Bộ trưởng Tài Chính G7 họp bàn về loạt trừng phạt mới đối với Nga

Đăng ngày: 23/02/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa : Một hội nghị của khối G7. © AP

Thu Hằng

Một ngày trước thời điểm đánh dấu một năm Nga gây chiến ở Ukraina, bộ trưởng Tài Chính của nhóm G7, quy tụ bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới, bàn về loạt trừng phạt mới đối với Matxcơva. Cuộc họp diễn ra ngày 23/02/2023 tại Bangalore, miền nam Ấn Độ, bên lề hội nghị các bộ trưởng Tài Chính G20 và lãnh đạo các ngân hàng trung ương.

Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga đã « mang lại hiệu quả » và « làm giảm gần một nửa thu nhập từ dầu lửa của Nga ». Theo ông, « các biện pháp trừng phạt là một vũ khí lâu dài, nên cần được duy trì và tăng cường ».

Phía Mỹ có chung quan điểm với Pháp. Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề chính trị Victoria Nuland khẳng định là Washington và « các đối tác G7 » dự kiến thông báo « một loạt trừng phạt mới » vào khoảng ngày 24/02. Tuy nhiên, một nguồn tin từ bộ Tài Chính Đức, được AFP trích dẫn, cho biết  ít có khả năng một quyết định như vậy được đưa ra trong cuộc họp này.

G20 bàn áp thuế tối thiểu 15% với các đại tập đoàn

Cuộc họp các bộ trưởng Tài Chính G7 diễn ra trước cuộc họp G20 ngày 24 và 25/02, mà Nga chưa xác nhận tham dự. Mọi cuộc thảo luận về Ukraina được cho là khá tế nhị đối với Ấn Độ, nước chưa bao giờ lên án Nga xâm lược. Cuộc họp G20 tập trung vào vấn đề áp mức thuế tối thiểu 15% đối với các đại tập đoàn đa quốc gia và các công ty công nghệ số.

Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi tường trình :

« Cách đây hơn một năm, 140 nước thành viên và đối tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE đã ký một thỏa thuận bảo đảm sẽ đánh thuế tối thiểu 15% đối với các công ty nhằm chống gian lận thuế. Thỏa thuận này sẽ được thảo luận trong nhóm G20 và sẽ có hiệu lực tại Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2024.

Tuy nhiên, việc tìm ra được một đồng thuận về việc đánh thuế các đại tập đoàn công nghệ số, như Google hay Apple, lại khó hơn. Đây là điều mà bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Lemaire lấy làm tiếc :

« Hiện giờ, mọi thứ đều bị chững lại, nhất là do Mỹ, Ả Rập Xê Út và Ấn Độ. Pháp sẽ yêu cầu tháo dỡ bế tắc đó dựa trên điểm số 1, đó là thuế kỹ thuật số. Cơ hội thành công rất mong manh. Tôi nghĩ rằng điều này một lần nữa xác nhận chiến lược của Pháp, đó là áp thuế kỹ thuật số ở cấp quốc gia. Loại thuế này mang lại cho chúng tôi gần 700 triệu euro mỗi năm. Điều đó cũng thúc đẩy việc đánh thuế kỹ thuật số được mở rộng ở cấp độ châu Âu càng sớm càng tốt ».

Hiện nay, các đại tập đoàn kỹ thuật số này đặt trụ sở ở quốc gia châu Âu có mức thuế thấp nhất, nhờ vậy họ nộp thuế ít hơn hai lần so với những doanh nghiệp thông thường ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment