Đăng ngày: 29/12/2022
Phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Iran đã diễn ra liên tục trong hơn 100 ngày qua, bất chấp các đàn áp tàn khốc, với ít nhất 476 người tranh đấu bị giết hại và khoảng 14.000 người bị bắt. Hãng tin AFP hôm qua, 27/12/2022, đưa tin một sinh viên Iran sống tại Pháp đã tự sát để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với cuộc tranh đấu của người Iran.
Anh Mohammad Moradi, 38 tuổi, chọn cách trầm mình xuống sông Rhône, tại thành phố Lyon, miền trung nước Pháp, nơi anh định cư. Trước khi quyên sinh, người công dân Iran có một vợ ba con, đang theo học đại học ngành sử, đã để lại một đoạn video với dòng nhắn gửi như sau: ‘‘Tôi quyết định tự tử…Tôi chọn hành động thách thức này để cho thấy chúng tôi, người dân Iran đã quá chán ngán với tình hình hiện nay… Cảnh sát đã tấn công người dân. Nhiều người mất con trai, con gái, cần phải làm một cái gì đó.’’
Tự sát để thúc đẩy cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc tranh đấu
Phát ngôn viên của cộng đồng Iran tại Lyon, Timothée Amini, cho biết Mohammad Moradi muốn dùng cái chết của mình để thế giới ‘‘nghe thấy tiếng nói của cuộc cách mạng tại Iran’’. Một đồng hương Iran cho biết Mohammad Moradi muốn dùng cái chết của mình để thúc đẩy ‘‘truyền thông phương Tây và các chính quyền phương Tây’’ ủng hộ cuộc cách mạng tại Iran.
Hôm qua, bộ trưởng Ngoại Giao Ý, Antonio Tajani, đã triệu đại sứ Iran để phản đối về các đàn áp ‘‘không thể chấp nhận được’’ đối với các cuộc biểu tình, bùng lên tại Iran, từ hơn 100 ngày nay, sau cái chết của thiếu nữ Iran Mahsa Amini, 22 tuổi, ngày 16/09. Thiếu nữ Mahsa Amini qua đời sau khi bị bắt giữ bởi cảnh sát ‘‘đạo đức’’ Iran, lực lượng có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ các quy định tôn giáo khắc nghiệt trong xã hội.
Kể từ đó, các cuộc biểu tình nổ ra gần như hàng ngày, ở khắp mọi miền đất nước, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội, nhiều cộng đồng sắc tộc. Đây là phong trào phản kháng chưa từng có về thời gian và về phạm vi địa lý, kể từ khi chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời năm 1979. Chân dung của giáo chủ tối cao Ali Khamenei bị đốt, phụ nữ công khai bỏ khăn trùm đầu xuống đường, người biểu tình thường xuyên thách thức cảnh sát.
Đe dọa ‘‘đàn áp không thương xót’’
Theo AFP, đáp trả lại phong trào biểu tình là các đàn áp khốc liệt. Chính quyền Iran cáo buộc bàn tay thù địch nước ngoài thổi bùng ‘‘bạo động’’. Một đỉnh điểm của đàn áp là việc tử hình 2 người tham gia vào các cuộc biểu tình phản kháng hồi đầu tháng 12. Ngoài 2 người đã bị hành quyết, chính quyền Tehera đã tuyên án tử hình với 9 người khác. Hôm qua, 27/12, tổng thống Iran Ebrahim Raïssi một lần nữa đe dọa sẽ đàn áp ‘‘không thương xót’’ mọi hành động chống lại chế độ Hồi Giáo.
Bất chấp các đàn áp, phong trào phản kháng dường như không chấp nhận lui bước. Trả lời AFP, bà Shadi Sadr, sáng lập tổ chức phi chính phủ Justice for Iran, có trụ sở tại Luân Đôn, cho biết mục tiêu của phong trào là chấm dứt chế độ Hồi Giáo Iran. Giám đốc tổ chức bảo vệ nhân quyền IHR, ở Oslo, khẳng định chế độ Hồi Giáo không thể dập tắt được cuộc tranh đấu, bởi với giới tranh đấu, giờ đây ‘‘mọi con đường lùi đều không thể’’.
Cuộc phản kháng đang trở thành cách mạng
Chế độ Hồi Giáo Iran bị tố cáo là một trong những chế độ tàn bạo nhất hành tinh. Số người bị tử hình trong năm nay là hơn 500 người, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, theo IHR.
Về triển vọng của phong trào tranh đấu tại Iran, AFP dẫn lời Karim Sadjadpour, một chuyên gia về Iran tại Carnegie Endowment for International Peace, cho biết : ‘‘Chưa bao giờ trong 43 năm tồn tại, chế độ Hồi Giáo Iran lại dễ tổn thương đến như vậy.’’ Theo Kasra Aarabi, một chuyên gia khác về Iran tại viện Tony Blair, những người biểu tình hiểu rằng họ đang làm một cuộc cách mạng, và không có đường lùi.
Nhà tranh đấu nhân quyền Narges Mohammadi, bị bắt giam trước khi phong trào phản kháng bùng nổ, trong một thông điệp từ nhà tù Evine, ở Teheran, chuyển đến Nghị Viện Châu Âu thông qua gia đình, khẳng định : ‘‘Tôi chắc chắn là chúng tôi sẽ chiến thắng !’’.