2023.02.01
Linh mục Nguyễn Văn Khải phát biểu về Tự do Tôn giáo Việt Nam tại Hội nghị IRF
Vụ án Thiền am bên bờ Vũ trụ, các tín đồ Công giáo bị bắt vì phản đối Formosa hay Chính quyền “quốc doanh hoá” các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam là những vấn đề được giới hoạt động Việt Nam nêu ra tại Hội nghị Tự do tôn giáo Quốc tế 2023 (IRF Summit 2023).
Các tổ chức tôn giáo ở VN bị đàn áp ra sao?
“Chính quyền Việt Nam không tôn trọng sự thật và công lý. Rất nhiều các tín đồ Công giáo của chúng tôi đã bị bỏ tù. Đa phần trong số (họ) sống ở phía bắc, trong vụ Formosa năm 2016.
Rất nhiều tín đồ Công giáo sinh sống ở đó tìm kiếm công lý nhưng bị bắt và kết án nhiều năm trời, như Lê Đình Lượng, Nguyễn Năng Tĩnh hay Nguyễn Văn Hoá… cùng với khoảng hơn 60 tù nhân lương tâm khác đang bị giam giữ ở đất nước chúng tôi…”
Đó là lời phát biểu của Linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Khải, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, tại một phiên họp nằm trong khuôn khổ của IRF Summit 2023, được tổ chức vào hai ngày 31/1 và 1/2/2023 tại Washington DC, thủ đô Hoa Kỳ, với sự tham dự của hàng chục chức sắc, các nhà hoạt động và tổ chức quốc tế đấu tranh cho Tự do Tôn giáo.
Vị Linh mục hiện đang học tập và làm việc tại Roma nói thêm với RFA bên lề hội nghị:
“Tôi muốn nói cho quốc tế biết rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang vi phạm tự do tôn giáo.
Trước đây, họ (Chính quyền Việt Nam – PV) tìm cách tiêu diệt các tôn giáo, thế nhưng họ đã thất bại.
Vậy thì bây giờ, họ dùng các chính sách khác. Họ dựng nên các giáo hội quốc doanh, đặt người của họ vào trong ban lãnh đạo của các giáo hội.
Những giáo hội nào mà họ không thành công trong việc quốc doanh hóa thì họ sẽ đàn áp, khủng bố các chức sắc tôn giáo và họ sẽ tìm cách giải tán các giáo hội đó.”
Linh mục Khải cũng cho biết Chính quyền đang can thiệp một cách quyết liệt và thô bạo vào nội bộ Giáo hội. Họ mua chuộc, đe dọa, gài bẫy các chức sắc tôn giáo để qua đó kiểm soát, khống chế các tín đồ Công giáo. Ông nói tiếp:
“Có sự can thiệp rất quyết liệt, mạnh mẽ và trơ trẽn của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền đã gửi hẳn các văn bản đến cho các bề trên và yêu cầu buộc các linh mục phải im tiếng.
Tôi còn được đọc một văn bản gửi đến cho một vị giám mục để yêu cầu một linh mục phải im tiếng và chuyển linh mục đó đi nơi khác. Hơn nữa là buộc linh mục đó phải thôi hết các chức vụ, nhưng mà vị giám mục đó đã không làm theo lời của chính quyền thì tôi thấy rằng vị giám mục đó khôn ngoan.”
Cũng tại hội nghị, Bà Tanya, một người đấu tranh cho Tự do tôn giáo, mang câu chuyện “chưa có hồi kết” liên quan đến các thành viên của cơ sở tu tại gia đang bị chính quyền cộng sản VN cầm tù – Thiềm am bên bờ Vũ hay còn có tên Tịnh thất Bồng Lai.
Bà Tanya, nói vụ việc xảy ra ở Thiền am bên bờ vũ trụ, Chính quyền Việt Nam không chỉ vi phạm quyền Tự do tôn giáo, mà còn vi phạm cả quyền trẻ em, quyền của người lớn tuổi…:
“Tại sao tôi phải đem cái chuyện này ra thế giới? Vì họ (các thành viên của Thiền am – PV) đại diện cho những người lớn tuổi, đại diện cho những trẻ em, những người phụ nữ.
Họ rất nổi tiếng. Bất cứ một đạo nào tu tại gia thì Chính phủ, công an không kiểm soát được, mà sau lưng Thiền am thì lại được cả triệu người yêu thích. Các quốc gia Cộng sản như Việt Nam không cho phép chuyện này được xảy ra.”
Tìm sự “lên tiếng” của quốc tế
Bà Đinh Ngọc Tuyết, Chủ tịch hội đồng quản trị BPSOS, chia sẻ rằng mỗi năm, phái đoàn Việt Nam cố gắng, bền bỉ tham gia vào Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế với mục đích là để cho cộng đồng quốc tế không quên vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với các tổ chức, chính phủ các nước tạo áp lực để Chính quyền Việt Nam buộc phải tôn trọng các hoạt động của các tổ chức tôn giáo độc lập. Bà Tuyết nói tiếp:
“Vận động cho Tự do tôn giáo là một con đường lâu dài. Sự nỗ lực của mình có thể chưa thấy được kết quả ngắn hạn, nhưng về tương lai lâu dài thì sẽ có.
Chẳng hạn như trong những năm mà mình bền bỉ vận động thì Chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua những dự luật như Magnitsky, để chế tài những người đàn áp tự do nhân quyền tại Việt Nam.”
Đến với Hội nghị lần này, bà Tuyết nhấn mạnh, ngoài vận động cho Việt Nam, bà còn muốn kết nối, hợp tác làm việc với nhiều tổ chức hoạt động về tôn giáo quốc tế. Từ đó, thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.
Có 70 tổ chức tham dự hội nghị năm nay, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng và giới chức lãnh đạo quốc tế như Chủ tịch Quốc hội Đài loan, Thủ tướng Cộng hoà Slovakia, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm tin, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, lãnh đạo khối thiểu số trong Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, và nhiều lãnh đạo của các giáo hội khắp thế giới.
Đoàn Việt Nam có gần 30 nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam và hải ngoại tham gia hội nghị. Mục tiêu của họ là tiếp tục nêu lên những vấn đề vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền Việt Nam và trên hết là nỗ lực cho thế giới biết ở Việt Nam có tự do tôn giáo thực sự hay không…