7 tháng 2 2023
Quentin Sommerville ở Adana và Anna Foster ở khu vực Maras
BBC News
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng ở 10 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất bời trận động đất khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Ông Erdogan nói số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 3.549 người.
Hơn 1.6000 người được cho là đã thiệt mạng ở Syria.
Nhân viên cứu hộ chạy đua với thời gian trong điều kiện mưa lớn và tuyết để tìm kiếm những người còn sống sót sau trận động đất lớn ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 5000 người đã thiệt mạng và 15.000 người bị thương ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria khi động đất xảy ra vào rạng sáng thứ Hai.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo con số thương vong sẽ tăng rất cao khi các nhân viên cứu trợ tìm thấy thêm nhiều nạn nhân.
Ở thành phố Adana, máy móc hạng nặng làm việc thâu đêm, khi đèn chiếu vào các tòa nhà bị sập và những khối bê tông chồng chất.
Thi thoảng, công tác cứu trợ tạm ngưng và tiếng kêu “Allahu Akbar” (Lạy thánh Alla) vang lên khi một người sống sót được tìm thấy, hoặc khi thi thể ai đó bị phát hiện.
Thành phố Adana giờ đây đầy người vô gia cư – những người đã mất nhà cửa và những người không dám về nhà vì lo sợ lại có dư chấn xảy ra.
Có người chạy mà không kịp đi giầy, mang áo khoác hay ổ sạc điện thoại. Trong vài ngày tới, dự báo nhiệt độ sẽ xuống dưới âm độ C.
Trận động đất đầu tiên mạnh 7,8 độ Richter xảy ra vào sáng sớm ngày thứ Hai 06/02, gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khoảng 12 giờ sau, một trận động đất mạnh thứ hai xảy ra ở phía bắc, mạnh 7,5 độ Richter, tâm chấn ở quận Elbistan, tỉnh Kahramanmaras.
Sáng thứ Ba, trên đường cao tốc chính vào thành phố Maras, gần tâm điểm của động đất, giao thông tắc nghẽn, dù chưa nhiều nhân viên cứu hộ tới được khu vực này.
Một đội cứu hộ và tìm kiếm đang trên đường vào Maras, xe của họ đầy các thiết bị chuyên dụng và đồ tiếp tế, cho BBC biết họ rất sốt ruột bắt tay vào tìm người còn sống, nhưng họ không lường được mức độ hủy hoại mà họ chứng kiến khi tới nơi.
Trên toàn quốc, 8.000 người đã được cứu từ hơn 4.700 tòa nhà bị sập, Cơ quan Quản lý Tai họa và Tình trạng Khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ nói trong thông cáo mới nhất.
Khi các đợt dư chấn tiếp tục xảy ra, những người cứu hộ ở một số khu vực dùng tay đào bới trong đống đổ nát. Nhưng điều kiện thời tiết giá lạnh cản trở các nỗ lực tìm kiếm.
Ở tỉnh Hatay, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Reuters đưa tin có tiếng một phụ nữ kêu cứu từ dưới đống đổ nát.
“Họ kêu cứu, nhưng không có ai tới giúp,” một người dân địa phương có tên Deniz vừa kể vừa khóc.
\”Chúng tôi đau khổ lắm, đau khổ lắm. Trời ạ…Họ kêu cứu. Họ nói, ‘Cứu chúng tôi’, nhưng chúng tôi không cứu được họ. Làm sao chúng tôi cứu được họ? Không có ai tới từ sáng nay.”
Ở Hatay, cầu thủ bóng đá Christian Atsu người Ghana – người từng thi đấu 107 trận cho CLB Newcastle – được đưa ra khỏi đống đổ nát và bị thương, người quản lý bầu của anh nói trên radio Thổ Nhĩ Kỳ.
Atsu hiện chơi cho CLB Hatayspor của Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc thể thao của CLB này, ông Taner Savut, hiện vẫn đang nằm dưới đống đổ nát, ông Özat cho biết.
Ở thành phố Osmaniye, gần tâm điểm động đất, mưa xối xả cản trở công tác cứu hộ. Toàn thành phố bị mất điện trong lúc trời ngày càng mưa nặng hạt và lạnh hơn.
Một gia đình cắm trại ngoài đường phố vì sợ có dư chấn giữa trời lạnh cóng.
Một chủ khách sạn ở thành phố cho BBC biết trong số 14 khách nghỉ đêm hôm đó, mới có 7 người được tìm thấy.
Các quốc gia trên thế giới tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ, gửi đến các đội chuyên gia cứu hộ, chó đánh hơi và thiết bị.
Nhưng động đất đã gây thiệt hại nặng tại ba sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây khó khăn cho việc phân phối đồ cứu trợ.
Ở Syria, ít nhất 1.600 người đã thiệt mạng. Sau khi gửi lời kêu gọi giúp đỡ tới cộng đồng quốc tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết 45 quốc gia đã xung phong hỗ trợ.
Liên hiệp Châu Âu cử các đội tìm kiếm và cứu trợ, các nhân viên cứu hộ từ Hà Lan và Romania đã lên đường. Anh Quốc nói họ sẽ cử 76 chuyên gia cùng thiết bị và và chó cứu hộ.
Pháp, Đức, Israel và Mỹ cũng cam kết hỗ trợ. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Iran đều đề nghị sẽ giúp cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong một trong những khu vực hay xảy ra động đất nhất trên thế giới.
Năm 1999, một trận động đất mạnh ở vùng tây bắc làm hơn 17.000 người thiệt mạng, trong khi năm 1939, hơn 33.000 người đã chết ở tỉnh Erzincan, nằm phía Nam.
Trận động đất này mạnh đến mức các nơi ở xa như đảo Síp, Lebanon và Israel cũng thấy có rung lắc nhẹ.