2022.09.09
Như dân và cá đánh bắt được từ biển về ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hôm 19/8/2022
Một báo cáo mới của các nhà khoa học thuộc Trung Quốc và bốn nước ASEAN đưa ra cảnh báo về tình trạng sụt giảm đáng kể của nguồn cá ở Biển Đông, đặc biệt là đối với cá ngừ vằn, một loài cá di cư.
Đây là một báo cáo tổng hợp đầu tiên về vấn đề này có sự phối hợp chung của các nhà khoa học thuộc chính phủ các nước Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Theo báo cáo, “mặc dù mức độ đánh bắt cá ngừ vằn có thể vẫn ở mức ổn định trong nhiều phần của Biển Đông”, nhưng nguy cơ đánh bắt quá lớn đối với các ngừ vằn đang trưởng thành rất lớn.”
“Trên khắp Biển Đông, việc sử dụng các phương tiện đánh bắt để bắt cá ngừ vằn ngày một nhiều. Nếu không được quản lý, điều này có thể dẫn đến có quá nhiều cá đang lớn bị đánh bắt trước khi chúng có thể sinh sản, và điều này có thể dẫn đến việc suy giảm nhanh chóng về số lượng cá.” – Báo cáo viết.
Các nhà khoa học từ năm nước đã họp tám lần trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022 với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học và chuyên gia tham gia đóng góp vào báo cáo mới.
Các nghiên cứu trước kia đã từng chỉ ra rằng nguồn cá ở Biển Đông đã bị suy giảm từ 70 đến 95% kể từ những năm 1950 trở lại đây.
Báo cáo này là nỗ lực của Trung tâm Đối thoại Nhân đạo (HD) có trụ sở tại Thuỵ Sĩ nhằm tập hợp các nhà khoa học và các nhà làm chính sách từ năm nước một cách không chính thức để đánh giá và bảo vệ nguồn cá trong khu vực.
Báo cáo CFRA mới này là một phần trong nỗ lực của HD về ngoại giao riêng, trung gian nhiều lớp, và nỗ lực hoà bình.
Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Clarita Carlos nhận định tầm quan trọng của báo cáo mới và việc đạt được một thoả thuận về đánh cá chung có thể là một trong những cách phi truyền thống để giải quyết các tranh chấp ở khu vực Biển Đông.
Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, và Philippines đều là những nước hiện đang có tranh chấp với nhau về chủ quyền ở Biển Đông.
Lệnh đánh bắt cá hàng năm kéo dài từ tháng năm đến tháng tám do Trung Quốc đơn phương áp dụng ở vùng biển này đã gặp phải những phản đối từ các nước bị ảnh hưởng trong khu vực.