15 tháng 12 2022
Việt Nam đã mở rộng đáng kể việc nạo vét và bồi đắp tại một số tiền đồn của nước này ở Biển Đông trong nửa cuối năm nay, gửi đi tín hiệu về ý định củng cố đáng kể các tuyên bố chủ quyền của mình trong vùng biển đang tranh chấp, theo Reuters.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho biết việc bồi đắp, nạo vét này ở quần đảo Trường Sa, cũng được Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền, đã tạo ra khoảng 170 héc ta đất mới và nâng tổng diện tích mà Việt Nam đã khai hoang trong thập kỷ qua lên 220 héc ta.
Dựa trên những hình ảnh vệ tinh thương mại, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS nói nỗ lực này của Việt Nam bao gồm mở rộng việc bồi đắp tại bốn thực thể và nạo vét mới tại năm thực thể khác.
\”Quy mô của công việc bồi đắp, mặc dù vẫn còn thua xa so với hơn 3.200 héc ta đất do Trung Quốc tạo nên từ năm 2013 đến năm 2016, nhưng mức độ lớn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây của Việt Nam và thể hiện một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của mình ở Trường Sa,\” báo cáo cho biết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu đưa ra bình luận về báo cáo.
AMTI cho biết các tiền đồn cỡ vừa của Việt Nam tại đảo Nam Yết, đảo Phan Vinh và đảo Sơn Ca đang được mở rộng quy mô lớn, với một cảng có khả năng đón được các tàu lớn hơn đã hình thành tại Nam Yết và Phan Vinh.
Đảo Nam Yết, rộng 47 héc ta và Rạn san hô Phan Vinh, rộng 48 héc ta, đều lớn hơn đảo Trường Sa rộng 39 héc ta, từng là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam. Bản báo cáo cho biết Đá Tiên Nữ, nơi trước đây chỉ có hai công trình nhỏ (nhà lâu bền và nhà văn hóa đa năng) giờ đã mở rộng lên 26 héc ta đất nhân tạo.
AMTI cho biết Việt Nam đã sử dụng tàu nạo vét trên biển để nạo vét các rạn san hô nông và dùng trầm tích để bồi lấp, một quá trình ít mang tính phá hoại hơn so với việc nạo vét bằng máy cắt hút thủy lực mà Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo.
\”Tuy nhiên, các hoạt động nạo vét và bồi đắp của Việt Nam vào năm 2022 là đáng chú ý và báo hiệu ý định củng cố đáng kể các thực thể mà Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa,\” báo cáo cho biết.
\”Cần chờ xem sẽ có các cơ sở hạ tầng nào trên các tiền đồn mở rộng này. Trung Quốc và các bên yêu sách khác có phản ứng hay không sẽ còn cần được theo dõi,\” báo cáo ghi.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở đó. Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau ở vùng biển có các tuyến đường hàng hải quan trọng và chứa các mỏ khí đốt cũng như ngư trường phong phú.