Nga – Trung Quốc, đối tác vững bền nhờ chiến tranh Ukraina ?

Đăng ngày: 07/03/2023

\"\"
\"\"
Tổng thống Nga Vladimir V.Putin (T) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 04/02/2022 : 20 ngày trước chiến tranh Ukraina. © ALEXEI DRUZHININ / AP

Thanh Hà

« Nằm trong chăn mới biết chăn có rận ». Từ một năm qua, Nga và Trung Quốc phô trương tình bạn « thắm thiết và vô bờ bến ». Phương Tây mong đợi trục Vladimir Putin -Tập Cận Bình « rạn nứt ». Về ngoại giao và kinh tế, đối tác Bắc Kinh – Matxcơva vẫn « vững như bàn thạch ». Nhưng sẽ là một sai lầm nếu coi đây là cơ hội để Trung Quốc lấn át Nga. 

Chiến tranh Ukraina thách thức đối tác Nga-Trung nhiều hơn người ta lầm tưởng. Chưa chắc xung đột Ukraina củng cố quan hệ giữa hai chế độ cùng tập trung quyền lực tại Bắc Kinh và Matxcơva. Trên đây là những điểm chính trong bài nghiên cứu mang tựa đề Đối tác Nga – Trung : những giả thuyết, huyền thoại và thực tế  –  The Sino Russian Partnership : Assumptions, Myths and Realities của nhà nghiên cứu Bobo Lo được đăng trên trang mạng  Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI.

Tác giả là một chuyên gia về quan hệ quốc tế người Úc gốc Hoa, cộng tác với viện IFRI của Pháp, Lowy Institute tại Sydney, với trung tâm nghiên cứu về chính sách châu Âu CEPA trụ sở tại Washington. Ông là tác giả nhiều công trình như : A Wary Embrace: What the China-Russia Relationship Means for the World (Penguin Australia, 2017); Russia and the New World Disorder (Brookings and Chatham House, 2015); Axis of Convenience: Moscow, Beijing and the New Geopolitics (Brookings and Chatham House, 2008)

Trong bài nghiên cứu hơn 30 trang tác giả chỉ ra rằng : tuyên bố của hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin hồi tháng 2/2022 về quan hệ « đối tác vô bờ bến » giữa Trung Quốc và Nga là đỉnh điểm của cả một quá trình ngoại giao từ đầu thập niên 1990 giữa hai quốc gia rộng lớn này. Bản tuyên bố công bố hơn một chục ngày trước khi Putin khởi động cuộc chiến Ukraina, nhấn mạnh rằng Matxcơva và Bắc Kinh cùng có « một tầm nhìn chung », có những lợi ích chung và cùng chia sẻ một số những giá trị.

Dù vậy nhà nghiên cứu Bobo Lo cho rằng Nga và Trung Quốc là những đối tác chặt chẽ, thân thiết của nhau nhưng không bị « ràng buộc » để phải can thiệp giúp đỡ phe bên kia nếu như quyền lợi của mình không bị trực tiếp đe dọa. Đây đơn thuần là một liên hệ nảy sinh từ những tính toán được thua, ích kỷ. Nga và Trung Quốc không là những liên minh quân sự và đôi bên chỉ « chính thức trở thành một đối tác chính trị – quân sự nếu như cả hai phải đối phó với Hoa Kỳ ». Đây là kịch bản mà tác giả bài nghiên cứu tin là « khó có thể xảy ra ».

Hòa thuận bề ngoài

Thế nhưng chiến tranh Ukraina đã nổ ra ngày 24/02/2022. Tiếp theo đó là gần một chục đợt trừng phạt của phương Tây với mục đích làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của ông Putin. Theo tác giả bài nghiên cứu về quan hệ Nga -Trung Quốc : Bắc Kinh đã ngỡ ngàng về mức độ tàn khốc của chiến tranh và lại càng bất ngờ trước những thất bại quân sự của Nga trên chiến trường Ukraina.

Matxcơva dù đã biết trước về bản chất của Bắc Kinh nhưng cũng có phần thất vọng về sự yểm trợ của Trung Quốc, ít nhất là trên hai điểm. Một là Bắc Kinh không hy sinh các quyền lợi ngoại giao, hay kinh tế của mình để cứu nước Nga thoát khỏi lệnh trừng phạt quốc tế. Chẳng những thế mà Trung Quốc còn lợi dụng thời cơ khai thác những khó khăn của Nga để trục lợi. Hiển nhiên nhất là những thương lượng để mua dầu khí, khoáng sản của Nga với giá rẻ khi mà các nhà sản xuất Nga cần tìm kiếm thị trường lấp vào chỗ trống Âu, Mỹ để lại.

Điểm thứ nhì là bề ngoài, hai đối tác này cố gắng giữ vẻ thuận hòa, bày tỏ đoàn kết trước một mặt trận chung là phương Tây, nhưng nhà nghiên cứu Bobo Lo ghi nhận « ngoài những hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc », những chương trình hợp tác cụ thể và nhịp nhàng phối hợp với nhau « là rất hiếm ». Tác giả đơn cử hai sự kiện minh họa cho điều này : chủ tịch Tập Cận Bình đã bất ngờ trước việc Nga xâm lược Ukraina và « Trung Quốc đã không kịp chuẩn bị » cho sự kiện đó. Hơn nữa chính Vladimir Putin tại thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải Samankand hồi tháng 9/2022 đã tuyên bố với các đối tác mà quan trọng nhất là lãnh đạo Trung Quốc, rằng về xung đột Ukraina, Matxcơva « sẽ giải thích sau lập trường của mình ». Đối với ông Bobo Lo, điều này thể hiện Nga -Trung Quốc thiếu một sự phối hợp nhịp nhàng, mà nếu có phối hợp thì đó cũng chỉ là hình thức bề ngoài.

Chiến tranh Ukraina thách thức tình hữu nghị Bắc Kinh – Matxcơva

Vậy từ 1 năm qua tuyên bố Bắc Kinh của hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin có đem lại những thay đổi gì trong quan hệ song phương hay không ?

Chuyên gia về quan hệ quốc tế của IFRI thận trọng đưa ra những yếu tố như sau để trả lời câu hỏi này. Trước hết, Bobo Lo nhắc lại « đối tác chiến lược toàn diện » sẽ không lôi kéo các bên vào những lĩnh vực ngoài ý muốn.

Bắc Kinh muốn được bảo đảm rằng Matxcơva không thọc gậy bánh xe trên những nước cờ của mình trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, từ vấn đề Đài Loan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hơn thế nữa, Nga có thể gây sức ép với Nhật và trong một chừng mực nào đó là cả với Ấn Độ, cả hai cùng là những nước có tranh chấp với Trun Quốc.

Thế rồi, Bắc Kinh cũng cần dầu khí và tài nguyên của Nga và cần đẩy mạnh hợp tác quân sự với Liên bang Nga. Bên cạnh đó Trung Quốc thừa biết rằng cắt đứng bang giao với Matxcơva hay để Nga suy sụp về kinh tế là thất sách, bởi khi đó, hỏa lực của Mỹ sẽ tập trung vào Bắc Kinh. Cuối cùng, Nga là một cường quốc quân sự, có vũ khí nguyên tử. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Vladimir Putin bị đẩy vào thế đường cùng.

Chiến tranh Ukraina trong một năm qua cho thấy : trên sân khấu địa chinh trị, « Nga và Trung Quốc hai diễn viễn độc lập và có những tính toán chiến lược riêng ». Nga lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc « hơn bao giờ hết trong lịch sử ». Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng nước Nga của ông Putin rồi đây sẽ răm rắp nghe theo Trung Quốc.  

Giới hạn của trục Nga-Trung 

Tựu chung, Matxcơva và Bắc Kinh cũng có những tính toán rất thực dụng trong lúc phương Tây phạm phải hai sai lầm. Một mặt tin rằng Tập Cận Bình – Vladimir Putin « khác lọ nhưng cùng một lọai rượu » tức là hai chế độ chuyên chế, tập trung quyền lực của Nga và Trung Quốc cùng « suy nghĩ như nhau ». Mặt khác phương Tây vừa muốn trục Nga -Trung tan rã, lại vừa thầm ước Liên bang Nga trong thế yếu sẽ ngoan ngoãn nghe lời Trung Quốc chấm dứt chiến tranh.

Đơn giản là chính sách ngoại giao của tổng thống Vladimir Putin không hề thay đổi : Matxcơva vẫn có tham vọng đưa Liên Bang Nga trở lại với ngôi vị một cường quốc trên thế giới. Ngày nào mà chưa đạt được mục tiêu này thì ông Putin sẽ không bao giờ lùi bước. Hơn thế nữa như nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế của viện IFRI Bobo Lo ghi nhận : « Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu của nước Nga, nhưng không là đối tác duy nhất. Bất chấp chiến tranh, Matxcơva liên tục mở rộng và đẩy mạnh những đối tác khác (ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La Tinh hay thậm chí là ở châu Âu mà Hungary là một điển hình) ».

Tác giả bài nghiên cứu kết luận : còn quá sớm để biết được chiến tranh Ukraina thắt chặt thêm quan hệ Nga-Trung, là một khúc quanh trong bang giao song phương hay là một cái gai trong tình bạn vô bờ bến giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình.

Điều chắc chắn duy nhất là Bắc Kinh và Matxcơva cùng ý thức được đây là một mối quan hệ quá quan trọng và không bên nào được phép làm phật lòng đối phương. Song cũng phải nhìn nhận rằng, « hợp tác Nga -Trung không sâu và không suôn sẻ như đôi bên cùng cố tình phô trương » với phần còn lại của thế giới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment