Đăng ngày: 30/11/2022
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào hôm nay, 30/11/2022 bắt đầu chuyến công du ba ngày tại Hoa Kỳ, với đỉnh điểm là cuộc hội đàm tại Nhà Trắng vào ngày mai với đồng nhiệm Joe Biden. Theo các nhà quan sát, chuyến thăm cấp Nhà Nước của tổng thống Pháp là dịp để hai đồng minh lâu đời phô trương quan hệ nồng ấm trở lại sau những bất đồng ngoại giao giữa hai nước.
Đến Washington vào tối hôm qua, tổng thống Pháp và phu nhân đã được đón tiếp với đầy đủ các nghi thức long trọng dành cho một thượng khách.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Washington, những địa điểm nổi bật nhất ở thủ đô nước Mỹ, đặc biệt là Nhà Trắng, được trang trí bằng màu cờ của hai nước. Ngoài những hoạt động mang tính chất nghi thức, chương trình làm việc của tổng thống Pháp bao gồm một loạt những cuộc tiếp xúc, đặc biệt là với phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào hôm nay và với tổng thống Joe Biden vào ngày mai.
Giới quan sát đặc biệt ghi nhận thái độ hết sức trân trọng mà tổng thống Mỹ dành cho đồng nhiệm Pháp khi chọn ông Macron là thượng khách đầu tiên được ông đón tiếp trong một chuyến thăm cấp Nhà Nước từ ngày ông nhậm chức. Theo giới phân tích, sau một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng vào năm ngoái do vụ Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để quay sang phía Mỹ, cả hai bên đang muốn phô trương quan hệ được củng cố trở lại.
Từ vấn đề Ukraina cho đến các hồ sơ kinh tế, thương mại, bất đồng giữa hai nước vẫn còn nhiều, nhưng theo thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington, chính quyền Biden trong thời gian gần đây đã cố gắng giảm nhẹ tầm mức quan trong của các mâu thuẫn để xoa dịu Pháp:
“Nếu chỉ căn cứ vào các quan chức Mỹ, quan hệ với Pháp chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Họ nhấn mạnh về mọi thứ đã được thực hiện từ một năm nay, với công cuộc trợ giúp Ukraina và sự hình thành của một liên minh phương Tây mà Pháp được coi là trụ cột ở châu Âu.
Họ cũng nói về cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là ở vùng Sahel châu Phi, và vai trò của Pháp ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương trước sự tham lam của Trung Quốc, và hầu như không đề cập đến, hoặc chỉ nói rằng đó là quá khứ, vụ tàu ngầm đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
Việc Emmanuel Macron vẫn nói chuyện với Vladimir Putin, khác với Joe Biden, không phải là một vấn đề, cũng như ý muốn của châu Âu là duy trì quan hệ hòa dịu với Trung Quốc, vốn bị Washington coi là đối thủ trực tiếp.
Và kế đến là đạo luật giảm lạm phát cung cấp các khoản hỗ trợ cho những người Mỹ mua xe điện của Mỹ.
Đối với châu Âu, các khoản đó đơn thuần là trợ cấp và bảo hộ mậu dịch, nhưng một lần nữa, mong muốn giảm căng thẳng của phía Mỹ được thể hiện rõ ràng: Một nhóm làm việc đã được thành lập để tìm hiểu và lắng nghe những gì châu Âu mong muốn và điều được nói rõ ràng là ngay cả khi hai bên chưa tìm ra giải pháp, nhóm công tác này vẫn tiếp tục lắng nghe”.