RFA
2022.12.05
Bảy giáo dân Bình Thuận trong phiên toà ngày 30/11/2022
Ngày 30/11, Toà án Nhân dân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã kết án tù bảy người dân giáo xứ Bình Thuận (xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc) vì phản đối việc phá bỏ đường dân sinh trong một phiên toà không có luật sư và người thân không được tham dự.
Trên trang mạng Nghệ An của Báo Nghệ An – cơ quan ngôn luận của Tỉnh uỷ, hai phóng viên của Công an tỉnh là Quỳnh Trang và Hồ Xưng (PX03) cho biết phiên toà được tiến hành tại trụ sở Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An. Bảy giáo dân bị kết tội “Chống người thi hành công vụ” tại khoản 1 Điều 330 Bộ Luật Hình sự.
Ông Bùi Văn Cảnh, sinh năm 1978, bị kết án một năm tù. Ông Hà Văn Hạnh (sinh năm 1980) và hai bà Trần Thị Hoa (sinh năm 1970) cùng Trần Thị Thỏa (sinh năm 1964) bị án tám tháng tù. Hai bà Trần Thị Niên (sinh năm 1984) và Hà Thị Hiền (sinh năm 1987) cùng bị sáu tháng tù. Người còn lại là bà Bạch Thị Hòa (sinh năm 1952) bị kết án bốn tháng 17 ngày- đúng bằng thời gian tạm giam và được trả tự do ngay tại tòa.
Theo cáo trạng, vào ngày 13/7 vừa qua, tại khu vực đường dân sinh nối từ Quốc lộ 7C đi vào các xóm của huyện Nghi Lộc, khi các lực lượng thi công và bảo vệ thi công phá bỏ con đường dân sinh đi qua Khu Công nghiệp WHA thì các bị cáo nói trên “cùng nhiều đối tượng quá khích khác đã chống đối, cản trở quyết liệt”.
Những hành vi được cáo trạng liệt kê bao gồm: “hò hét, chửi bới, bê két bia, nhặt, gom đá và chai thủy tinh để ở vị trí thuận lợi để cho những người chống đối ném vào lực lượng Cảnh sát cơ động đang bảo vệ thi công, dùng tay và liềm xô đẩy hàng rào thép gai để mở rộng đường cho người chống đối; trực tiếp lao vào và dùng tay xô đẩy, đập liên tục vào lá chắn của lực lượng Cảnh sát cơ động….
Hậu quả khiến năm cán bộ đang làm nhiệm vụ bị thương phải điều trị tại bệnh viện.”
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã liên lạc với ông Nguyễn Minh Đức, chồng bà Hà Thị Hiền và được ông cho biết không gia đình nào được thông báo về phiên toà:
“Họ xử ngày 30/11, ngày 29/11 tôi có đến trại tạm giam để gửi đồ cho vợ tôi nhưng họ không nói gì hết (về phiên xử- PV). Sáng ngày 30/11, khoảng 7 giờ 30, có hai công an xã mặc thường phục đi dọc đường nói ‘hôm nay xử ở trong tỉnh, các gia đình vào xem thế nào.’ Các gia đình định đi thì đến trưa bà Hoà được thả về, nói rằng phiên toà được tổ chức ở huyện chứ không phải ở tỉnh.”
Ông cho biết vợ ông và các bị cáo khác không có luật sư bào chữa. Trước đó, trong quá trình tạm giam, phía công an huyện nói không nên thuê luật sư vì nếu thuê luật sư thì án sẽ nặng thêm.
Vì không có ai tư vấn nên không gia đình nào thuê luật sư cho người thân, ông Đức nói với phóng viên.
Ông Đức nói trong hơn bốn tháng qua, vợ ông và sáu người khác bị giam ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Nghệ An. Trong thời gian đó, ông chỉ được gặp vợ hai lần, mỗi lần năm phút qua cửa kính. Sáu người còn lại chỉ được gặp người thân một lần và kéo dài năm phút.
Ông nói rằng các bản án trên là bất công và nặng nề vì người dân giáo xứ Bình Thuận chỉ muốn bảo vệ con đường dân sinh đã tồn tại hơn 100 năm.
Ông Đức khẳng định vợ mình không có hành động nào chống đối lực lượng chức năng như cáo trạng mà bị án sáu tháng tù còn ông Hạnh chỉ quay video ghi cảnh công an đánh bắt dân mà bị án tám tháng. Trong khi đó, bà Hoà (70 tuổi) bị đánh gẫy hai xương sườn và bị án hơn bốn tháng mặc dù không có hành động bạo lực gì.
Ông nói việc vợ mình bị bắt giữ và kết án tù ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình. Giờ đây ông phải nghỉ làm để chăm sóc hai con- một đứa hai tuổi và một đứa tám tuổi.
Như tin đã đưa, vào ngày 13/7, nhà chức trách tỉnh Nghệ An đã điều động hàng trăm cảnh sát cơ động đến bảo vệ việc phá bỏ con đường dân sinh nối từ đường N5 vào giáo xứ Bình Thuận để giao cho khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1.
Do không đồng tình, hàng trăm người dân xã Nghi Thuận mà chủ yếu là dân giáo xứ Bình Thuận, đã kéo ra để bảo vệ con đường. Người phản đối và cảnh sát cơ động đã xô xát nhau.
Theo người dân cho biết khi đó, phía công an đã sử dụng lựu đạn khói và quả nổ nghiệp vụ ném về phía dân chúng còn người dân thì sử dụng gạch ngói và bom xăng ném lại. Theo báo chí Nhà nước, năm công an đã bị thương nhẹ, một cảnh sát cơ động bị người dân bắt giữ đưa về nhà văn hoá của xã trước khi được đồng đội đến giải vây.
Ngay trong hôm đó, cảnh sát bắt giữ 10 người đưa lên trụ sở công an huyện và Trại tạm giam Nghi Kim của công an tỉnh để tra khảo. Một người được thả về trong đêm hôm đó, hai người được trả về nhà sau ba ngày bị tạm giữ.
Một người được thả về nhà nói rằng bị đánh đập trong thời gian bị tạm giữ.
Ông Đức cho biết sau khi chính quyền địa phương phá bỏ con đường dân sinh tồn tại hơn thế kỷ, người dân giáo xứ Bình Thuận phải đi con đường vòng vèo và dài thay vì con đường thẳng như trước kia.