Phương Tây trước áp lực đáp ứng nhu cầu vũ khí đạn dược cho Ukraina

Đăng ngày: 14/02/2023

\"\"
\"\"
Lính Ukraina lắp vũ khí vào một trực thăng tại căn cứ quân sự của Ukraina ở vùng Kherson ngày 08/01/2023. AP – LIBKOS

Anh Vũ

Giữa lúc mặt trận miền đông Ukraina đang tiếp diễn ngày thêm khốc liệt và khả năng Nga mở các đợt tấn công vào mùa xuân đang đến gần, thì xuất hiện câu hỏi: quân đội Ukraina liệu có đủ đạn dược để tiếp tục cuộc chiến ? Vấn đề cấp bách được đặt ra như vậy sau khi tổng thư ký khối NATO cảnh báo về tình trạng nhịp độ sản xuất vũ khí đạn dược của các nước trong Liên Minh không theo kịp mức độ tiêu thụ của Ukraina. 

Nền công nghiệp quốc phòng của các nước phương Tây giờ phải lao vào cuộc chạy đua với thời gian để đủ cung ứng đạn dược cho Ukraina.

Một ngày trước cuộc họp hôm nay (14/03) của các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương để bàn về việc tăng tốc độ sản xuất và cung cấp vũ khí đạn dược giúp Ukraina kháng cự với đợt tấn công lớn sắp tới của Nga, tổng thư ký Jens Stoltenberg công khai nêu ra những thách thức đối với ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây về cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, nơi đặt trụ sở của NATO, cho biết chi tiết:

Theo ông Jens Stoltenberg, quân đội Ukraina tiêu thụ đạn dược nhiều hơn cả khả năng sản xuất của công nghiệp quân sự châu Âu và Mỹ. Các nước đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraina vẫn còn dự trữ, nhưng bây giờ các tập đoàn công nghiệp hiểu rằng họ sẽ có nhiều đơn đặt hàng và hợp đồng lớn về lâu dài và từ giờ họ đã có thể tăng tốc độ sản xuất và đầu tư, theo xác nhận của một nước thành viên NATO.

Còn theo tổng thư ký NATO, vấn đề càng trở nên cấp bách khi mà cuộc tấn công mùa xuân của quân đội Nga trên thực tế đã bắt đầu. Ông Jens Stoltenberg nói : « Việc Nga làm bây giờ là đưa hàng nghìn, hàng nghìn quân bổ sung, chấp nhận tỷ lệ tổn thất rất cao và chịu thiệt hại nặng nề nhằm tạo áp lực với Ukraina. Những thiếu hụt về chất lượng được Nga cố gắng bù lại bằng số lượng. Phải khẩn cấp trang bị thêm vũ khí cho Ukraina. Chúng ta giao vũ khí, đạn dược, các phụ tùng thay thế, nhiên liệu cho mặt trận Ukraina càng nhanh thì chúng ta càng cứu thêm được nhân mạng và củng cố tốt hơn nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này »

Các nước NATO cũng sẽ dần dần đào tạo binh sĩ Ukraina để họ bỏ thói quen từ thời Liên Xô dùng đạn dược không tiếc tay. 

Một cuộc chiến tranh cường độ cao và kéo dài gần tròn một năm như ở Ukraina ngốn một lượng khí tài đạn dược rất lớn. Chưa có con số thông kê chính xác nào, nhưng theo một nguồn tin quân sự của Pháp được AFP trích dẫn, trong tháng 7 năm ngoái, mỗi ngày quân Nga có thể đã bắn 50 nghìn quả đạn pháo, trong khi đó con số của phía Ukraina là 6000 đầu đạn. Mức tiêu thụ đạn của Ukraina tăng vọt kể từ khi họ mở các đợt phản công cuối tháng 8. Quân đội Ukraina sẽ còn cần hỏa lực lớn hơn gấp nhiều lần để có chống lại các cuộc tấn công của Nga trong những tuần tới.

Từ đầu cuộc chiến tranh đến nay, người ta đã thấy các lãnh đạo Ukraina luôn đề nghị các đồng minh cũng cấp thêm vũ khí đạn dược. Các nước phương Tây cũng đã cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Kiev, nhưng dường như khả năng cũng bắt đầu tới gần giới hạn.

Riêng Hoa Kỳ đã cấp cho quân đội Ukraina hơn 1600 tên lửa phòng không Stinger, hơn 8500 tên lửa chống tăng Javelin, theo con số của bộ Ngoại Giao Mỹ. Con số này tương đương với sản lượng tên lửa Javelin trong 5 năm và Stinger trong 13 năm, như xác nhận hồi tháng 12 vừa qua của ông Greg Hayes, lãnh đạo tập đoàn chế tạo vũ khí Mỹ Raytheon. Để có thêm đạn dược cho Ukraina, tập đoàn này đã phải hợp tác để tăng sản lượng tên lửa Javelin lên 400 quả mỗi tháng. 

Một thí dụ khác: Tập đoàn Nexter của Pháp, có sản lượng hàng năm khoảng vài chục nghìn đạn pháo 155 mm, cũng đang gần như chạy hết công suất, theo một quan chức cao cấp quốc phòng Pháp.

Từ sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ cách đây 3 thập kỷ, các nước phương Tây đều cắt giảm chi tiêu quốc phòng, ưu tiên cho phát triển kinh tế thời hậu chiến tranh lạnh. Các ngành công nghiệp chiến tranh ở các nước phương Tây chỉ còn hoạt động cầm chừng, bảo đảm khả năng phòng thủ tối thiểu, hoặc phục vụ mục đích thương mại cho những cuộc xung đột nhỏ lẻ ở nơi này hay nơi khác. 

Cuộc xung đột ở Ukraina có quy mô hoàn toàn khác. Chuyên gia William Alberque, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, khẳng định : « Ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta (phương Tây) về đạn dược, hỗ trợ hậu cần, đào tạo tổng thể không đáp ứng được » với thách thức hiện nay. Ông nhấn mạnh phương Tây có kế hoạch «  không chỉ cho Ukraina mà còn cho các vấn đề trong tương lai như Đài Loan và nhiều cuộc chiến tranh khác có khả năng xảy ra ».

Không lâu sau khi chiến tranh Ukraina nổ ra, tổng thống Pháp đã nêu vấn đề khởi động nền kinh tế chiến tranh. Nhưng điều này không hề khả thi với Pháp cũng như với các nước châu Âu khác, khi mà kinh tế thời bình cũng đang lao đao sau liên tiếp khủng hoảng dịch và lạm phát.

Việc Ukraina rơi vào tình trạng khan hiếm đạn dược đã được báo trước. Các bộ trưởng Quốc Phòng của NATO họp ngày hôm nay sẽ phải tìm ra giải pháp tiếp viện đạn dược cho Kiev, ít ra là trước mắt. Cuộc chiến tranh hao mòn tại Ukraina giờ đang mở ra một mặt trận mới cho phương Tây: cung cấp vũ khí đạn dược cho Kiev. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment