FB TRẦN TRUNG ĐẠO –
Khi những ngọn gió làm nên bão tố
.
Việt Nam không phải là Miến Điện, không phải là Ai Cập, không phải là Libya, không phải là Tunisia và không phải là Venezuela. Việt Nam là CSVN và mũi khoan của bộ máy độc tài toàn trị này đã khoan rất sâu vào lịch sử dân tộc, đục thủng nhận thức của nhiều thế hệ người Việt và gây tác động quyết định vào chọn lựa cuối cùng của những người Việt có khả năng làm thay đổi xã hội.
Đó không phải chụp mũ chung chung mà là thực tế. Đừng hỏi ai xa lạ. Thử hỏi những nhân vật có tiếng tăm, có khuynh hướng chống Trung Cộng và đang đóng vai trò phản biện như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giáo sư Tương Lai rằng họ thật sự muốn một cuộc cách mạng toàn diện xảy ra tại Việt Nam như đã xảy ra tại Nga và các nước Đông Âu trong giai đoạn 1990 không. Người viết tin rằng họ sẽ trả lời là không.
Bởi vì, dù có phản biện trong chừng mực nào đó về các chính sách kinh tế, xã hội họ đều phản biện với mục đích vun xới để đảng CS sống lâu chứ không nhằm thay đổi.
Bà Phạm Chi Lan ca ngợi việc tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng kiêm chủ tịch nước là một chủ trương đúng. Theo bà “nhất thể hóa” “giúp nhiều cho chính phủ đỡ khó khăn hơn trong các hoạt động. Trên thực tế hiện nay thì nhiều khi các hoạt động theo quyết định của bên Đảng, bên chính quyền thì có những cái song trùng và bộ máy trở lên lớn hơn rất nhiều… Nếu các cơ quan được đơn giản hóa như vậy thì nhiệm vụ giữa 3 nhánh quyền lực cũng có thể được xác định lại rõ hơn. Hiện nay thì cả 3 nhánh quyền đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nhiều khi không phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp.”
Còn hơn bà Phạm Chi Lan nữa, 15 năm trước Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã ca ngợi “nhất thể hóa” theo quan điểm Lenin: “Nhất thể hóa nó có cái lợi, tức là người đứng đầu có một danh nghĩa của toàn dân. Như trên tôi nói, trong giao lưu quốc tế, tự nhiên sinh ra một cái ông dân không bầu lên mà đi ra với mọi người thì ngoại giao vất vả lắm chứ không phải đơn giản đâu. Nhưng làm thế rồi thì phải có một bộ máy giám sát. Tôi thấy mô hình Uỷ ban Kiểm tra Trung ương như thời Lênin, do đại hội bầu ra, có quyền giám sát, được quyền thông tin, được quyền có một bản sao, được quyền phân tích, góp ý kiến, có một cơ chế để giám sát rất rõ ràng.”
Chẳng lẽ cả hai vị đều không hiểu một kiến thức chính trị công quyền căn bản nhất mà mọi sinh viên học lớp chính trị học 101 nào cũng hiểu, rằng dù nhất thể, lưỡng thể hay tam thể hóa thì dưới chế độ CS không bao giờ có sự “phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp” như bà Phạm Chi Lan phát biểu. Tương tự, không thể có “một cơ chế để giám sát rất rõ ràng”như ông Lê Đăng Doanh đồng ý với chính sách của Lenin trước 1924.
Mục đích tối hậu của đảng CSVN trong “nhất thể hóa” là hòa tan đảng và nhà nước thành một để người dân không còn thấy sự khác biệt giữa đảng cai trị và nhà nước lãnh đạo, giữa đảng CSVN và tổ quốc Việt Nam, giữa pháp trị và pháp quyền.
Những nhân vật như Ts Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan là những tiếng nói có trọng lượng, có ảnh hưởng trong các lãnh vực chuyên môn cũng như lý luận tại Việt Nam nhưng tại sao đầu thế kỷ 21 rồi mà họ vẫn tiếp tục cổ võ cho chế độ độc tài mà gần cả thế giới đã xem như một khối u phải được cắt bỏ và đã được cắt bỏ tại nhiều nơi trong tiến trình phát triển của văn minh nhân loại?
Họ vun xới đảng CS có thể vì tư lợi, vì danh vọng, vì bị nhồi sọ và có thể vì cả ba lý do vừa nêu nhưng không thể vì thiếu kiến thức.
Chắc chắn những vị đó biết các nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát và thăng bằng (check and balance) giữa các ngành và minh bạch chính quyền (công khai, trách nhiệm, trung thực) là vô cùng cần thiết để một xã hội phát triển theo hướng văn minh và hiện đại.
Chắc chắn các vị đó biết lý do Nam Hàn phát triển quá xa so với Bắc Hàn, Tây Đức phát triển quá xa so với Đông Đức, Tây Âu phát triển quá xa so với Đông Âu. Nguồn thúc đẩy chính là từ cơ chế và do đó để thay đổi hướng đi của một đất nước, không có chọn lựa nào khác hơn là phải thay đổi cơ chế như Đông Đức, các nước Đông Âu, các nước Baltics đã làm.
So sánh giữa những thành phần học cao, hiểu rộng, có ý thức phân biệt, có lý luận đúng sai, đi nhiều nơi trên thế giới đang tiếp tay với chế độ độc tài và những bà cụ già buôn gánh bán bưng, những bác nông dân đầu tắt mặt tối, những cô gái trẻ cởi truồng đi bão sau những trận banh, ai đáng trách và ai đáng thương?
So sánh giữa những người nô lệ phải sống đời nô lệ vì họ không có chọn lựa nào khác và những người tự nguyện làm nô lệ để đem sự hiểu biết của mình giúp cho chủ nô đày đọa đồng bào, ai đáng cảm thông và ai đáng khinh khi?
Cuộc cách mạng nào cũng cần phải có một thành phần tiên phong xuất phát. Họ không nhất thiết phải học cao hiểu rộng nhưng là những người hiểu được nguyện vọng sâu xa của dân chúng, thấy được hướng đi của thời đại và dứt khoát đồng thuận với các nguyên tắc tiền đề (thôi thúc bởi lòng yêu nước, không trông chờ bàn tay ngoại quốc, có thái độ chính trị dứt khoát, có mục đích cụ thể trong mỗi thời kỳ). Xây dựng thành phần này là nhu cầu bức thiết nhất trong tiến trình cách mạng dân chủ tại Việt Nam.
Thay vì ngồi chờ các ông bà phản biện có giấy phép kia đứng lên làm cách mạng, hãy tập trung vào việc xây dựng lực lượng cách mạng bằng học hỏi, trau dồi kiến thức, chịu đựng và hy sinh.
Chỉ có thành phần tiên phong và dứt khoát mới là lực lượng có khả năng tác động trực tiếp vào sự thay đổi của xã hội, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để mọi tầng lớp dân chúng phát huy tiềm năng và chủ động được cuộc sống của họ, độc lập, và khi cần, đương đầu trực tiếp với chế độ.
Việt Nam không phải là Miến Điện, không phải là Ai Cập, không phải là Libya, không phải là Tunisia và lại càng không phải là Venezuela. Việt Nam là CSVN, một cơ chế độc tài được chỉ đạo bằng một đội ngũ tuyên truyền tinh vi, thâm độc với 90 năm kinh nghiệm và một nhà tù trải trộng 331.699 km² .
Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam, vì thế, khó khăn hơn nhiều, phức tạp hơn nhiều.
Nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân Venezuela cũng chia sẻ chung một khát vọng được sống trong tự do, dân chủ. Đó là khát vọng của con người dù đang sống ở Đông hay Tây Bán Cầu. Hình ảnh những thanh niên nam nữ Venezuela đang xuống đường ở thủ đô Caracas và hình ảnh những thanh niên nam nữ Việt Nam xuống đường chống Trung Cộng vào 10 tháng 6, 2018 đều gây xúc động.
So với những ngày tăm tối của những năm sau 1975, ánh sáng của cuộc cách mạng tin học, còn giới hạn nhưng đang giúp cho các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội trực tiếp hay gián tiếp thu nhận các tư tưởng dân chủ để qua đó nhận thức được hướng đi đích thực của dân tộc trong thời đại. Lực lượng cách mạng còn khá ít ỏi, một số bị tù đày, một số tản mác khắp nơi nhưng đã có và họ đã lên đường.
Một nhắc nhở lịch sử dành cho đảng CS và “thành phần phên giậu”. Tháng Ba, 1990, để cứu Liên Sô, Mikhail Gorbachev đã đưa chức vụ đảng hòa tan vào chủ tịch nước thành “nhất thể” trong đó ông ta là lãnh tụ đảng đầu tiên trong lịch sử Liên Sô kiêm nhiệm hai chức vụ đảng và nhà nước. Nhưng dù cố gắng, nỗ lực cứu đảng của Mikhail Gorbachev quá trễ tràng và Liên Sô cáo chung chỉ hơn một năm sau đó. CSVN đang bước lên vết xe đổ của Liên Sô.
Không hẳn ngọn gió nào cũng làm nên bão tố nhưng chỉ vì bức tường CS rêu phong, rệu rã nhiều năm nên những ngọn gió dù không quá lớn cũng có thể làm nên bão tố, xô ngã bức tường chuyên chính CSVN.
Năm mới trao cho nhau niềm tin vì niềm tin là sức mạnh.
Trần Trung Đạo
Nguồn: FB Trần Trung Đạo