08/10/2022
Người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay còn có tên là Maya Dangelas), vừa nộp đơn kiện một doanh nghiệp Việt Nam lên Toà án Liên bang Hoa Kỳ, đòi bồi thường hơn 300 triệu đô la vì “cố tình phá hoại bằng cách buộc Công ty Tân Tạo mở thủ tục phá sản”.
Đây là vụ kiện tiếp theo một chuỗi các vụ kiện mà nữ doanh nhân người Mỹ gốc Việt đang theo đuổi nhằm vào nhà nước Việt Nam, các đơn vị và cá nhân liên quan đến những quyết định mà phía Tân Tạo cho là “phi lý”, “bất bình thường” và liên quan đến “các thế lực tham nhũng”.
Theo thông báo được công bố vào ngày 6/10 của Công ty Cổ phần Đầu Tư và Công Nghiệp Tân Tạo, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã chính thức nộp đơn kiện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh lên Tòa án Liên bang Hoa Kỳ vào ngày 3/10. Hai người chủ của Công ty Quốc Linh là ông Trần Quang Quốc và bà Huỳnh Thị Cẩm Linh cũng là bị đơn trong vụ kiện này.
Nữ CEO của tập đoàn Tân Tạo, cũng là một cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam, cáo buộc Công ty Quốc Linh và chủ của công ty này mặc dù không có bất cứ mối quan hệ kinh tế nào với Công ty Tân Tạo nhưng đã “cố tình lừa đảo với các bằng chứng giả mạo”, “móc nối với Quản trị viên Tòa án” tại Việt Nam để buộc Công ty Tân Tạo phải mở thủ tục phá sản, khiến cho giá cổ phiếu ITA của công ty bị sụt giảm nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Tân Tạo, gây thiệt hại lớn về tiền của, vật chất và tinh thần.
Trong vụ kiện này, bà Đặng Thị Hoàng Yến đòi bồi thường cho cá nhân bà là người bị thiệt hại trực tiếp 28 triệu USD và 300 triệu USD “về việc cố tình gây hại để phá hoại Công ty Tân Tạo và Chủ tịch sáng lập Đặng Thị Hoàng Yến”.
Công ty Quốc Linh là đơn vị đã yêu cầu toà án Việt Nam mở thủ tục phá sản để buộc Tân Tạo phải thanh toán cho công ty này khoản nợ mà theo bản án xét xử năm 2017 là hơn 21 tỷ đồng, và xét xử lại năm 2021 là gần 28 tỷ đồng.
Bắt đầu từ tháng 6/2022, những thông tin về việc Tập đoàn Tân Tạo bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định mở thủ tục phá sản được loan truyền rầm rộ trên truyền thông Việt Nam, mặc dù quyết định này đã có từ năm 2018.
Theo đó, quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án đối với ITACO được cho biết là dựa trên đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Quốc Linh, đơn vị đã ký các hợp đồng bơm cát san lấp Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) với Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Land), mà phía Tân Tạo nói chỉ là một công ty trong nhiều công ty thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp Tân Đức của Tân Tạo, có pháp nhân hoàn toàn độc lập và giúp thi công các công trình cho Tân Tạo, hoàn toàn không phải là công ty con của Tân Tạo.
Tổng giám đốc của Vietnam Land là ông Jimmy Trần – chồng cũ bà Yến – đã bị sa thải khỏi công ty vào tháng 5/2010.
Sau thời gian khởi kiện và kháng cáo kéo dài giữa Quốc Linh và Tân Tạo, đến tháng 7/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ toàn bộ 2 bản án sơ thẩm với lý do Tòa sơ thẩm, phúc thẩm buộc Công ty Tân Tạo liên đới cùng Vietnam Land trả tiền cho Công ty Quốc Linh là không có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, TAND huyện Đức Hòa vẫn xét xử và tuyên Bản án sơ thẩm vào ngày 18/9/2020 với nội dung chính được cho là tương tự Bản án đã bị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy bỏ trước đó, và cho biết lý do tòa buộc Tân Tạo phải liên đới cùng Vietnam Land trả nợ cho Quốc Linh số tiền gốc và lãi là 27,72 tỷ đồng là do tổng giám đốc bỏ trốn của Vietnam Land là chồng cũ của chủ tịch Công ty Tân Tạo nên phải có trách nhiệm.
Trong nhiều tháng qua, Công ty Tân Tạo liên tục gửi đơn kêu cứu đến các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, cho rằng có “âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Công ty Tân Tạo”.
Trong thư kêu cứu khẩn cấp gửi vào ngày 12/9, Tân Tạo cáo buộc Tổng cục thuế Việt Nam đã không khách quan khi “định hướng thanh tra” bằng việc đưa thông tin cho báo chí, “ngay từ đầu chỉ đạo chuyển công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm”.
Phía Tân Tạo nói những “thông tin nhạy cảm” được công bố một cách bất thường này đã làm ảnh hưởng đến cổ phiếu doanh nghiệp, từ giá cổ phiếu ITA trước tháng 5/2022 (trước khi có thông tin mở thủ tục phá sản) khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu đã “lao dốc” sau 4 tháng và nay chỉ còn một phần tư. Tập đoàn này kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam “hãy cứu chúng tôi” vì Tân Tạo đang bị “bức tử”, “bị thâu tóm”.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng đang là nguyên đơn của hai vụ kiện nhằm vào chính phủ Việt Nam ở tòa trọng tài quốc tế: Vụ kiện liên quan đến dự án đầu tư của tập đoàn Tân Tạo (ITACO) vào nhà máy nhiệt điện Kiên Lương (khởi kiện năm 2019); và vụ kiện chống lại quyết định buộc tập đoàn Tân Tạo phải khai phá sản của tòa án Việt Nam (khởi kiện năm 2022).
Vào ngày 8/7/2022, Tòa án Paris ra phán quyết buộc Nhà nước Việt Nam phải trả các chi phí khởi kiện trong vụ kiện Kiên Lương cho bà Đặng Thị Hoàng Yến và hai công ty Mỹ của bà trong khi tiến trình vụ kiện vẫn tiếp tục diễn ra.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA vào tháng 7, bà Đặng Thị Hoàng Yến nói ITACO đã bị buộc phải phá sản “chỉ vì một vụ kiện của một đơn vị mà ITACO chưa bao giờ ký kết hợp đồng với họ, mà chỉ có 900.000 USD thôi, trong khi đó tổng tài sản của ITACO nếu trên sổ sách là khoảng 600-700 triệu USD” và “các khoản vay chỉ chiếm có 8% trên tổng tài sản”, và đó là “một khoản vay của một người nào đó, mà người đó nộp hồ sơ lên tòa mà chúng tôi hoàn toàn không hề biết gì cả”.
Nữ CEO của Tập đoàn Tân Tạo cho rằng “Bất kỳ một nhà đầu tư, kinh doanh nào đều không bao giờ muốn dính đến một vụ kiện nào cả” nên khi phải đi đến quyết định kiện thì đó là cả một vấn đề khó khăn.
“Có lẽ đấy cũng là giải pháp cuối cùng, bắt buộc phải làm”, bà nói.
“Tôi muốn từ tiếng nói của tôi để cảnh tỉnh cho tất cả các nhà đầu tư, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư cùng với tôi có chung một tiếng nói. Ông bà ta có câu \’Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao\’. Nhiều tiếng nói của các nhà đầu tư chụm lại sẽ bắt buộc các chính phủ Việt Nam, những kẻ độc tài, tham nhũng ở Việt Nam phải lắng nghe và họ phải sửa đổi”.
Trong thư gửi các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vào ngày 30/9, Công ty Tân Tạo cáo buộc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM “đã lợi dụng quyền lực để tiếp tay cho các thế lực xấu muốn thâu tóm công ty chúng tôi” bằng việc không công bố thông tin về bản án yêu cầu bồi thường cho bà Đặng Thị Hoàng Yến của Toà Trọng tài Quốc tế tại Paris hồi tháng 7, liên tục ép Tân Tạo phải công bố thông tin về quyết định của toà án mở thủ tục phá sản, và “cố tình tạo bẫy” để đưa cổ phiếu Công ty Tân Tạo vào diện cảnh báo chỉ vì những vi phạm mà Tân Tạo nói là “nhỏ nhặt”.