên RFI Naila Derroisne từ Santiago cho biết thêm thông tin : 

Tất cả mọi người đồng thanh hát quốc ca Chilê. Ông Juan Carlos, một luật sư, đến cùng với vợ để mừng chiến thắng của lá phiếu “phản đối”. Ông cho biết : “ Nhiều người sợ và không dám nói ra quyết định bầu của họ. Không ai tính đến việc có nhiều lá phiếu ủng hộ Rechazo đến thế.” 

Theo cử tri Juan, đây là lần đầu tiên mà cả đất nước bày tỏ quan điểm trong cuộc trưng cầu dân ý này. Ông nói thêm :“Tôi rất xúc động vì các tỉnh đã có tiếng nói trong cuộc bỏ phiếu. Các tỉnh thường bị bỏ ở phía sau. Từ lâu lắm rồi, thường là ở Santiago quyết định bên thắng cử trong các cuộc bỏ phiếu bầu thì nay, cả nước Chilê đã thắng.” 

Đối với cô Paula, ngay cả khi cô không ủng hộ Hiến Pháp mới, nhưng cô cũng không phản đối ý tưởng viết một bản Hiến Pháp khác. Cô nói : “Theo tôi, Hiến pháp hiện nay không có gì xấu xa nhưng lại tạo ra chia rẽ. Nếu như tất cả chúng tôi muốn có một nước đoàn kết, lựa chọn tốt nhất đó là phải thay đổi nó. Đồng thời cũng phải xem xét đến văn hóa của đất nước. Bởi vì dự thảo Hiến Pháp mới không đại diện cho người dân chúng tôi”. 

Tổng thống Chilê Gabriel Boric phát biểu sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Ông đã kêu gọi tất cả lực lượng chính trị họp lại ngay ngày hôm nay, 05/09, để khởi động một tiến trình mới trong việc soạn thảo Hiến pháp”. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment