Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc, trong một cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Image
Bình luậnXuân Hoa • 31/01/23
Một phòng thí nghiệm phụ trách nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Trung Quốc đã tiếp cận được chất bán dẫn do Mỹ sản xuất, mặc dù các tổ chức như thế này đã bị cấm thực hiện giao dịch mua sắm các loại công nghệ tương tự trong hơn hai thập kỷ.
Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc (CAEP) – một tổ chức do nhà nước điều hành, tập trung vào nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển vũ khí hạt nhân và các ngành khoa học liên quan – đã thành công trong việc thu mua chất bán dẫn do các tập đoàn Nvidia và Intel sản xuất từ năm 2020, mặc dù học viện này đã bị liệt vào danh sách đen xuất khẩu của Hoa Kỳ từ năm 1997, Wall Street Journal đưa tin. CAEP được cho là đã ít nhất 12 lần mua được các con chip tinh vi của Mỹ trong hai năm rưỡi qua.
Hầu hết các chip mà CAEP mua đều có kích thước từ 7 đến 14 nanomet, loại mà Trung Quốc đang gặp khó khăn để sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, những con chip này có thể mua được trên thị trường mở, thậm chí thông qua thương mại điện tử.
Lướt qua các báo cáo của CAEP, chúng ta có thể thấy ít nhất 34 báo cáo đề cập đến việc sử dụng chất bán dẫn của Mỹ trong các nghiên cứu mà học viện thực hiện. Trong ít nhất 7 trường hợp trong số này, nghiên cứu được thực hiện có thể liên quan đến việc duy trì các kho dự trữ hạt nhân.
Trong 6 báo cáo, các nhà nghiên cứu đã thảo luận về việc sử dụng chip để cải thiện hoạt động của các thiết bị “inertial confinement fusion” – sử dụng tia laser công suất cao để kích hoạt các phản ứng nhiệt hạch, tương tự như những gì xảy ra trên quy mô lớn hơn khi sử dụng vũ khí nhiệt hạch.
Năm 2017, Viện Vật lý Ứng dụng và Toán học Máy tính có trụ sở tại Bắc Kinh, một chi nhánh của CAEP, đã thừa nhận rằng chip Intel đóng vai trò quan trọng trong siêu máy tính Thiên Hà 2 (Tianhe-2) của Trung Quốc. Siêu máy tính này từng được Trung Quốc sử dụng để thực hiện các phép tính liên quan đến các vụ nổ hạt nhân.
Hạn chế bán chip cho Trung Quốc
Theo thông tin từ tập đoàn công nghệ đa quốc gia Nvidia, chất bán dẫn được CAEP sử dụng trong nghiên cứu của họ là những con chip đa dụng mà cũng có thể được tìm thấy trong máy tính cá nhân. Khi hàng triệu máy tính được bán ra hàng năm, rất khó để theo dõi từng thành phần, Nvidia cho biết.
Theo Wall Street Journal, Bộ Thương mại Hoa Kỳ từng nói rằng: “Bởi vì các sản phẩm dành cho thị trường đại chúng thường phải di chuyển qua nhiều bên nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên để biết rõ người dùng cuối cùng là một công việc rất khó khăn”. Cơ quan này sẽ tìm cách thực thi mạnh mẽ các quy định xuất khẩu mới nhất mà Washington đưa ra vào tháng 10/2022.Cận cảnh một tấm đĩa bán dẫn silic (silicon wafer), được trưng bày tại Viện Nghiên cứu Chất bán dẫn Đài Loan ở Hsinchu, Đài Loan, ngày 16/09/2022. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ bán chất bán dẫn tiên tiến và các thiết bị để sản xuất chúng cho một số nhà sản xuất Trung Quốc, trừ khi có được giấy phép đặc biệt. Vào tháng 12, chính phủ Mỹ đã mở rộng các hạn chế này lên thêm 36 nhà sản xuất chip Trung Quốc.
Washington cũng cấm công dân Hoa Kỳ hỗ trợ việc sản xuất hoặc phát triển các con chip thuộc phạm vi hạn chế. Công dân Mỹ tham gia các công ty liên quan đến chip của Trung Quốc sẽ phải nghỉ việc hoặc từ bỏ quyền công dân.
Vào ngày lệnh cấm có hiệu lực, hàng trăm người Mỹ gốc Hoa làm việc tại các công ty bán dẫn ở Trung Quốc được cho là đã từ chức.
“Những biện pháp này có thể chỉ là khởi đầu của chính phủ Hoa Kỳ. Nếu chúng được mở rộng sang các lĩnh vực khác như tài chính, công nghệ sinh học, v.v., chúng sẽ thực sự trở thành cơn đau đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng sẽ cho thấy rằng sự tách rời giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thực sự xảy ra”, giáo sư kinh tế Chiou Jiunn-Rong tại Đại học Trung ương Quốc gia ở Đài Loan nói với The Epoch Times hồi tháng 10/2022.
Trong khi đó, một báo cáo do Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi tại Đại học Georgetown của Mỹ công bố năm ngoái cho thấy quân đội Trung Quốc đang đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chiến tranh và các công nghệ liên quan.
Trong số 66.000 hợp đồng do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đăng tải công khai, được báo cáo này phân tích, có 24 hợp đồng là về việc mua các loại chip cao cấp được sử dụng trong các ứng dụng AI. Hầu như tất cả chúng đều được sản xuất bởi các nhà sản xuất Hoa Kỳ.
Hỗ trợ từ EU trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc
Tuần trước, một quan chức thương mại cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định rằng khu vực này có cùng mục tiêu với Mỹ trong việc kiểm soát ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Ông Thierry Breton, Ủy viên Thị trường Nội bộ của EU, cho biết trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington vào ngày 27/01 như sau: “Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất, dù là chất bán dẫn (semiconductor), lượng tử (quantum), đám mây (cloud) và biên (edge), trí tuệ nhân tạo (AI) hay hệ thống kết nối (connectivity)”.
“Ở châu Âu, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với mục tiêu tước bỏ quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với những con chip tiên tiến nhất. Và điều tương tự cũng xảy ra với công nghệ lượng tử”.
EU dự kiến sẽ thông qua Đạo luật Chip châu Âu (European Chips Act) trong năm nay với mục đích thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn của khu vực này. Liên minh châu Âu hy vọng sẽ nâng tỷ lệ về năng lực sản xuất chip toàn cầu hiện tại của châu Âu lên khoảng 20%, tức là gấp đôi con số hiện tại.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch