Đăng ngày: 26/11/2022
Nga tiếp tục trả đũa Kherson hai tuần sau khi rút khỏi thành phố miền nam. Ngày 25/11/2022, quân đội Nga đã oanh kích nhiều khu vực dân cư ở Kherson, khiến « 15 người chết, 35 người bị thương, trong đó có 1 trẻ em ». Chính quyền thành phố cho biết đây là trận oanh kích tang thương nhất trong những ngày gần đây, « nhiều ngôi nhà và chung cư cao tầng » đã bị phá hủy.
Thống đốc vùng Kherson viết trên mạng xã hội : « Quân xâm lược Nga đã dùng bệ phóng tên lửa đa nòng oanh kích một khu dân cư. Một tòa nhà lớn bị bốc cháy ». « Do Nga oanh kích liên tiếp, chúng tôi phải sơ tán các bệnh nhân trong các bệnh viện ở Kherson ». Theo bộ Tái nhập các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, được AFP trích dẫn, tối 25/11, một chuyến tầu chở « khoảng 100 công dân đầu tiên ở Kherson được chính phủ hỗ trợ sơ tán đã rời thành phố, trong đó có 26 trẻ em, 7 bệnh nhân liệt giường và 6 người tàn tật ».
Tổng thống Zelensky trong buổi điểm tin hàng ngày cho biết đến tối 25/11, hai ngày sau vụ Nga bắn 67 tên lửa vào Ukraina, vẫn còn hơn 6 triệu gia đình không có điện trên hầu hết các vùng và Kiev. Trên trang Facebook, ông cổ vũ người dân « cố chịu đựng mùa đông này – một mùa đông mà mọi người sẽ nhớ mãi ».
Tại sao quân Nga đánh phá cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraina ?
Chiến lược của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraina vào lúc nhiệt độ mùa đông xuống thấp bị ông Zelensky lên án là « tội ác chống nhân loại ». Trên đài RFI, tướng Pháp Vincent Desportes, giáo sư về chiến lược trường Sciences Po và HEC, giải thích về ý đồ chiến lược của Nga :
« Tôi không nghĩ là quân Nga nhắm đến thường dân mà thường dân trở thành một trong những cách để giành kết quả chiến lược. Chúng ta đã thấy quân Nga gặp khó khăn ở cấp chiến thuật. Vì không thể thắng trên bình diện chiến thuật, Nga tiến lên một bậc và tìm cách chiến thắng ở cấp chiến lược.
Kế hoạch này đơn giản. Nếu một quân đội không có hậu phương thì sẽ không trụ được. Điều này đúng đối với cả quân đội Nga và Ukraina. Vì thế, ý đồ chiến lược hiện nay của tổng thống Putin là đánh đổ hậu phương của Ukraina để tiền tuyến cũng sụp đổ. Vì quân Nga không có khả năng đối đầu trực tiếp trên chiến trường, họ tìm cách làm suy yếu năng lực của quân đội Ukraina, làm giảm khả năng hỗ trợ cho quân Ukraina cũng như các trận chiến của Ukraina ».
Phương Tây khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraina
NATO sẽ sát cánh với Ukraina đến chừng nào cần thiết và sẽ không lùi bước. Theo trang web của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ngày 25/11, trong buổi trình bày về kế hoạch cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên, tổng thư ký Jens Stolternberg nhấn mạnh : « Về mặt an ninh, hỗ trợ Ukraina cũng vì lợi ích của chúng ta » vì « không thể có hòa bình lâu dài nếu kẻ xâm lược chiến thắng ».
Cũng trong ngày 25/11, trên Twitter, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết Bruxelles « viện trợ lớn » giúp Ukraina tái lập mạng lưới điện và sưởi, cụ thể là vài trăm máy phát điện để các bệnh viện dù lớn hay nhỏ không bị gián đoạn hoạt động. Hai thủ tướng Đức và Pháp, trong cuộc gặp tại Berlin, cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ Kiev chống cuộc chiến của Nga.
Giáo hoàng Phanxicô cũng có cử chỉ được coi là « chưa từng có ». Trong thư ngỏ đề ngày 24/11, người đứng đầu tòa thánh thể hiện sự gần gũi với người dân Ukraina đang phải sống ở « những thành phố bị bom đạn tấn công trong khi mưa tên lửa gây chết chóc, tàn phá và đau thương, đói lạnh và rét ».