6 giờ trước
Tòa Tối cao ở Vương quốc Anh ra phán quyết rằng chính phủ Scotland không có thẩm quyền tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa để đòi độc lập.
Cuộc trưng cầu dân ý lần trước năm 2014 đem lại kết quả quá bán cử tri Scotland muốn ở lại trong liên hiệp cùng xứ Anh.
Sáng ngày 23/11/2022, Tòa Tối cao có trụ sở ở London ra phán quyết, trả lời câu hỏi từ vị đại diện pháp lý cao nhất của Scotland về thẩm quyền của chính phủ xứ Scotland về vấn đề tổ chức trưng cầu dân ý độc lập lần hai.
Đây là nghị trình đòi độc lập mà Đảng Quốc gia Scotland (SNP) của bà Nicola Sturgeon thúc đẩy từ nhiều năm qua.
Lập luận của chính phủ Scotland ở Holyrood, Edinburgh là họ có quyền lắng nghe nguyện vọng của cử tri Scotland muốn được quyết định lần nữa về số phận của xứ sở này.
Luật sư cao cấp nhất của Scotland, bà Dorothy Bain, người có tước vị Lord Advocate của chính phủ Scotland nêu câu hỏi vài tháng trước cho Tòa Tối cao, rằng liệu chính phủ Scotland có quyền thông qua luật để mở trưng cầu dân ý mà không cần chính phủ trung ương ở London đồng ý hay không.
Bà nêu lập luận rằng vì đây là vấn đề “đặc biệt quan trọng cho công chúng” nên cần cấp tư pháp cao nhất Anh ra bản án quyết định chung cuộc (definitive ruling).
Nay, sau khi đã nghe lập luận của bà Bain và đại diện pháp lý của chính phủ Anh sáu tuần trước, Tòa Tối cao ra phán quyết, nói rằng Scotland không thể tự tổ chức trưng cầu dân ý thiếu đồng thuận của chính phủ liên hiệp.
Đây là vấn đề mang tính hiến pháp về quy chế liên hiệp (union) giữa xứ Anh (England), và xứ Scotland, theo Luật về Nghị viện tản quyền cho Scotland năm 1999.
Thẩm quyền thuộc về nghị viện chung
Chánh án chủ trì phiên tòa của Tòa Tối cao, Lord Reed nói rằng luật chia sẻ quyền lực cho Scotland năm 1999 có nghĩa là Scotland không có thẩm quyền ra luật về tính hiến pháp của liên hiệp giữa Anh và Scotland.
Theo phán quyết mà Lord Reed đọc, chỉ nghị viện Liên hiệp Vương quốc Anh (UK Parliament, Westminster) có thẩm quyền ra luật về các vấn đề hiến định như vậy.
Đây là nghị viện chung có các thành viên là dân biểu Anh, Scotland, Wales, Bắc Ireland. Đảng SPP có 45 ghế nghị sĩ Hạ viện trên tổng số 59 ghế nghị sĩ đại diện cho Scotland.
Lord Reed bác bỏ luận điểm của chính phủ Scotland rằng một cuộc trưng cầu dân ý nữa \”chỉ mang tính tham vấn\” mà không có hiệu lực pháp lý về liên hiệp.
Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon từng nói bà muốn tự tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 19/11/2023 để cho cử tri Scotland cơ hội lên tiếng về tương lai của họ.
Các thủ tướng Anh cho đến nay, từ thời David Cameron, Theresa May, Boris Johnson và nay là Rishi Sunak đều không đồng ý cho Scotland mở trưng cầu dân ý độc lập lần hai, gọi tắt là Indyref2.
Đảng SNP tuy thế hy vọng với số cử tri trẻ đông hơn trước – Scotland cho công dân 17 tuổi quyền bỏ phiếu – xu hướng độc lập sẽ được khẳng định mạnh hơn.
Phản ứng tức thời của bà Sturgeon sau khi nghe phán quyết của Tòa Tối cao là chính phủ Scotland \”tôn trọng phán quyết\”, nhưng một tòa án chỉ \”diễn giải luật, không làm ra luật\”, và ý chí dân chủ của người dân Scotland \”không thể bị bác bỏ\”.
Bà Sturgeon sẽ mở cuộc họp báo đầu giờ trưa trong ngày về vấn đề này.