Giới phân tích lo ngại học thuyết mới về hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Đăng ngày: 13/10/2022

\"\"
\"\"
Ảnh do KCNA, hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên, công bố ngày 06/10/2022 về một cuộc tập trận, nhưng không ghi địa danh và thời điểm. AP

Đức Tâm

Bị lãng quên đôi chút trong bối cảnh căng thẳng trên thế giới do Nga xâm lược Ukraina, Bắc Triều Tiên tìm cách quay trở lại bàn cờ địa chính trị thế giới bằng cách thông báo một « học thuyết » mới về hạt nhân và điều này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á. RFI giới thiệu bài viết của Philippe Pons, thông tín viên tại Tokyo, đăng trên báo Le Monde ngày 10/09/2022.

Tại Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc Hội) họp ngày 08/09/2022, trước ngày kỷ niệm 74 năm thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (CHDCND), lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã thông báo một đạo luật mới quy định việc Bắc Triều Tiên có lực lượng hạt nhân là điều « không thể đảo ngược được » và vũ khí hạt nhân có được sử dụng trong trường hợp bị « các thế lực thù địch tấn công, bằng vũ khí hạt nhân hay không ». Lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói thêm : « Không có việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và chúng ta gạt bỏ mọi đàm phán về việc phi hạt nhân hóa ».

Văn bản này quả thực là rõ ràng, nhưng cũng chỉ là nhắc lại nội dung tuyên bố của Kim Jong-un hồi tháng 07/2022. Lúc đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói sẵn sàng triển khai lực lượng răn đe hạt nhân trong trường hợp đối đầu với Mỹ và Hàn Quốc. Hàm ý tính chất « không thể đảo ngược được » của lực lượng hạt nhân cũng đã thể hiện trong Hiến pháp của Bắc Triều Tiên, được sửa đổi bổ sung hồi tháng 04/2012, coi CHDCND Triều Tiên là một « Nhà nước có vũ khí nguyên tử ». Vào lúc đó, điều khoản mới trong Hiến pháp sửa đổi cũng đã loại trừ việc từ bỏ một vũ khí mà cho đến hiện nay Bắc Triều Tiên vẫn nói đó là một lực lượng răn đe.

« Học thuyết » mới về hạt nhân còn đi xa hơn, nêu ra 5 kịch bản, « biện minh » cho một cuộc tấn công phòng ngừa chống lại « các thế lực thù địch », trong đó, theo Bình Nhưỡng, có hai kịch bản « giai đoạn cuối các chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng vũ khí nguyên tử hoặc không » ; « mối đe dọa đang chuẩn bị các hoạt động » nhắm vào « các lãnh đạo Nhà nước » hoặc « bộ chỉ huy lực lượng hạt nhân » biện minh cho việc tự động sử dụng ngay lập tức vũ khí hạt nhân.  

Những rủi ro đánh giá sai lầm

Theo Chad O’Carroll, chuyên gia phân tích của trang mạng về Bắc Triều Tiên NK News, các quy định này, nhằm gây khó khăn cho Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong việc đánh giá những rủi ro của một hoạt động nào đó và nhờ vậy, làm giảm bớt khả năng hành động của Washington và Seoul, nhưng chứa đựng nhiều rủi ro đánh giá sai lầm của chính Bắc Triều Tiên. Vụ một máy bay B-52 của Mỹ có thể mang bom nguyên tử, bay qua lãnh thổ Bắc Triều Tiên năm 2013 hoặc tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại rất căng thẳng do các bên bắn tên lửa, như hồi năm 2017, về mặt lý thuyết, giờ đây, có thể coi là một trong những trường hợp biện minh cho việc đáp trả bằng vũ khí nguyên tử.

Tại Quốc Hội, Kim Jong-un nói rõ là « đối với CHDCND Triều Tiên, không có việc từ bỏ vũ khí nguyên tử và sẽ không thể có đàm phán về điểm này ». Lập trường này cũng không có gì là mới mẻ cả nhưng được trình bày một cách rõ ràng và đi kèm với cam kết không tiến hành mở rộng phát triển vũ khí hạt nhân, có nghĩa là không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các nước khác. 

Đối với Bình Nhưỡng, các cuộc thương lượng với Hoa Kỳ – bị đình chỉ từ cuộc gặp cuối cùng giữa Kim Jong-un và Donald Trump, ở Hà Nội, năm 2019 và cuộc gặp này đã thất bại – phải bao gồm một thỏa thuận chung về cân bằng lực lượng tại Đông Bắc Á, đi kèm với những bảo đảm lẫn nhau của các bên, chứ không phải chỉ bàn đến việc đơn phương gỡ bỏ lực lượng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Làm cho Washington chuyển biến lập trường

Cho dù chính quyền Biden tuyên bố sẵn sàng đàm phán mà không đòi hỏi các điều kiện tiên quyết, nhưng tổng thống Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường coi việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là mục tiêu tối hậu của các cuộc thương lượng. Khi tuyên bố rõ ràng rằng việc Bắc Triều Tiên có lực lượng hạt nhân là điều « không thể đảo ngược được », Kim Jong-un thử tìm cách thúc đẩy Washington có những chuyển biến trong khuôn khổ này. Bình Nhưỡng đã có các tuyên bố hùng hồn mới sau các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo, nhiều ở mức kỷ lục trong năm nay. Theo các chuyên gia phân tích Hàn Quốc, vụ thử hạt nhân lần thứ 7, được dự báo từ nhiều tháng nay, dường như đã phải lùi lại do Bắc Kinh phản đối, không muốn một sự kiện như vậy lại xẩy ra trước khi Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc ngày 16/10.

Bầu không khí xung đột giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh và bên kia là Nga và Trung Quốc, đặt Bắc Triều Tiên vào một vị thế thuận lợi cho hoạt động leo thang mới. Cả Matxcơva cũng như Bắc Kinh dường như không sẵn sàng bỏ phiếu ở Hội Đồng Bảo An về các trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng – và áp dụng các trừng phạt hiện hành một cách kém sốt sắng hơn trước. Bắc Triều Tiên củng cố quan hệ với Trung Quốc và ngày càng phụ thuộc vào nước này kể từ khi Bình Nhưỡng tự cô lập do đại dịch Covid. Bắc Triều Tiên cũng tăng cường quan hệ với Nga. Sau khi ủng hộ Nga xâm lược Ukraina, Bắc Triều Tiên sẵn sàng cung cấp cho Nga các thiết bị pháo, được vận chuyển theo tuyến đường sắt vừa được mở lại, nối liền hai nước, rồi sau đó, qua tuyến đường sắt xuyên Sibéria.

Bài Liên Quan

Leave a Comment