Tập Cận Bình bỏ ‘lãnh đạo tập thể’ nhưng để nhóm Chiết Giang làm nòng cốt?

\"Tap
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 ngày 16/10

Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc với việc Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định quyền lực tập trung vào tay mình, như các nhà quan sát dự đoán hai, ba năm qua.

Quá trình xóa dần phương thức lãnh đạo tập thể (collective leadership) trên thực tế đã diễn ra từng bước trong 10 năm ông Tập làm Tổng Bí thư Đảng.

Ngay trước khi Đại hội 20 kết thúc, trang South China Morning Post (08/11) đã trích lời các chuyên gia quốc tế và Trung Quốc cho rằng việc “làm yếu dần cơ chế lãnh đạo tập thể” là một xu hướng thời Tập Cận Bình.

Ông Tập và các cộng sự thân tín nhất được thăng chức ở Đại hội 20 tin rằng lãnh đạo tập thể chỉ dẫn đến làm suy yếu Đảng, gây tha hóa, tham nhũng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông “thừa hưởng” năm 2012 là một tổ chức nhiều bệnh, như bài diễn văn của ông tại Đại hội 20 chỉ ra:

“Tính hình thức, nạn quan liêu, thói hưởng lạc, sự kiêu ngạo không dừng nổi, chế độ đặc quyền và bệnh tham nhũng kinh khủng…” là các nguyên nhân làm suy yếu Đảng Cộng sản và Quốc gia.

Tuy ông Tập không chỉ đích danh ai, khi nào thì họ làm các tệ nạn đó xảy ra nhưng các báo của Đảng Cộng sản cho rằng “Đảng đã phải học các bài học đau đớn từ những kỳ Đại hội 17, 18”.

Tân Hoa Xã nêu ra tên ba nhân vật “đổ đốn” bị cho là dính líu đến giai đoạn này, hoặc đi lên từ thời kỳ đó: Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài. Cả ba đều đã bị hạ bệ.

Nhưng cứ lấy cuốn lịch mà so thì đó là giai đoạn ông Hồ Cẩm Đào cầm quyền trước khi chuyển giao cho ông Tập.

Đó cũng là lý do các bình luận trong khu vực nêu ra: Có phải ông Tập Cận Bình đã dần làm suy yếu “Đoàn phái” (Tuanpai) – cánh cán bộ lãnh đạo đi lên từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, dưới thời Hồ Cẩm Đào?

Một số thành phần của phái Đoàn Thanh niên là con ông cháu cha, thuộc nhóm thế hệ kế cận 4-5 của các lão thành cách mạng. Họ còn được gọi là Thái tử đảng (princelings, hay ‘quý tộc đỏ’- red nobility).

Trước “phái Đoàn Thanh niên”, người ta còn cho rằng phái Thượng Hải, tập trung “dưới trướng” của ông Giang Trạch Dân, đã bị ban lãnh đạo nhiệm kỳ sau làm suy yếu.

Còn gọi là “phái ĐH Thanh Hoa”, nhóm này có năng lực thúc đẩy nền kinh tế TQ mở cửa, hướng ngoại, và theo mô hình Thượng Hải cùng các tỉnh duyên hải nhưng bị cho là yếu về ý thức hệ XHCN và gây mâu thuẫn thu nhập nội bộ các vùng miền.

\"Tap
Chụp lại hình ảnh,Lý Khắc Cường (trái) và Tập Cận Bình (phải) tại ĐH 20 ngày 22/10, ông Lý được cho là người của “Đoàn phái”

Ý thức hệ có còn quan trọng?

Tuy thế, nếu chỉ nhìn vào xuất xứ của các nhân vật cao cấp nhất tại Trung Quốc thì sẽ khó đánh giá chuyển động nhân sự ở thượng tầng kiến trúc.

Vì về mặt nào đó, bản thân ông Tập Cận Bình cũng học từ Đại học Thanh Hoa mà ra, và như người bị hạ bệ, đi tù Bạc Hy Lai, ông cũng là thành viên “Thái tử đảng”.

Cha ông Tập Cận Bình là vị lão thành cách mạng, cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, còn bố của ông Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba, anh hùng cách mạng, phó thủ tướng Quốc vụ viện.

Vì thế, cần nhìn cả vào ý thức hệ và các sáng kiến mà mỗi cá nhân hay nhóm người đề ra cho Đảng CS TQ và đất nước này.

Ví dụ, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuy chưa đến tuổi về hưu tại Đại hội 20, đã “trượt ghế” Bộ Chính trị.

Ngay từ 2012, ông Lý Khắc Cường được cho là người của “Đoàn phái”, theo các quan sát từ bên ngoài

Dù vậy, ông Lý vẫn làm thủ tướng thời ông Tập nắm Đảng và Quân ủy Trung ương.

Đoàn phái có ý thức hệ của mình hoặc tin vào một số nguyên tắc như công bằng xã hội.

Nhìn vào nền kinh tế thị trường với định hướng XHCN, họ thấy các vấn đề như dân nghèo đô thị, công nhân viên bị thua thiệt trong cuộc cải cách, và đề xuất ra các chính sách cân bằng vùng miền.

Bản thân Tập Cận Bình cũng áp dụng nhiều các ý tưởng này, và Lý Khắc Cường là người thực thi.

Nhưng đến nay, khi xung khắc toàn cầu lên cao, nhất là với Hoa Kỳ, Đoàn phái bị cho là thiếu tầm nhìn quốc tế vì quá tập trung vào các vấn đề nội bộ.

Mặt khác, các động thái để loại dần Đoàn phái đã bắt đầu từ giai đoạn 2014-15, khi vụ xử lý ông Lệnh Kế Hoạch “phủ bóng lên công danh của các vị Lý Khắc Cường, Lưu Diên Đông, Lý Nguyên Triều và cả Uông Dương.

Cựu Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa cũng tạm bị cho là “xuống dốc” nhưng vẫn vào được Bộ Chính trị, cho đến năm nay mới bị cho ra, tuy vẫn giữ ghế trong Trung ương Đảng.

Họ phải ra đi, để nhường chỗ nhóm mà báo chí tiếng Trung ở Hong Kong và hải ngoại gọi là Nhóm Chiết Giang.

Theo Apple Daily và BBC Tiếng Trung từ 2015, các nhân vật từng phục vụ ở Chiết Giang cùng thời Tập Cận Bình là lãnh đạo địa phương đều có cơ hội thăng tiến cao.

Họ là Hạ Bảo Long (sinh năm 1952), Hoàng Hưng Quốc (1954), Lý Cường (1959), Hoàng Côn Minh (1956), Trần Mẫn Nhĩ (1960)…

Cần chú ý là nhóm này không nhất thiết phải là người có quê ở Chiết Giang, và sau giai đoạn “làm quan” tại đó họ có thể đi làm các chức khác. Ví dụ, Trần Mẫn Nhĩ sau làm Bí thư Quý Châu, còn Hạ Bảo Long hiện nắm Văn phòng phục trách Hong Kong-Macau, một chức vụ ngoại giao kiêm an ninh quan trọng hàng đầu.

Kinh nghiệm làm việc cùng ông Tập ở Chiết Giang đôi khi quan trọng hơn kinh nghiệm công tác.

Ví dụ, ông Chung Thiệu Quân (sinh năm 1968) từng là thư ký riêng của ông Tập ở Chiết Giang, đã được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương Quân Giải phóng Nhân dân, dù chưa một ngày đi lính (theo trang China Brief).

Bí thư Thượng Hải, Lý Cường, cựu chánh văn phòng của ông Tập thời ở Chiết Giang, có cơ hội lên thay ông Lý Khắc Cường ở vị trí tân thủ tướng (từ đầu 2023), bất chấp việc lockdown chống Covid tệ hại ở Thượng Hải.

Bí thư Bắc Kinh, Thái Kỳ, cũng có thời làm việc ở Phúc Kiến và Chiết Giang đã có thành tích chỉ đạo tổ chức Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh thành công hồi đầu năm nay.

Tuy thế, câu hỏi được đặt ra là ngoài quan hệ gần gũi và quá trình công tác dưới quyền của ông Tập, phái Chiết Giang nổi bật lên nhờ tư duy gì?

Vương Hộ Ninh, tác giả cuốn \”America vs America\” được cho là nắm tư tưởng vì một Trung Quốc tự cường, trên hết khi siêu cường số một Hoa Kỳ đang \”suy thoái\” – thì các nhân vật còn lại không nổi vậ̣t về trình độ, theo các bình luận bên ngoài.

Yuri Momoi viết trên trang Nikkei Asia cuối tháng 10 năm nay, cho rằng tiêu chuẩn quan trọng cho phái Chiết Giang và cả những người từng làm ở Phúc Kiến (Tập Cận Bình từng làm lãnh đạo ở Phúc Kiến), là trung thành với ông Tập. Chính vì họ khá khác biệt cả về gốc gác vùng miền, học thức, xuất thân, nên “nguy cơ chia rẽ, đấu đá nội bộ nhóm” cũng cao, theo trang báo Nhật.

Cũng trang báo này trong một bài trước đó về chương trình không gian của Trung Quốc nhận định rằng ông Tập đặt tiêu chí dùng các tài năng ở bất cứ lĩnh vực nào: quân sự, dân sự, hàng không vũ trụ, khoa học, và ghép lại (fusing) thành một nhóm, nhằm tạo thế mạnh công nghệ cho Trung Quốc ở cuộc cạnh tranh quốc tế.

Còn Neil Thomas, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Eurasia Group nói với AFP trong tháng 10, rằng việc bổ nhiệm các chức vụ cao nhất vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị “là cuộc tranh đua về lòng trung thành với Tập Cận Bình”.

“Lòng trung thành, hơn là uy tín cá nhân” là yếu tố quyết định, theo một chuyên gia khác, Yang Zhang, phó giáo sư của Đại học American University ở Washington nói với AFP.

Nói với Politico, GS Victor Shih từ Đại học University of California, San Diego cho rằng “đây là một chế độ tài, thậm chí không cần giả vờ là chia sẻ quyền lực.”

Ông Shih giải thích ông Tập cần “sự kiểm soát tuyệt đối cho các quyết định khá cực đoan”, không lo bị phản đối nội bộ.

Điều này chỉ tạo ra khó khăn trong tương lai cho Trung Quốc, Victor Shih dự báo.

Một mặt, ban lãnh đạo mới được chuẩn bị để đối phó với môi trường quốc tế khó khăn hơn.

Mặt khác, họ phải “về nguồn”, nuôi dưỡng nội lực, thể hiện qua khẩu hiểu Bốn Tự tin mà ông Tập đề xướng: tự tin về con đường XHCN đặc sắc TQ, tự tin về lý luận của Đảng Cộng sản, tự tin về chế độ và tự tin vào văn hóa Trung Quốc.

Điều này báo hiệu một thế hệ lãnh đạo bế tắc về đường lối, hay thực sự tài năng, trung thành và tham vọng, chỉ có thực tế nước Trung Quốc những năm tới mới trả lời được.

Bảy vị đứng đầu:

Danh sách Ban thường vụ Bộ Chính trị công bố ngày 23/10/2022 đặt Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường xếp thứ hai, sau ông Tập Cận Bình.

1. Tập Cận Bình, sinh năm 1953, quê quán Thiểm Tây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước.

2. Lý Cường, sinh năm 1959, quê quán Chiết Giang, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

3. Triệu Lạc Tế, sinh năm 1957, quê quán Thiểm Tây, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

4. Vương Hỗ Ninh, sinh năm 1955, quê quán Sơn Đông, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư.

5. Đinh Tiết Tường, sinh năm 1962, quê quán Giang Tô, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng.

6. Thái Kỳ, sinh năm 1955, quê quán Phúc Kiến, Bí thư Ban Bí thư, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.

7. Lý Hy, sinh năm 1956, quê quán Cam Túc, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.

\"TQ\"/
Chụp lại hình ảnh,Trong bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ra mắt ngày 23/10: ông Lý Cường đi ngay sau ông Tập Cận Bình

Bài Liên Quan

Leave a Comment