Phú Trọng chúc Tết Tập Cận Bình trong lúc tàu TQ rượt ngư dân Việt

January 29, 2023

\"\"

Điều mỉa mai là vào ngày 14/1, khi hai tổng bí thư đang “hảo hảo” chúc Tết nhau thì trên Twitter vào ngày 15/1 xuất hiện một video chiếu cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi và phun vòi rồng vào tàu của ngư dân Việt Nam đuổi tàu cá Việt Nam ra khỏi vùng biển đánh bắt truyền thống của mình.

Một video đang được lan truyền gần đây cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, các hành động bồi lấp của Trung Quốc tại Trường Sa trước đó được giới quan sát đánh giá là động thái chưa từng có nằm trong mưu đồ lâu dài của Bắc Kinh hòng củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp.

Philippines đã có phản ứng tức thì. Trước nay, mỗi lần tàu Trung Quốc rượt đuổi ngư dân Việt Nam hay có hành động mở rộng các đảo, Việt Nam đều lên tiếng nhưng tại sao lần này, Bộ Ngoại giao của Việt Nam lại im lặng?

Mới đây, Bloomberg cho hay, Trung Quốc đã tiến hành hoạt động xây dựng trên một số thực thể không có người ở Biển Đông. Bốn thực thể Trung Quốc vừa cho bồi đắp một cách lén lút, bao gồm các đảo đá Ba Đầu, Tri Lễ, An Nhơn và Én Đất.

Với các thông tin về hành động “cơi nới diện tích” tại Trường Sa, giới quan sát cho rằng đây là động thái chưa từng có nằm trong mưu đồ lâu dài của Bắc Kinh hòng củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp tại khu vực giao thương toàn cầu trọng yếu này. Các nhà phân tích phương Tây cảnh báo rằng, hoạt động bồi đắp liên tục của Bắc Kinh cho thấy âm mưu thúc đẩy việc xác lập một nguyên trạng mới, cho dù đến nay chưa biết, liệu Trung Quốc có tìm cách quân sự hóa chúng hay không.

Bộ Ngoại giao Philippines lập tức đã ra tuyên bố: “Chúng tôi hết sức lo ngại vì những hoạt động như vậy trái với cam kết tự kiềm chế theo Tuyên bố Ứng xử về Biển Đông và Phán quyết Trọng tài năm 2016”. Việt Nam đáng ra cũng cần phải công bố rộng rãi về hành động phi pháp này của Trung Quốc, để cho công chúng trong nước và trên thế giới hiểu rõ lập trường nhất quán của mình. Trước nay, mỗi lần Trung Quốc có hoạt động mở rộng trên các đảo Trường Sa, Việt Nam đều lên tiếng phản đối, nhưng lần này, Hà Nội “án binh bất động”.

Nếu chỉ theo dõi thông tin qua hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam thì tình hình gần đây trên Biển Đông dường như vẫn yên tĩnh. Phải chăng vì hệ thống công quyền tại Việt Nam muốn tạo ra cảm giác bề ngoài ấy để giải quyết vấn đề đấu đá trên thượng tầng tại Ba Đình trong những tuần cuối năm Tết cận kề.

Ngày 14/1, trao đổi thư chúc Tết với Tập, ông Trọng đã bày tỏ, đại loại là năm nay, ông mong muốn các ban, bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương hai nước quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua. Còn khi giới thiệu thư chúc Tết của Tập gửi Trọng, truyền thông Trung Quốc còn cho biết thêm chi tiết, ông Tập đã nhắn ông Trọng là Trung Quốc và Việt Nam “có cùng chung tương lai”.

Điều mỉa mai là vào ngày 14/1, khi hai tổng bí thư đang “hảo hảo” chúc Tết nhau thì trên Twitter vào ngày 15/1 xuất hiện một video chiếu cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi và phun vòi rồng vào tàu của ngư dân Việt Nam đuổi tàu cá Việt Nam ra khỏi vùng biển đánh bắt truyền thống của mình.

Video clip này được một người có tên Renkai Mineyuki đưa lên Twitter và được tạp chí Eurasia Times thuật lại là hình ảnh do một ngư dân ghi được ở gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hiện vẫn chưa rõ video này được quay vào lúc nào. Tàu Hải cảnh được xác định có số hiệu là 056.

Trung Quốc xưa nay luôn thế. “Binh bất yếm trá” (Tôn Tử). Nước Đức ngày ấy cũng từng cử Ribbentrop ký hiệp ước với Liên Xô, hứa bất tương xâm, nhưng rốt cục bất thần đâm sau lưng khiến Nga choáng váng. 1988 được coi là năm đỉnh điểm khó khăn của Việt Nam khi bị chìm trong khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc liền thừa cơ động thủ cưỡng chiếm Gạc Ma ở Trường Sa (14/3/1988). Logic của Trung Quốc là khi họ mua chuộc được người đứng đầu hoặc khi đất nước rơi vào hỗn loạn là họ ra tay ngay!

Nhưng giới quan sát còn đưa ra một cách giải thích căn cơ hơn về việc tại sao Việt Nam lần này không phản ứng trước các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại Trường Sa. Cách giải thích này này dựa vào Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc ngày 1/11/2022.

Theo đó, các bất đồng về biển đảo giữa Bắc Kinh và Hà Nội nay được xếp xuống vị trí thứ chín trên 13 nội dung được đúc kết trong văn kiện ngoại giao năm ngoái. Nội dung thứ chín này tái khẳng định nguyên tắc xưa nay: “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển… Nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực”.

Nhưng trên cơ sở nào? Trên cơ sở “tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước…” Nếu xếp vào khung khổ giải quyết nội bộ giữa Lãnh đạo hai nước thì đố ai biết được, “nhận thức chung” đó là gì và đến đời nào Việt Nam mới có thể “học tập” Philippines đưa vấn đề Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ra trước Tòa án Quốc tế?

(Theo RFA)

Bài Liên Quan

Leave a Comment