Đó là một trong những lầm lẫn rất tai hại và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Người Việt chúng ta có khái niệm ‘Tổ quốc’ rất đáng học. Nó không hẳn có nghĩa đơn giản như ‘motherland’ hay ‘fatherland’ trong tiếng Anh. Tổ quốc, theo cách chúng ta hiểu, là đất nước do tổ tiên để lại. Nhưng không đơn giản là ‘đất nước’ mà còn là sự gắn bó tình cảm, một loại tình cảm thiêng liêng khó mô tả bằng lời (giống như cảm giác bước chân tới Phú Thọ, Đền Vua Hùng vậy). Tôi có thể nói quê hương thứ hai là Úc, nhưng tổ quốc là Việt Nam. Tôi có sự gắn bó tình cảm thiêng liêng với Việt Nam, nhưng loại tình cảm đó không có đối với Úc. Do đó, tổ quốc không chỉ là địa lí (physical) mà còn bao hàm ý nghĩa tinh thần (spiritual).
Chế độ chánh trị (political regime) là tập hợp những triết lí, qui tắc, chuẩn mực chánh trị đằng sau sự hoạt động của một chánh phủ. Ở Úc tôi, hai đảng Liberal và Lao động có những suy nghĩ khác nhau và theo đuổi những lí tưởng khác nhau. Một đảng là bảo thủ (không hẳn là xấu), một đảng là cấp tiến (không hẳn là tốt). Họ luân phiên lập chánh phủ điều hành đất nước Úc.
Nói ra cũng thừa, nhưng vẫn cần phải nói trong bối cảnh hiện nay: Chế độ chánh trị không phải là tổ quốc. Chế độ chánh trị đến rồi đi, tổ quốc là do tổ tiên để lại và vĩnh viễn. Việt Nam ta đã trải qua những triều đại Đinh, Lê, Lý Trần, Nguyễn. Đâu có ai nói mấy triều đại đó là ‘Tổ quốc’; họ chỉ là những chánh phủ điều hành đất nước. Như là một qui luật phổ quát, các triều đại đến rồi đi, không có triều đại nào tồn tại vĩnh viễn. Tổ quốc cao hơn chế độ chánh trị.
Một điều đáng quan tâm là nhiều người, kể cả quan chức, xem chế độ chánh trị là tổ quốc. Đó là sai lầm của người ít suy nghĩ thì còn hiểu được, nhưng sai lầm của quan chức cao cấp thì đáng ngạc nhiên. Lại có người biết phân biệt sự khác biệt giữa hai thực thể đó, nhưng họ vẫn cố tình lập lờ để cho giới trẻ đánh đồng chế độ chánh trị với tổ quốc là một. Đó là một sự nhồi sọ, và nạn nhân bị nhồi sọ lầm tưởng rằng chế độ là tổ quốc. Từ sự lầm lãn đó, họ có những phản ứng phi lí trí: hễ ai có suy nghĩ khác chánh phủ là họ chụp cái nón ‘phản bội tổ quốc’. Tuy cách chụp mũ rất thô thiển, nhưng nó đủ mạnh để huy động những đám đông cuồng nộ.
Lại nhớ chuyện cũ về hai vị Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Chuyện kể rằng ông HCM muốn mời ông NĐD tham chánh trong một chánh phủ liên hiệp, nhưng ông NĐD không chịu. Tại sao? Tại vì ông ấy “sẽ vẫn tiếp tục chống Pháp nhưng không thể đi với Việt Minh”. Khi viên đại sứ Ba Lan hỏi ông HCM về quan điểm đó, ông nói “Ông ấy yêu nước theo cách của ông ấy”. Đó là một thái độ dung nạp vậy. Đâu có ai nói ông NĐD ‘phản bội tổ quốc’.
Có thể nói mà không sợ sai rằng: người Việt Nam — bất kể theo thể chế nào — cũng yêu tổ quốc. Cáo buộc \’phản quốc\’ đối với những người không theo thể chế mình theo đuổi (hay tôn thờ) là thật sự vô tri vậy.
Tóm lại, dong dài một chút như trên chỉ để nói rằng thể chế, kể cả thể chế chánh trị, không phải là tổ quốc. Tổ quốc là vĩnh viễn, còn thể chế chỉ tạm thời.
Tổ quốc cao hơn thể chế. Tổ quốc dung nạp những người có quan điểm khác nhau. Do đó, đánh đồng thể chế với tổ quốc là một điều rất sai lệch và cần phải chấm dứt.
Trần Quốc Kim