Đăng ngày: 11/01/2023
Các công trình mang tên Gustave Eiffel có mặt trên khắp thế giới, điển hình là ngọn tháp Eiffel biểu tượng của Paris hay tượng Nữ thần Tự do ở New York, Hoa Kỳ, cho đến cầu Mống ở Sài Gòn, Việt Nam. Đằng sau các kỹ nghệ xây dựng độc đáo, ít ai biết rằng Gustave Eiffel còn là một nhà kinh doanh xuất chúng.
Gustave (Bonickhausen) Eiffel sinh ra tại Dijon, Pháp, vào năm 1832, trong một gia đình có mẹ làm quản lý một cơ sở kinh doanh gỗ, bố là một cựu chiến binh. Vào năm 20 tuổi, ông theo học ngành hóa học tại Trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp – l’École centrale des arts et manufactures de Paris – thường gọi là Ecole centrale de Paris. Sau khi tốt nghiệp, Eiffel chuyển sang học ngành luyện kim. Đến năm 1858, ông được tuyển vào làm kỹ sư trong một công trình xây dựng cầu đường sắt bắc qua sông Garonne, gần Bordeaux và được giao vị trí quản lý. Với kỹ thuật sử dụng giếng chìm hơi nén để đào và xây móng trụ cột cầu, cùng những kỹ thuật rèn sắt đặc biệt mà ông phát triển, làm chậm quá trình rỉ sắt, dự án cầu dài gần 500 mét này đã khiến tên tuổi của Eiffel lần đầu được biết đến trong nghề.
Kiến trúc sư, nhà sử học Bertrand Lemoine miêu tả Gustave Eiffel như là một “thầy phù thuỷ của sắt”, bởi những công nghệ luyện kim mà vị kỹ sư phát triển trong bối cảnh sắt thép là loại vật liệu rất được ưa chuộng vào thế kỷ XIX. Cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu khiến nhu cầu xây dựng tăng cao, với yêu cầu chi phí thấp và thực hiện trong thời gian ngắn, nhất là xây dựng đường sắt.
Vào năm 32 tuổi, sau nhiều lần làm việc tại các dự án xây dựng khác nhau, tích lũy kinh nghiệm quản lý cũng như thiết lập được các mối quan hệ trong ngành, Gustave Eiffel đã ra làm riêng với số vốn đầu tư ít ỏi từ gia đình. Trong cuốn l’Entreprise Eiffel, nhà sử học Bertrand Lemoine trích dẫn nhận định của Eiffel, vào ngày 08/06/1867. Ông nói : “Tôi đã thành công trong việc được các nhà xây dựng lớn công nhận. Đây là niềm vinh dự rất lớn đối với một doanh nghiệp (nhỏ) như của tôi”.
\”Sự nghiệp doanh nhân nổi bật hơn kỹ sư\”
Không lâu sau đó, Eiffel đã hợp tác cùng kỹ sư Théophile Seyrig và đặt tên công ty là Gustave Eiffel & Cie. Doanh nghiệp thực hiện những công trình trị giá lên đến 1 tỷ franc hàng năm. Trả lời RFI Pháp ngữ, nhà sử học Bertrand Lemoine bình luận thêm:
“Thời điểm đó, Gustave Eiffel đã đi theo xu hướng xây dựng đường sắt trong cuộc cách mạng công nghiệp, sử dụng sắt làm vật liệu xây dựng. Gustave Eiffel cũng chứng tỏ khả năng lãnh đạo một doanh nghiệp, lựa chọn đối tác tốt cũng như những người làm việc dưới sự chỉ đạo của mình và tìm được những trợ giúp về chính trị. Sự nghiệp làm doanh nhân của Eiffel nổi bật hơn nghề kỹ sư, ngay cả khi chính kỹ năng trong nghề kỹ sư lại là yếu tố căn bản, hữu ích để phát triển doanh nghiệp của Eiffel. Ông đã đưa doanh nghiệp của mình lớn mạnh, trở thành một trong những doanh nghiệp xây dựng sắt thép lớn của Pháp, đứng trong nhóm 5, nhóm 6 công ty hàng đầu. ”
Công ty xây dựng Gustave Eiffel & Cie có được vị trí quan trọng trên thị trường xây dựng tại Pháp, với các công trình tiêu biểu như Đài thiên văn Nice, cầu Cubzac và đặc biệt là tháp Eiffel, được coi là đỉnh cao sự nghiệp của vị kiến trúc sư, một trong những lý do khiến Gustave Eiffel được vinh danh tại điện Panthéon cao quý của Pháp.
\”Danh tiếng toàn cầu\”
Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong nước, Eiffel đã không ngần ngại đi tìm kiếm thị trường mới. Công ty của Eiffel xây dựng hàng loạt các cây cầu ở Peru cho đến các tuyến đường sắt ở Budapest, Hungary, hay các dự án cầu đường ở Đông Dương cũ. Các kiệt tác kiến trúc của Eiffel toả sáng tại New York với cấu trúc sắt bên trong tượng đài nữ thần tự do hay cây cầu Maria Pia nổi tiếng bắc qua sông Douro ở Bồ Đào Nha. Càng thầu được nhiều dự án, Eiffel càng phát triển những kỹ thuật sản xuất mới, tiêu biểu là cách xây cầu “di động” (ponts portatif). Nhà sử học Bertrand Lemoine giải thích :
“Gustave Eifffel đã ‘xuất khẩu’ khá nhiều công trình. Hầu hết các nguyên vật liệu xây dựng được sản xuất trong nhà máy ở Levallois-Perret, ngoại ô Paris. Sau đó chúng được chuyển tới nơi xây dựng, có thể bằng xe lửa hoặc tàu thủy nếu phải đi xa, ra nước ngoài. Có thể nói rằng đó là một bộ lắp ráp các linh kiện kim loại, được đúc sắt nguyên bộ. Các nguyên vật liệu này sau đó được lắp ráp tại chỗ, được thực hiện bởi đội ngũ nhân công có tay nghề, chỉ cần tuân theo bảng hướng dẫn lắp ráp. Nó có chút gì đó giống như việc lắp ráp một cái tủ ngày nay. Nhờ vào thành công của kỹ thuật cầu di động, được đúc trước, công ty xây dựng của Eiffel ngày càng được biết đến và thu được những lợi nhuận không nhỏ.Gustave Eiffel cũng nhiều lần tự mình đến giám sát các công trình, như cầu Douro ở Bồ Đào Nha (hoàn thành năm 1877), một trong những cây cầu sắt lớn nhất thời điểm đó, với khoảng cách giữa hai trụ cầu lên đến 160 mét. Đó là công trình đầu tiên của Eiffel ở nước ngoài.”
Vào cuối những năm 1880, doanh thu hàng năm của công ty xây dựng Gustave Eiffel & Cie lên đến 5 triệu franc. Kiến trúc sư Frédéric Seitz, tác giả của cuốn Gustave Eiffel – Thành công lớn của một kỹ sư (Gustave Eiffel : le triomphe de l’ingénieur), ví công ty xây dựng của Eiffel ngang hàng với tập đoàn Bouygues của Pháp ngày nay. Trả lời trang Usine nouvelles, ông Frédéric nhận định : “Tôi không biết nhiều doanh nhân trong lĩnh vực xây dựng, ngoài Eiffel và một tập đoàn xây dựng lớn khác, có thể đa dạng lĩnh vực hoạt động đến vậy”. Vào năm 60 tuổi, Eiffel đã đầu tư trong 3 lĩnh vực : điện báo không dây, khí tượng và hàng không. Eiffel cũng đã chế tạo các mẫu máy bay mà công nghệ được tái sử dụng trong ngành hàng không đương đại.
Tiêu chí \”tai nạn lao động bằng 0\”
Không chỉ là một doanh nhân tài ba, Eiffel còn có những phương pháp quản lý công trình xây dựng độc đáo với yêu cầu : “tai nạn lao động bằng 0”. Nhà sử học Bertrand Lemoine cho biết thêm:
“Gustave Eiffel lo lắng đến sự an toàn cho công nhân của ông. Có thể ngày nay vấn đề này đã được làm rõ hơn nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, lúc đó, yêu cầu mà Eiffel đưa ra về an toàn lao động được thực hiện ở hầu hết các công trình xây dựng, do vậy hầu như không có hoặc rất ít khi xảy ra tai nạn. Tại công trường xây dựng tháp Eiffel, một công nhân đã thiệt mạng vì bị thang máy đè vào, nhưng vụ tai nạn xảy ra ngoài giờ lao động. Khi so sánh với một cây cầu lớn được xây dựng ở Scotland cùng thời điểm đó – cầu Forth, thì ít nhất 70 người đã thiệt mạng trên công trường. Gustave Eiffel rất quan tâm đến việc bảo đảm tính mạng và an toàn của công nhân. Một ví dụ điển hình đó là tại công trình xây cầu bắc qua sông Garonne ở Bordeaux, nơi ông lần đầu tiên làm quản lý. Một công nhân đã rơi xuống sông và không biết bơi. Eiffel đã không ngần ngại nhảy xuống sông và cứu người đó khỏi bị chết đuối. Chúng ta có thể nói rằng, ông ấy đã trả xả thân mình để bảo đảm an toàn cho công nhân của mình”.
Tuy nhiên, trong thương trường cũng như chiến trường. Kiến trúc sư, giáo sư danh dự tại trường đại học Công nghệ Compiègne Fédéric Seitz cho rằng Gustave Eifel là một người “không sợ đè bẹp những người khác để phục vụ lợi ích của mình”. Ví dụ như trường hợp của Théophile Seyrig người đã hợp tác đầu tư cùng phát triển Gustave Eiffel & Cie ngay từ thời gian đầu khởi nghiệp. Ông Seyrig không chỉ đóng góp nhiều ý tưởng xây dựng mà còn cả về tài chính và là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp. Năm 1879, Eiffel đã kết thúc hợp đồng một cách tàn nhẫn với Seyrig, việc phân định tài sản và lợi tức giữa hai bên kéo dài đến năm 1891.
Bê bối tham nhũng
Kiến trúc sư Frédéric cho rằng “không có doanh nhân nào tốt đẹp mà không có bàn tay bị vấy bẩn”. Vào năm 1889, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và danh vọng: hoàn thành công trình tháp Eiffel và tượng nữ thần tự do, Gustave Eiffel đã dính líu vào vụ bê bối tham nhũng trong dự án xây dựng kênh đào Panama, khiến nhiều chính trị gia cũng như doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Hợp đồng với công ty Kênh đào liên đại dương Panama (Compagnie universelle du canal interocéanique de Panama), nhằm xây dựng 10 cống thuỷ lợi, chốt đóng mở trên kênh đào Panama, trị giá 125 triệu franc mà công ty của Eiffel nhận được 20 % lãi, đã khiến Eiffel vướng vào vòng lao lý và ảnh hưởng đến danh dự của vị kỹ sư.
Cuốn sách l’Entreprise Eiffel của Bertrand Lemoine chỉ ra rằng Eiffel bị cáo buộc tham nhũng. Dù thiếu cơ sở pháp lý nhưng ông đã bị kết án 2 năm tù và phải nộp 2000 franc tiền phạt. Bản án này sau đó đã bị Toà Phá Án của Pháp huỷ bỏ. Ngay trong ngày mở phiên toà xét xử, 19/01/1893, Eiffel đã từ chức chủ tịch và yêu cầu loại bỏ tên của ông khỏi tên doanh nghiệp. Gustave Eiffel & Cie được đổi thành Công ty xây dựng Levallois – Perret.
Trong gần 30 năm cuối của cuộc đời, Eiffel dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, chủ yếu liên quan đến độ bền cũng như tính hữu dụng của tháp Eiffel. Tiêu biểu như việc đặt một trạm phát sóng radio trên đỉnh tháp vào năm 1906. Gustave Eiffel ra đi ở tuổi 91, ngày 27/12/1923, 11 năm trước khi sóng truyền hình được phát đi từ ngọn tháp khiến tên của ông trở thành bất tử.