Một năm chiến tranh Ukraina : Nước Nga và nghịch lý mang tên Vladimir Putin

Đăng ngày: 18/02/2023

\"\"
\"\"
Từ dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, ngày 17/02/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự trực tuyến một sự kiện đánh dấu 30 năm thành lập tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom. AP – Mikhail Metzel

Thùy Dương

Báo L’Express ra số đặc biệt « Một năm chiến tranh » : Trên nền trang nhất màu cờ Ukraina xanh – vàng, với hình bàn tay nắm chặt và cánh tay giơ cao, là hàng tựa ngắn ngọn « Ukraina phải chiến thắng ». L’Obs tự nhủ « Kỷ nguyên chiến tranh : Sau 1 năm, cuộc xung đột Ukraina đi về đâu ? ». Le Point trên trang nhất cũng đặt câu hỏi « Ukraina : Điều tồi tệ sắp xảy ra ? » và nhận định vũ khí có thể làm thay đổi tất cả

8 kịch bản chiến tranh

Khác với L’Express và L’Obs, không dành số đặc biệt với 40-50 trang mỗi báo cho hồ sơ chiến tranh Ukraina, Le Point quan tâm đến nhiều chủ đề dàn trải : cải tổ hưu trí ở Pháp, thành tích của tổng thống Biden đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, « một Putin mà chúng ta không muốn thấy », hiện tượng chemsex – sử dụng ma túy trong khi quan hệ tình dục, xu hướng không muốn đi máy bay ở giới trẻ …

Tuy nhiên, chiến tranh Ukraina cũng vẫn là một đề tài được đề cập đến như trong gần 1 năm qua. Đối với Le Point, chiến tranh chưa bao giờ là một môn khoa học chính xác. Bước sang năm thứ hai, cuộc chiến sẽ ra sao ? Le Point giới thiệu 8 kịch bản chiến tranh theo quan điểm của nhà báo chuyên về quân sự, Jean Guisnel.

Kịch bản 1 : Nga chiến thắng. Đó là kịch bản tồi tệ nhất dành cho Ukraina và khoảng 40 nước châu Âu và Mỹ. Putin chưa từng công khai các mục tiêu cuộc chiến mà ông đơn phương phát động, thế nhưng trong các bài phát biểu, ông ta vẫn xác định các mục tiêu của mình, chẳng hạn « phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraina để người dân Ukraina sau khi thoát khỏi ách áp bức này có thể tự do lựa chọn tương lai », « bảo đảm an ninh cho người dân của chúng tôi », giành chiến thắng cho « nước Nga lịch sử vĩ đại » và « quốc gia Ukraina không tồn tại ». Binh sĩ được huấn luyện kém, trang bị kém, chỉ huy yếu kém, thiếu hụt về chiến thuật, quân đội Nga cho đến nay vẫn chưa chinh phục được Kiev.

Nhưng trái lại, Nga cũng có nhiều ưu thế về chiến lược, cơ sở công nghiệp, vũ khí tầm xa, cộng thêm vào đó là sự coi thường sinh mạng binh sĩ. Quân đội Nga cũng không từ thủ đoạn tàn ác tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự. Tất cả những điều đó có thể giúp Putin thành công. Rất nhiều chuyên gia đã đưa ra những giả thuyết trái ngược nhau, dự đoán về khả năng Nga tấn công qua ngả Belarus, mở những cuộc tấn công mới về miền nam Ukraina … Chỉ có điều là không ai biết trong đầu Putin đang nghĩ gì.

Kịch bản 2 : Ukraina chiến thắng, giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimée, như theo mục tiêu duy nhất của Kiev từ trước tới nay. Theo tương quan lực lượng hiện giờ, hy vọng này có khó cơ hội thành hiện thực. Để quét sạch quân Nga khỏi bờ cõi, Ukraina cần nhiều hơn những gì mà NATO và các đồng minh đang cung cấp. Mặt khác, theo một vị tướng Pháp, Crimée là lằn ranh đỏ thực sự đối với Nga và đó là trường hợp duy nhất dẫn đến nguy cơ Nga dùng vũ khí hạt nhân.

Kịch bản 3 : Giống Nam – Bắc Triều Tiên. Đối với cả Matxcơva Kiev, miền đông Ukraina và Crimée là không thể thương lượng được. Không bên nào nhượng bộ bên nào, đôi bên không đi đến thỏa thuận. Không có thỏa ước hòa bình, nhưng cũng sẽ không còn chiến tranh, cho đến khi xung đột lại bùng phát.

Kịch bản 4 : Châu Âu buông tay. Trừ Hungary, cả Liên Âu và Anh Quốc đều rất ủng hộ Kiev, bởi họ ý thức đuợc rằng sự an toàn của châu Âu và sự đáng tin cậy của NATO đều phụ thuộc vào đó. Thế nhưng, tại các nước dân chủ đang dấy lên những mối lo ngại về chi phí viện trợ quân sự, giá cả năng lượng, lạm phát và những hệ lụy khác của chiến tranh, đặc biệt là nỗi sợ vũ khí hạt nhân của Nga. Công luận châu Âu quay lưng lại với Ukraina là không phải là điều không thể. Và Kiev cũng hiểu điều đó.

Kịch bản 5 : Mỹ buông tay. Nếu chiến tranh kéo dài, sự ủng hộ của công luận đối với chính sách viện trợ của Biden có thể bị xói mòn. Hồi tháng 12/2022, chỉ còn có 48% người Mỹ ủng hộ việc duy trì viện trợ Kiev, tỉ lệ này giảm 10% so với 6 tháng trước đó. Đấy là chưa kể nhiều người Mỹ cho rằng Ukraina không phải nước dân chủ, không đáp ứng các chuẩn mực Mỹ, thậm chí còn là chế độ chuyên chế. Và ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2024 ?

Kịch bản 6 : Tây phương tăng cường viện trợ ? Cho tới nay, các vũ khí mà Mỹ, châu Âu, NATO và các đồng minh viện trợ cho Kiev đã giúp ngăn cản đà tiến của quân Nga, nhưng chưa cho thấy là có khả năng đẩy lui quân Nga ra khỏi đường biên giới chính thức của Ukraina. Sau rất nhiều đề xuất, Zelensky cũng chưa thể hy vọng gì thêm về vũ khí, bởi các nước đồng minh vẫn lo ngại các loại vũ khí của họ chạm đến lãnh thổ Nga. Viện trợ đủ mạnh để đảo ngược thế trận, giúp Ukraina giành lại toàn bộ chủ quyền đồng nghĩa với việc phương Tây sẽ phải ồ ạt điều bộ binh và không quân, thiết bị hạng nặng, tên lửa thông thường … Trong tương lai gần, điều này là không tưởng.

Kịch bản 7 : Nga làm Tây phương bất ổn. Chỉ cần Nga sử dụng lại các phương pháp thời Chiến Tranh Lạnh, điều phối từ xa các nhóm khủng bố thông qua các cơ quan mật vụ hoặc các chế độ ở Trung Đông, là đủ. Hiện nay, Matxcơva có thể dựa vào Iran, Herbollah hoặc các lực lượng dân quân của Wagner ở các nước châu Phi và Syria. Putin đã cho tiến hành các vụ ám sát chính trị cả trong và ngoài nước. Ông ta có phương tiện tổ chức một cuộc chiến tranh bí mật chống lại các nước dân chủ châu Âu. 

Kịch bản 8 : Đệ Tam Thế Chiến. Đây sẽ là kịch bản khủng khiếp nhất, chẳng hạn khi NATO tiến quân ủng hộ các nước vùng Baltic hoặc Rumani, bởi chính những nước gần Nga và Ukraina là nơi tình hình dễ có nguy cơ xấu đi nhất.

Kỷ nguyên chiến tranh

Tương tự Le Point, L’Obs cũng có bài nói đến các kịch bản cho một cuộc xung đột dài. Trong số 4 kịch bản được nêu lên, dù là Nga hay Ukraina thắng, dù các cuộc thương lượng được mở ra hay xung đột leo thang, theo L’Obs, điều chắc chắn là về ngắn hạn chưa có một giải pháp nào cho phép chấm dứt chiến tranh Ukraina.

Một năm chiến tranh Ukraina đối với L’Obs dài bằng nhiều thế kỷ, tàn phá đất nước Ukraina và làm đảo lộn thế giới. Trong khi đó, phe bên kia, nước Nga, theo L’Obs, vẫn chưa bị suy yếu. Bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga vẫn chưa bị « tàn phá », GDP năm 2022 chỉ giảm bớt 2,2%, theo số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Kho đạn pháo của Nga dường như vô tận.

Và cuộc khủng hoảng Ukraina cho thấy phương Tây đã đánh mất quyền bá chủ đến mức nào. Phần lớn các nước châu Phi và châu Mỹ Latinh vẫn từ chối lên án Matxcơva. Ngoài Nga, ba cường quốc khác hiện giờ đang tìm cách áp đặt một trò chơi trên thế giới và tạo thành một mối đe dọa mới đối với an ninh quốc tế. Đó là Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. L’Obs lưu ý thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của chiến tranh.

Cũ và mới : Hai mặt của cùng một cuộc chiến

Nhìn sang L’Express, bên cạnh lời kêu gọi « Đừng để Ukraina sụp đổ » và hàng loạt bài nói về « Tăng cường trừng phạt phát huy tác dụng chống Nga », « Lời hứa của Liên Âu », « Nước Pháp trong cuộc chiến », « Trên mạng xã hội, ưu thế thuộc về Kiev », « Ukraina của ngày mai : một đất nước cần được xây dựng lại », « Cuộc vây dồn để chặn nguồn tiền của Nga đã bắt đầu », « Chiến tranh đã làm NATO hồi sinh ra sao ? » … L’Express phân tích hai mặt mới – cũ trong chiến tranh Ukraina. Như chúng ta đã thấy, công nghệ cao, cả trong dân sự và quân sự, giữ một vai trò quyết định trong chiến tranh. Ukraina đã biết cách khai thác sức mạnh của các công cụ công nghệ số, cả của nước ngoài và trong nước để đối phó với các lực lượng Nga, vốn mạnh hơn nhưng lại ít khéo léo hơn.

Chiến tranh Ukraina đã cho thế giới thấy các phương tiện công nghệ số, đặc biệt các thiết bị thu thập và xử lý thông tin quan trọng đến thế nào. Cũng không thể không nói tới drone. L’Express trích dẫn một số chuyên gia quốc phòng, theo đó, để tồn tại trong những cuộc xung đột kiểu này, mọi đơn vị bộ binh đều cần được trang bị drone. Vấn đề là phải có số lượng lớn, bởi trung bình các drone chỉ có thể bay 3-6 chuyến. Thách thức cho các cuộc xung đột trong tương lai là phải tìm ra các giải pháp công nghiệp mới để chế tạo drone số lượng lớn và giá rẻ.

Tuy nhiên, trong bài viết « Một cuộc xung đột cũ và mới », L’Express nhấn mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ của kết nối mạng, vệ tinh, drone, thì cách tốt nhất để lính bộ binh được an toàn trước đạn pháo của quân thù là họ phải biết cách đào hào trú ẩn. Đó là kinh nghiệm căn bản và sẽ không bao giờ thay đổi. Chiến tranh Ukraina cho thấy binh lính Nga và Ukraina, bất kể thời tiết, bùn lầy hay mưa tuyết, đều phải bám trụ nhiều tuần lễ, không được tắm giặt, trang phục bốc mùi hôi hám … Chính vì thế, khi huấn luyện, cần tập luyện lại cho binh lính quen với cách chống chọi với những điều kiện gian khổ, không đạn dược, không tiếp viện, không bác sĩ, không được chữa trị khi bị thương … Chiến trường không giống như ở các căn cứ quân sự của Mỹ, với các nhà hàng McDo, tiệm pizza, quán xá, binh sĩ chỉ bị thương nhẹ là sẽ được trực thăng giải cứu rồi được đưa ngay về Mỹ.

Không phải Trump mà là Biden đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại ?

Liên quan tới Mỹ, cây bút xã luận Nicolas Baverez của Le Point trong bài « Joe Biden : ‘Nước Mỹ vĩ đại trở lại’ » nhận định cuộc chiến Ukraina đã làm thay đổi mọi chuyện, đưa Hoa Kỳ trở thành nước đại thắng trong trật tự thế giới mới với đặc trưng là sự đối đầu giữa các nền dân chủ và chế độ độc tài, cũng như với sự bùng nổ về toàn cầu hóa. Đối mặt với các cú sốc – đại dịch Covid-19, chiến tranh Ukraina, sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, biến đổi khí hậu, Joe Biden đã biết xác định đáp án và thực hiện hiệu quả, gióng hồi chuông để nước Mỹ tỉnh giấc.

Trong khi châu Âu bị tê liệt trước cuộc tấn công hung hãn của Nga, cuộc chiến đánh dấu sự chấm dứt ảo tưởng của châu Âu về nền hòa bình vĩnh cửu và chứng tỏ châu Âu dễ bị tổn thương, Mỹ đã triển khai một chiến lược hợp lý và khôn ngoan. Viện trợ tài chính và quân sự (25 tỷ đô la) cho Kiev và sự hỗ trợ về tình báo cho quân đội Ukraina đã góp phần làm thất bại ý đồ của Vladimir Putin, đẩy Matxcơva vào « ngõ cụt » quân sự và chính trị, mà vẫn kiểm soát được nguy cơ xung đột leo thang.

Dù kết quả thế nào, thì theo cây bút xã luận của Le Point, Nga cũng sẽ bị suy yếu sau cuộc xung đột. Và đó cũng là một tín hiệu gửi tới Trung Quốc, đi cùng với việc thể hiện thái độ cứng rắn, quyết tâm của Mỹ bảo vệ Đài Loan và trong việc đưa ra các quyết định, như vụ bắn phá khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Hoa Kỳ hiện giờ thực sự đang có cơ hội để duy trì vị trí dẫn đầu về kinh tế và công nghệ vào năm 2050. Tuy nhiên, cây bút xã luận Nicolas Baverez lưu ý sự phục hồi của Hoa Kỳ vẫn rất mong manh vì khủng hoảng nội bộ gây chia rẽ xã hội và đe dọa nền dân chủ, với sự bùng nổ bạo lực do bất bình đẳng ngày càng tăng …

Joe Biden đã khôi phục quyền lực và uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, cho thấy phương Tây không hẳn đã suy thoái, Hoa Kỳ vẫn có thể duy trì vai trò lãnh đạo phương Tây khi phải đối mặt với Trung Quốc, nhưng đáng tiếc là ngay trong nước, Biden vẫn chưa đoàn kết được người Mỹ.

Châu Âu : Bên đại bại trong chiến tranh Ukraina

Cũng sử gia, cây bút xã luận Nicolas Baverez, khi trả lời phỏng vấn của báo L’Express, đã khẳng định : « Châu Âu là bên đại bại nhất trong cuộc chiến tranh này ».

Đối với Nicolas Baverez, cuộc chiến Putin phát động không chỉ là chiến tranh cường độ cao ở Ukraina mà còn là cuộc chiến tổng hợp chống lại châu Âu. Và châu Âu rất dễ bị tổn thương, bởi đang ở tuyến đầu chống lại nước Nga của Vladimir Putin. Về kinh tế, cú sốc năng lượng gây ra thiệt hại 3-3,5% GDP của châu Âu, tương đương với cú sốc dầu mỏ hồi những năm 1970. Về tài chính, nhiều nước lâm cảnh nợ nần quá nhiều, trong đó có Pháp, với mức nợ hơn 3.000 tỷ euro.

Về xã hội, tầng lớp trung lưu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và giá năng lượng tăng bùng phát, khiến mức sống suy giảm và tạo cơ hội cho chủ nghĩa dân túy phát triển. Về mặt quân sự, châu Âu như bị Nga tước vũ khí và không còn cách nào khác ngoài việc trông cậy vào Mỹ, trong khi phải tiếp nhận hơn 8 triệu người tị nạn Ukraina.

Mô hình dựa trên sự lệ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, hàng hóa thiết yếu của Trung Quốc, công nghệ và sự bảo đảm an ninh của Mỹ, đã lỗi thời. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, châu Âu nghĩ rằng chiến tranh là không thể, hòa bình là vĩnh viễn, thế nhưng tất cả đã sụp đổ vào ngày 24/02/2022, khi Putin điều quân xâm lược Ukraina.

Giờ đây, vấn đề cơ bản đối với châu Âu là phải xác định lại mình với tư cách là một diễn viên chứ không phải chỉ là khán giả của lịch sử thế kỷ 21, cả về chính trị và kinh tế. Châu Âu phải tập trung nỗ lực vào một số lĩnh vực chiến lược để bảo đảm chủ quyền về năng lượng, y tế, nông nghiệp, công nghệ và vũ khí, đồng thời phải biết khai thác giá trị và bảo vệ ưu thế của mình : thị trường rộng lớn, đồng euro, và Nhà nước pháp quyền châu Âu.

Putin : Gây chiến để củng cố vị thế trong nước ?

Về nước Nga, báo L’Obs nói đến « Ảnh hưởng của hệ thống Putin ». Nghịch lý là cuộc tấn công xâm lược Ukraina lại giúp cho ông chủ điện Kremlin củng cố chế độ độc tài. Trên chiến trường Ukraina, mọi chuyện diễn ra với quân Nga tệ hơn Putin có thể tưởng tượng rất nhiều. Thế nhưng, ngay trong nước, ông ta lại gặt hái một thành công lớn : Mặc dù đã đột ngột đẩy nước Nga chìm trong cảnh bất định, trong khi chính Putin từng là biểu tượng cho 23 năm ổn định của đất nước, thế nhưng ông ta vẫn bảo toàn được vị trí.

Putin đã biết sử dụng cuộc chiến để củng cố vị thế trước giới tinh hoa đang bị tê liệt vì cú sốc khủng hoảng, bằng cách áp đặt một kiểu thiết quân luật chính trị. Trong lúc đang có chiến tranh, đất nước đang phải chịu đựng, làm sao có thể đặt vấn đề về việc thay lãnh đạo quốc gia. Và thế là Putin vẫn là giải pháp duy nhất, là người duy nhất có thể xử lý cuộc khủng hoảng do chính ông ta gây ra.

Trong phe đối lập hoặc trong giới quan sát Nga, một số người cho rằng đó chính là một trong những mục tiêu được giấu kín của Putin. Ông ta muốn dùng cuộc xâm lược Ukraina để củng cố quyền lực và duy trì vị thế trong nước. Nhiều báo cáo cho thấy sự bất mãn lan rộng ở giới doanh nhân, ngoại giao, các nhà kỹ trị ở điện Kremlin …, nhưng chưa bao giờ trở thành mối đe dọa lớn đối với Putin.

L’Obs trích dẫn nhiều nhà quan sát cho thấy chưa ghi nhận tín hiệu gì cho thấy trong ngắn hạn sẽ có đảo chính hay sự thay đổi chế độ ở Matxcơva. Vũ lực, trấn áp tuyệt đối vẫn là bệ đỡ cho Putin. Các lực lượng an ninh : mật vụ, cảnh sát, hiến binh … vẫn trung thành với tổng thống Nga. Ông ta nuôi những đội quân nhiều chưa từng có này với nguồn ngân sách và chế độ lương nhiều ưu đãi. Vì thế, họ chẳng có lợi lộc gì nếu Putin bị lật đổ.

Trung Quốc : « Cuộc cạnh tranh chiến lược » của Mỹ không có tương lai

Khác với nhiều báo khác, tuần này trên Courrier International không có nhiều chỗ cho chiến tranh Ukraina. Trái lại, ChatGPT, vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hai hồ sơ lớn thu hút nhiều sự chú ý của tuần báo Pháp Courrier International.

Về quan hệ Mỹ-Trung, Courrier Intrnational tổng hợp các bài viết trên nhiều tờ báo quốc tế về « cuộc chiến vật thể bay lạ ». Courrier Intrnationnal cũng giới thiệu một bài viết của Chu Phong (Zhu Feng), giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, trên Hoàn Cầu Thời Báo. Theo tác giả, Mỹ đang tập hợp các đồng minh quanh chiến lược chống lại Trung Quốc, thế nhưng, Bắc Kinh từ chối đối đầu trực tiếp và không tham gia trò chơi này. Đối với Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách áp đặt cuộc cạnh tranh chiến lược không chỉ với Bắc Kinh mà còn với cả thế giới.

Hồi năm 2019, trong báo cáo đầu tiên bộ về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, bộ Quốc Phòng Mỹ định nghĩa cạnh tranh chiến lược là cuộc đối đầu địa chiến lược giữa các Nhà nước tự do và các Nhà nước chuyền quyền có những mục tiêu hoàn toàn khác nhau về việc xây dựng trật tự thế giới. Nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định Trung Quốc không phải đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ và Bắc Kinh bác bỏ khái niệm của Mỹ – Nhật về cạnh tranh chiến lược. Theo tác giả Chu Phong, thế giới sẽ không chấp nhận việc Mỹ đặt những đòi hỏi địa chính trị mà ông tac xem là bướng bỉnh, nhỏ mọn lên trên những vấn đề kinh tế chính trị hiện nay của thế giới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment