Việt Nam đứng giữa nan đề \”theo ai?\”
—
Trương Nhân Tuấn
Hôm kia tôi có viết một status ngắn, nói rằng “cốt lõi của vấn đề (Mỹ và TQ) là sự cạnh tranh giữa hai mô hình phát triển: độc tài tư bản nhà nước do TQ dẫn đầu và tư bản tự do dân chủ do Mỹ dẫn đầu. Cuộc \”chiến tranh thuơng mãi\” chỉ là phát súng lệnh.”
Ý kiến này phát biểu nhân có ý kiến (đại khái) cho rằng “chủ quyền biển đảo của VN sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-TQ” và “cuộc chiến thương mại” là “điều may” của nhân loại vì nó “thay” cho Thế chiến thứ III.
Nếu có theo dõi tin tức thời sự, từ cuối năm 2017 ta biết rằng quan điểm về an ninh quốc gia của Mỹ đã thay đổi.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ được công bố, từ nhiều nguồn như bộ quốc phòng và bộ ngoại giao, theo đó Hoa Kỳ quan niệm “Trung Quốc và Nga là hai mối đe dọa chính đang thách thức an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ”. Nguyên nhân là “những cường quốc xét lại này đang tìm cách thiết lập một thế giới theo mô hình độc tài”.
Nội hàm mô hình độc tài này là gì ? Tôi tạm gọi đó là mô hình “độc tài tư bản nhà nước”. Những “bằng chứng” mà Mỹ “buộc tội” TQ cho phép ta nêu ý kiến như vậy.
Đó là: TQ ăn cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc các xí nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ công nghệ cho các xí nghiệp quốc doanh và tư doanh, kinh tế thị trường méo mó do các công ty, tập đoàn nhà nước, tình trạng sản xuất dư thừa (như thép, nhôm…) v.v…
Từ sau Thế chiến thứ II, Hoa Kỳ trở thành “đại cường” đứng đầu khối “tư bản”. Hoa Kỳ “áp đặt” luật chơi “win-win”, tất cả cùng thắng với nền “kinh tế thị trường” và chế độ “dân chủ tự do”. Ta thấy các nước Tây Âu, Nhật… đổ nát sau chiến tranh, nhờ vào “sân chơi” bình đẳng mà tất cả trở nên những cường quốc về kinh tế.
Khối cộng sản quốc tế sụp đổ. TQ “dò đá qua sông”, học hỏi Tây phương từ khoa học kỹ thuật, cho tới trợ giúp vốn liếng. Sau hơn ba thập niên “thao quang dưỡng hối”, TQ thời Tập Cận Bình nghĩ rằng mình đã “có da có thịt” nên bắt đầu “hùng phong đại quốc”, với những kế sách đầy tham vọng như “vành đai, con đường” và “made in China 2025”.
Ý nghĩa của “vành đai con đường” là khách không cần đến nhà mình mua hàng nữa mà mình đem hàng hóa sang bán ở nhà khách.
Điều này TQ “ngồi xổm” lên luật lệ của “kinh tế thị trường”, hàng hóa của TQ được nhà nước trợ giá, hệ quả là giết chết các nền kinh tế của các quốc gia chư hầu. Trong khi việc xây dựng hạ tầng là cái “bẫy nợ”, khiến các quốc gia “chư hầu” lệ thuộc vào TQ.
“Made in China 2025” nội dung là đưa khoa học kỹ thuật của TQ lên ngang tầm với Mỹ, Nhật, Đức, Pháp… với những “mặt hàng” lớn lao như phóng vệ tinh (ăn cắp công nghệ của Pháp, Mỹ…), xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc (ăn cắp công nghệ của Pháp, Đức…), xây lò nguyên tử điện (ăn cắp công nghệ của Pháp, Nhật, Mỹ…), xe hơi, hệ thống quang điện, hệ thống cánh quạt gió… cho tới những mặt hàng nhỏ như điện thoại, TV, tủ lạnh… Tất cả đều “ăn cắp” công nghệ và sở hữu trí tuệ của các nước Mỹ, Âu. Những mặt yếu thì TQ vịn vào lý do “bảo vệ chủ quyền không gian mạng” để “đóng cửa” với mạng internet toàn cầu, mục đích không cho các tập đoàn Google, Facebook… của Mỹ vào thị trường lục địa.
Tham vọng của TQ là dùng cũi đậu nấu đậu, ăn cắp công nghệ của Âu, Mỹ, Nhật… rồi sản xuất mặt hàng y chang như vậy, bán giá rẻ hơn, nhằm giết chết các nền kinh tế này. Cuối cùng chỉ có TQ độc quyền “duy ngã độc tôn”, hẳng định chế độ “độc tài tư bản nhà nước” chiến thắng chế độ “tư bản tự do dân chủ”.
Mô hình “độc tài tư bản nhà nước” do TQ khởi xướng đã quyến rũ được nhiều quốc gia, nhứt là trong khu vực Châu Phi, Châu Á.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ chỉ đề cập hai cường quốc “đầu sỏ” là TQ và Nga mà không nói đến các quốc gia phụ thuộc. Nhưng ta phải hiểu ngầm các quốc gia phụ thuộc này gồm có những nước nào.
Từ lâu VN là một bản cóp py thu nhỏ của TQ. Sự phát triển của TQ mà các học giả VN gọi là “thần kỳ”, cùng với sự “hào phóng” của TQ đối với lớp “tinh hoa xã hội chủ nghĩa” VN khiến tầng lớp này “mê” mô hình TQ như mê mệt một “thần tượng”.
Bỏ qua TBT Nguyễn Phú Trọng, ông này không mở miệng ra thì thôi, mở miệng là nhai lại tư tưởng của Tập Cận Bình (qua cuốn sách Quản lý nhà nước TQ). Những “trí thức” tiêu biểu XHCN như Nguyễn Trần Bạt, Hà Hoàng Hợp, Huỳnh Thế Du… cũng như nhiều “trí thức” khác, viết bài viết ca ngợi mô hình phát triển của TQ, mục đích đề cao mô hình “độc tài tư bản nhà nước” dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng.
Không biết lớp trí thức XHCN này có ý thức được VN đứng ở đâu trong cuộc chiến này hay chưa ?
Đọc báo VN mấy ngày qua ta thấy, chỉ ở quyết định giữ nguyên giá, hay giảm giá đồng VN, cho thấy thân phận của VN. Rõ ràng “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Giữ giá cũng chết mà phá giá cũng chết.
Cái chết người là những “học giả” này chưa ý thức được số phận ruồi muỗi của mình, vẫn ảo tưởng rằng VN “có giá” lắm, đang ở vị trí “tọa sơn quan hổ đấu”!
VN ở đâu trong cuộc chiến này ?
Câu trả lời VN là “một bên” trong cuộc chiến này. Nếu không có gì thay đổi, VN đứng cùng một “chiến tuyến” với TQ. Vì VN có cùng mô hình với TQ mà Mỹ đã cảnh cáo.
Hy vọng “mong manh” là ông Phúc vừa rồi có nói một câu, báo chí đăng lại, là “tiếp tục đi trên con đường cũ thì không phát triển được”.
Với một vị trí “chênh vênh” như vậy, với một thân phận “ruồi muỗi” như vậy, ta có thể hy vọng là “chủ quyền biển đảo” của VN sẽ được cuộc chiến (Mỹ-TQ) bảo vệ hay không ?
Theo tôi là không bao giờ.
Mỹ và các nước Châu Âu vừa rồi có thương thảo và đồng ý với nhau về vấn đề TQ. Tục ngữ Pháp có câu “qui se ressemble, s’assemble”, đại khái là “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”. VN không có (hay chưa có) tư cách gì để đứng chung vào phe Mỹ và Châu Âu.
Nhưng không thể loại trừ Biển Đông là một “enjeu” trong “cuộc chiến” giữa Mỹ và TQ.
Cuộc chiến nào cũng vậy, hai bên ít khi nào đi tới chỗ “hai bên cùng chết” hết cả. Thử đặt giả thuyết, TQ nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ (và Châu Âu), như tuân thủ luật chơi kinh tế thị trường, cho phép tài phiệt Mỹ, Âu khai thác ngành ngân hàng, dẹp bỏ quan niệm chủ quyền an ninh mạng, ngưng sản xuất những mặt hàng mà quyền sở hữu trí tuệ chưa giải quyết… Thì ta không thể loại trừ khả năng Mỹ (và Châu Âu) nhìn nhận “lợi ích cốt lõi” của TQ ở biển Đông để hai bên đều “win-win”.
Thân phận ruồi muỗi, nếu không ý thức được, thì từ chết tới bị thương.
Tôi có viết trong status hôm qua là xưa nay chủ quyền lãnh thổ chí có thể giải quyết bằng thương thuyết, thông qua công pháp quốc tế, hoặc là chiến tranh.
Chiến tranh kinh tế kết thúc ra sao, ta có thể hình dung. Nhượng cho TQ Biển Đông, Mỹ và Châu Âu không có gì để mất. Trường hợp VNCH và Đài loan là hai thí dụ điển hình.
Nhưng chiến tranh kinh tế có thể trở thành “chiến tranh nóng” mà điều này xảy ra thì VN có thể là con cờ quan trọng.
Những đòi hỏi của Mỹ (và Châu Âu) ở một số điều có thể TQ sẽ không bao giờ thỏa mãn, như mở cửa không gian mạng, mở cửa khu vực tài chánh, hoặc một số công nghệ quốc phòng mặc dầu TQ thụ đắc bằng “ăn cắp”… Ép qua ép lại chiến tranh “nóng” có thể xảy ra.
VN quan trọng vì có thể lựa chọn đứng vào bên nào.
Nếu TQ thua chiến tranh, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
TQ bị “liệt cường phân xẻ” lần thứ hai là giả thuyết không loại trừ. (Vì vậy Nga có vẻ đứng về Mỹ, ngay cả Bắc Hàn, bởi vì con mồi TQ quá lớn để phân xẻ).
VN đứng vào bên thắng cuộc, chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông nhiều hy vọng được bảo toàn. TQ bị phân liệt cũng là dịp may để VN “thoát Trung”, cất cánh hòa nhập với “thời đại”.
Nguồn: FB Nhân Tuấn Trương