Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ – Thụy Điển: Nga đứng đằng sau vụ đốt kinh Coran ?

Đăng ngày: 27/01/2023

\"\"
\"\"
Biểu tình trước tòa lãnh sự Thụy Điển tại Istanbul phản đối một người Thụy Điển đốt kinh Coran. Ảnh ngày 21/01/2023. Sipa USA via AP – Abaca Press

Thanh Phương

Rasmus Paladan, người biểu tình mang hai quốc tịch Đan Mạch-Thụy Điển đốt kinh Hồi Giáo Coran trước tòa đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hôm 21/01/2023, dường như đã làm theo yêu cầu của các thành viên phe cực hữu Thụy Điển.

Một trong những thành viên này, người đã bỏ tiền ra tổ chức biểu tình, lại có liên hệ với bộ máy tuyên truyền của Nga. Mục đích của hành động khiêu khích nói trên chính là nhằm phá hỏng tiến trình gia nhập khối NATO của Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia Bắc Âu cùng nộp đơn xin làm thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Đó là khẳng định của nhật báo Pháp Ouest France hôm 26/01/2023, dựa trên thông tin của báo chí Thụy Điển.

Vụ đốt kinh Coran ở Stockholm rõ ràng đã đạt được mục tiêu, đó là khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phẫn nộ. Hôm 23/01, ông Erdogan đã tuyên bố, sau khi để xảy ra hành động báng bổ đạo Hồi nói trên, Thụy Điển “đừng trông chờ vào sự ủng hộ của Ankara” cho việc gia nhập NATO. 

Tiếp đến, hôm sau 24/01, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong 30 nước thành viên hiện nay của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, đã đình hoãn vô thời hạn một cuộc họp tay ba với Thụy Điển và Phần Lan, dự kiến vào đầu tháng 2. Trong cuộc họp này, trên nguyên tắc, Ankara sẽ bật đèn xanh cho NATO thâu nhận hai nước Bắc Âu. 

Mặc dù Stockholm đã mạnh mẽ lên án vụ đốt kinh Coran và đã bày tỏ thái độ tôn trọng người Hồi Giáo, con đường vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương của Thụy Điển coi như bị chặn lại, đến mức mà Phần Lan lần đầu tiên đã nêu lên khả năng gia nhập NATO một mình, không đợi láng giềng Bắc Âu. 

Người được hưởng lợi trong vụ này không ai khác hơn chính là tổng thống Vladimir Putin, vì nếu Phần Lan và Thụy Điển vào NATO cùng lúc, như vậy là sẽ hình thành một đường biên giới dài đến 1.300 km giữa Nga và khối quân sự phương Tây. Vào tháng 5 năm ngoái, chưa tới 24 tiếng đồng hồ sau khi Phần Lan chính thức nộp đơn xin làm thành viên NATO, Matxcơva đã tuyên bố đây là một “sai lầm nghiêm trọng sẽ có những hậu quả to lớn”. Tiếp đến, vào cuối tháng 6/2022, khi NATO  họp thượng đỉnh ở Madrid, tổng thống Putin đã lên án việc mở rộng này thể hiện tham vọng “đế quốc”, “bá quyền” của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. 

Cho nên khả năng Matxcơva tìm cách phá hỏng tiến trình gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là sau những phát hiện của báo chí Thụy Điển:  Rasmus Paludan, kể đốt kinh Coran, khai là đã hành động theo yêu cầu của một số thành viên phe cực hữu Thụy Điển. Một trong những người này, “nhà báo” Chang Frick, nguyên là đảng viên đảng cực hữu Những Nhà Dân Chủ Thụy Điển, thừa nhận là người đã nộp tiền đăng ký biểu tình cho cảnh sát Stockholm. 

Nhưng có chắc là Chang Frick đã hành động một mình? Không chắc, bởi vì “nhà báo” này đã từng cộng tác với Russia Today, kênh truyền hình tuyên truyền của điện Kremlin. Chang Frick còn được biết là đang điều hành một trang mạng sống nhờ vào tiền quảng cáo của một công ty bán phụ tùng xe hơi trên mạng, trụ sở ở Berlin, mà sở hữu chủ là 3 người Nga và một người Ukraina. Theo kết quả điều tra của tờ New York Times được tiết lộ vào năm 2019, công ty này hoạt động cho Nga, chuyên tài trợ cho những trang mạng phao tin giả để gây xáo trộn công luận tại nhiều nước châu Âu. 

Trả lời trang mạng Atlantico hôm nay, 27/01, nhà phân tích người Pháp Michael Lambert nhắc lại là chính phủ Nga vẫn yểm trợ các đảng cực hữu có tư tưởng chống NATO, chống Liên Hiệp Châu Âu ở các nước nước châu Âu, để qua đó gây nhiễu thông thông tin và gây mất ổn định ở những nước này, nhất là những nước đang gặp khủng hoảng như Ý, Hy Lạp, Bulgari…

Bài Liên Quan

Leave a Comment