Thượng đỉnh G20 bàn về khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Đăng ngày: 15/11/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia, ngày 15/11/2022. AP – Achmad Ibrahim

Thu Hằng

Ngày 15/11/2022, thượng đỉnh G20, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính thức khai mạc tại Bali, Indonesia. Trong hai ngày, các nhà lãnh đạo cố tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Chiến tranh Ukraina, cũng được nêu lên, dù không có trong chương trình nghị sự chính thức. Trước đó, Nga đã phản đối việc đề cập đến chiến tranh Ukraina tại G20.

Phát biểu tại lễ khai mạc, tổng thống Indonesia, nước chủ tịch luân phiên G20, đã kêu gọi « đoàn kết » và có « những hành động cụ thể » để phục hồi kinh tế thế giới, dù nội bộ G20 bất đồng về cuộc chiến ở Ukraina do Nga phát động. 

An ninh lương thực, đặc biệt tại các nước nam bán cầu, trở thành mối bận tâm hàng đầu tại thượng đỉnh G20. Kinh tế thế giới tiếp tục bị đe dọa suy thoái vì đại dịch Covid-19 và giờ là chiến tranh Ukraina. Nga và Ukraina là hai nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn thế giới nhưng hoạt động này bị đình trệ nghiêm trọng. Matxcơva luôn đe dọa chấm dứt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, sẽ hết hạn ngày 19/11. 

Phát biểu tại thượng đỉnh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gián tiếp chỉ trích Nga « sử dụng nông phẩm và năng lượng làm vũ khí ». Ông Tập kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 « phản đối mạnh mẽ » hình thức đó, nhưng đồng thời kêu gọi dỡ bỏ cấm vấn đối với Matxcơva. 

Ngoài an ninh lương thực, thượng đỉnh G20 còn bàn nhiều chủ đề quan trọng khác, như năng lượng, khủng hoảng tài chính với vấn đề nợ của nhiều nước và khí hâu. Theo AFP, chủ tịch Trung Quốc đề nghị các nước giầu hạn chế tác động của việc tăng lãi suất. Ngược lại, tổng thống Mỹ Joe Biden cũng yêu cầu Trung Quốc giảm nợ cho các nước nghèo. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng « biện pháp hiệu quả nhất » để tái thiết kinh tế thế giới là chấm dứt chiến tranh ở Ukraina. Theo dự thảo thông cáo chung mà AFP có được, « phần lớn các nước thành viên » G20 « lên án mạnh mẽ » « chiến tranh » ở Ukraina, cụm từ luôn bị Nga bác bỏ và khẳng định đó là « chiến dịch quân sự đặc biệt ». 

Các nước G20 chiếm đến 80% GDP thế giới và 75% kim ngạch thương mại quốc tế.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment