RFA
2022.11.04
Các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai tại phiên phúc thẩm ở Toà án Nhân dân tỉnh Long An
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên – một trong bốn bị cáo trước tòa phúc thẩm khẳng định, bản thân cảm thấy Việt Nam không có chút quyền con người nào sau khi tham dự hai phiên tòa.
Ông Lê Thanh Hoàn Nguyên ngày 3/11 nói trong đoạn video được nhiều Youtuber ghi trực tiếp từ màn hình chiếu ở hội trường cạnh tòa án trong phiên phúc thẩm vụ án Tịnh thất Bồng Lai/Thiền am bên bờ vũ trụ về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” do Toà án Nhân dân tỉnh Long An tiến hành tại trụ sở của cơ quan này.
Ông Hoàn Nguyên cùng với các ông Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, và Lê Thanh Nhị Nguyên đều khẳng định mình vô tội và kêu oan khi được Hội đồng xét xử cho phép nói lời cuối cùng trong phiên phúc thẩm kéo dài trong hai ngày 2 và 3/11.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử liên tục ngắt lời của họ, trong khi công an bảo vệ phiên toà buộc họ trở về chỗ ngồi khi họ còn chưa nói xong.
Bốn người này cùng ông Lê Tùng Vân và bà Cao Thị Cúc là bị cáo trong phiên phúc thẩm về cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Nhạc sỹ Tuấn Khanh, một Phật tử từ Việt Nam bình luận về phiên phúc thẩm qua tin nhắn đến Đài Á Châu Tự Do:
“Vụ án Thiền Am cho thấy mọi thứ diễn ra từ một bài toán chắp vá và vô nghĩa của hai viên chức cao cấp của giáo hội nhà nước là Thích Nhật Từ và Thích Minh Thiện, và các cơ quan địa phương tỉnh Long An.
Oan sai, áp đặt tội bất luận chứng cứ và khinh thị pháp luật, nếu tính từ thời vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Mai Trung Tuấn… cho đến Thiền Am thì tòa án và công an Long An thực sự vang danh.”
Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhóm năm luật sư của Thiền Am, cho rằng “họ đã giới thiệu những tia sáng công lý hiếm hoi, vạch trần những chi tiết mờ ám ngay tại tòa, đem lại niềm cảm hứng về quyền của con người trước luật pháp, bất chấp kết quả phán quyết vô pháp cuối cùng.”
Trước đó, trong phiên sơ thẩm ngày 20-21/7, họ bị Toà án Nhân dân huyện Đức Hoà kết án tổng cộng 23 năm và sáu tháng tù giam. Họ bị kết tội đăng tải nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ).
Trong phiên phúc thẩm, ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, không có mặt tại toà do sức khoẻ yếu. Cũng vì lý do sức khoẻ kém mà bà Cao Thị Cúc chỉ có mặt ở phiên toà trong thời gian đầu của hai ngày xử. Phía bị hại, Thượng toạ Thích Nhật Từ cũng như đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An Thích Minh Thiện cũng vắng mặt.
Vào cuối buổi chiều ngày thứ năm, Toà án Nhân dân tỉnh Long An quyết định bác bỏ kháng cáo của sáu thành viên Tịnh thất Bồng Lai và giữ nguyên các mức án tù mà toà cấp dưới đã tuyên trong phiên sơ thẩm.
Hội đồng xét xử cho rằng các bị cáo và luật sư không đưa ra bằng chứng mới mà chỉ lặp lại các lập luận khẳng định sự vô tội của sáu thành viên Tịnh thất Bồng Lai, nên không có cơ sở để giảm án.
Theo đó, ông Lê Tùng Vân sẽ phải thi hành án tù năm năm, ba ông ông Lê Thanh Hoàn Nguyên và ông Lê Thanh Nhất Nguyên và ông Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án bốn năm, và Lê Thanh Nhị Nguyên- ba năm sáu tháng, và ba năm đối với bà Cao Thị Cúc.
Trong tuyên bố chung sau khi phiên toà phúc thẩm kết thúc, nhóm luật sư của Tịnh thất Bồng Lai bao gồm các ông bà Đặng Đình Mạnh, Trịnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh, và Đào Kim Lân nói họ vô cùng thất vọng về quyết định y án sơ thẩm cho dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước để đón nhận kết quả này.