Đăng ngày: 08/12/2022
Trước tác hại của cấm vận kinh tế mà Trung Quốc áp đặt trên Litva và chính sách của Bắc Kinh về bằng sáng chế, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã khiếu nại lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) hồi đầu năm. Hôm qua, 07/12/2022, EU đã đề nghị định chế này tăng cường biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp
Vào đầu năm nay, Liên Âu đã yêu cầu WTO can thiệp vào hai tranh chấp với Trung Quốc mà hai bên không giải quyết được : lệnh cấm vận nhập khẩu từ Litva và việc bảo vệ bằng sáng chế công nghệ cao của châu Âu.
Ngày hôm qua, Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu thành lập hai nhóm đặc biệt, có chức năng như tòa án, để giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên của WTO. Theo hãng tin Anh Reuters, hai nhóm này có khả năng sẽ được thành lập từ nay đến tháng 03/2023.
Hãng tin AFP trích dẫn nhận định của phó chủ tịch của Ủy Ban Châu Âu, phụ trách về thương mại, ông Valdis Dombrovskis, khẳng định rằng « những đối tác tốt đối xử với nhau dựa trên sự tôn trọng và phải áp dụng các điều kiện cạnh tranh công bằng. Đó là nhiệm vụ của châu Âu để bảo vệ quyền lợi của mình khi Trung Quốc vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế », nhất là trong trường hợp với Litva.
Theo Bruxelles, hành động tẩy chay hàng hóa của Litva sau các bất đồng liên quan đến Đài Loan, đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại trong khối cũng như chuối cung ứng. Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp « phân biệt đối xử » đối với các mặt hàng của châu Âu có chứa linh kiện hoặc nguồn gốc từ Litva.
Trong hồ sơ thứ hai, Liên Âu cáo buộc Trung Quốc đã ngăn cản các doanh nghiệp châu Âu thực hiện các thủ tục pháp lý để bảo vệ bằng sáng chế, khi bị các doanh nghiệp châu Á sử dụng phi pháp.
Theo Financial Times, động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và châu Âu. Khối 27 nước đang phải chịu sức ép từ Hoa Kỳ về việc phải có đường lối cứng rắn hơn trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh.