RFA
2022.12.22
Các bị cáo tại phiên toà
Tòa án Hà Nội vào ngày 22/12 tuyên án tù đối với nhóm 12 người bị kết tội dùng nhiều thủ thuật để chuyển trái phép hơn 30 ngàn tỷ đồng ra nước ngoài.
Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn các mức án tòa tuyên sau hai ngày xét xử vụ này.
Cụ thể người bị quy chủ mưu là bà Nguyễn Thị Nguyệt bị tuyên mức án 7 năm 6 tháng về tội “Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới”; ông Phạm Anh Tuấn ( chồng bà Nguyệt) lĩnh 5 năm tù về cùng tội danh này; 10 người còn lại bị tuyên phạt từ 30 tháng tù treo đến 4 năm tù.
Cáo trạng nêu rằng từ năm 2016 đến 2020, hai vợ chồng bà Nguyệt- ông Tuấn cấu kết cùng 10 người trong cùng vụ vận dụng nhiều thủ đoạn để có thể vận chuyển qua nhiều lần số tiền tổng cộng 30 ngàn tỷ đồng ra nước ngoài.
Một trong những thủ đoạn là mượn chứng minh nhân dân của người thân thành lập tám công ty để ký khống hợp đồng. Sau đó, mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các đối tác ở Singapore rồi xuất bán cho khách hàng ở Trung Quốc theo hình thức tạm nhập-tái xuất. Sau khi có tờ khai hải quan, đường dây này lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài để hưởng hoa hồng 0,1% trên mỗi giao dịch. Cho đến khi bị bắt số tiền hưởng lợi được nói hơn 30 tỷ đồng.
Những đối tác giao tiền để đường dây bà Nguyệt- ông Tuấn cùng đồng phạm chuyển qua biên giới là 10 chủ doanh nghiệp, cửa hàng vàng bạc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với vụ việc này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng hồi đầu tháng 8 vừa qua khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đoàn Bến Tre cho rằng từ năm 2017, NHNN đã tiếp nhận các báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các tổ chức tín dụng liên quan đến các cá nhân nằm trong đường dây của Nguyễn Thị Nguyệt. Qua đó, NHNN đã chuyển giao thông tin cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an TP. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để điều tra làm rõ vụ việc.