Liên Thành
Năm 2022 là một năm bất lợi đối với kinh tế Trung Quốc. Hoạt động kinh tế gián đoạn do dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa của chính quyền gây ra, đặc biệt là ở Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc.
Trong năm 2023, nền kinh tế của đại lục có thể sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng hơn 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 5,5%.
Với điều kiện đó, mọi con mắt giờ đây đều đổ dồn vào kế hoạch của năm 2023.
Theo báo cáo từ Hội nghị công tác kinh tế trung ương được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 15 và 16 tháng 12, chính quyền Trung Quốc rõ ràng đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế. Từ “phát triển” xuất hiện trong báo cáo 45 lần, từ “cải cách” xuất hiện 13 lần, và từ “thị trường” xuất hiện 12 lần.
Năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc đạt mức khoảng 12.600 Đôla, chỉ bằng 1/5 của Mỹ, do đó chính phủ Trung Quốc giờ đây phải hướng công tác vào việc cải thiện sinh kế cho người dân.
Báo cáo nhắc lại nhiều lần sự khẳng định của các nhà hoạch định chính sách về việc theo đuổi một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, dù mang bản sắc Trung Quốc, nhưng nó cũng giúp xua tan phần nào mối lo về việc Trung Quốc có thể quay lại với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Ngoài ra, theo báo cáo, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ chính phủ giống như khu vực quốc doanh.
Tuy nhiên, theo Lawrence Lau, giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những bất ổn lớn.
Thứ nhất, quá trình chuyển đổi từ chính sách zero-Covid sang giai đoạn dỡ bỏ chính sách này có thể gây ra gián đoạn kinh tế trong ngắn hạn.
Thứ hai, kinh tế toàn cầu có khả năng xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc giờ đã bớt phụ thuộc vào xuất khẩu, và động lực tăng trưởng chính hiện nay là nhu cầu nội địa.
Thứ ba là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ có thể sẽ trở thành những cuộc chiến bình thường mới trong thập kỷ tới. Việc nhiều doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc là khó tránh khỏi.
Xét cho cùng, việc Mỹ áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ có tác động phần nào đối với kinh tế Trung Quốc.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phần cứng và phần mềm công nghệ cao của Mỹ thực sự có thể làm giảm tốc đà tăng trưởng của một số lĩnh vực của kinh tế Trung Quốc, nhưng không phải đối với các dự án thực sự thiết yếu, chẳng hạn như dự án xây dựng các siêu máy tính, vốn được chế tạo hoàn toàn bằng linh kiện sản xuất trong nước.
Câu hỏi thực sự đối với kinh tế Trung Quốc là liệu nước này có đủ tổng cầu hay không.
Để trả lời câu hỏi này, cần xác định là Trung Quốc là một nền kinh tế thặng dư, cho nên có cầu thì sẽ có cung.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa: Tiêu dùng hộ gia đình, tiêu dùng hàng hóa của người dân, và tổng đầu tư tài sản cố định.
Nhưng nhu cầu đầu tư lại phụ thuộc vào những kỳ vọng vào nền kinh tế. Cho nên đây là lúc chính phủ Trung Quốc sẽ phải nỗ lực củng cố kỳ vọng thông qua hành động cụ thể.
Hai thành phần chính trong tổng đầu tư cố định tài sản của Trung Quốc là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đầu từ vào bất động sản.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là cần thiết để ứng phó với việc gìn giữ, bảo vệ và phục hồi môi trường, thông tin liên lạc, giao thông và năng lượng. Đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm việc xây dựng trường học, bệnh viện và nhà dưỡng lão.
Trong lĩnh vực bất động sản, tâm lý đã bị ảnh hưởng nặng nề do hàng loạt các công ty bất động sản bị thua lỗ trong năm qua. Điều này cũng đã làm giảm nhu cầu đối với vật liệu xây dựng và hoạt động xây dựng, những lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc có thể thúc đẩy nhà cho thuê như một giải pháp thay thế, nhờ đó duy trì sức cầu tổng thể về nhà ở và hỗ trợ ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc gần đây đã đưa ra dự báo cho kinh tế Trung Quốc, cho rằng tổng sản phẩm quốc nội của nước này có thể tăng trưởng 5,1% trong năm 2023.
Giáo sư kinh tế Lawrence Lau cho rằng bất chấp hành động kinh tế gián đoạn vì các chính sách liên quan đến Covid, suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập và căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, thì sức cầu nội địa vẫn sẽ là một cứu cánh cho sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Do đó, kế hoạch phục hồi kinh tế năm 2023 của Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến cú hích lớn đối với nhu cầu nội địa trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Vị giáo sư này dự báo rằng, với kỳ vọng về tiêu dùng và đầu tư, GDP của Trung Quốc có thể quay trở lại mức tăng trưởng 5,5%.
Nền kinh tế của Trung Quốc không thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 9-10%/năm như đã đạt được trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 2018, nhưng GDP thực tế trên đầu người của nước này vẫn đang nằm trong ngưỡng cho phép nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng với mức trung bình hàng năm là khoảng 6% trong ít nhất một thập kỷ nữa kể từ năm 2024.
Đối với Hồng Kông, nhờ các biện pháp nới lỏng kiểm soát dịch Covid và nhờ khả năng phục hồi của nền kinh tế đại lục, kinh tế Hồng Kông được dự báo sẽ có thể tăng trưởng trên 4% vào năm 2023.