- Annabelle Liang
- Phóng viên Kinh doanh BBC
Tập đoàn điện tử Samsung cho biết họ có kế hoạch đầu tư khoảng 300 nghìn tỷ won (230,8 tỷ USD) trong 20 năm trong chiến lược của chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy phát triển một trung tâm bán dẫn lớn ở nước này.
Kế hoạch này sẽ được đưa vào việc xây dựng năm nhà máy sản xuất chip, Samsung nói với BBC.
Samsung là nhà sản xuất chip bộ nhớ, điện thoại thông minh và TV lớn nhất thế giới.
Theo kế hoạch chính thức, các công ty trong các ngành công nghệ cao sẽ được ưu đãi như giảm thuế mở rộng và hỗ trợ cơ sở hạ tầng
\”Trung tâm lớn sẽ là cơ sở chính của hệ sinh thái bán dẫn của chúng tôi,\” Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
Tuyên bố này cho biết họ đã lên kế hoạch đảm bảo khoảng 550 nghìn tỷ won đầu tư vào khu vực tư nhân và \”bước nhảy vọt như một quốc gia hàng đầu giữa cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt đối với các ngành công nghiệp tiên tiến\”.
Paul Triolo từ công ty tư vấn toàn cầu Albright Stonebridge Group nói với BBC rằng động thái của Hàn Quốc diễn ra khi \”các công ty lớn đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước cho ngành bán dẫn\”.
\”Kế hoạch này kể như ở một mức độ nào đó là hiệu ứng tập trung thành khu theo mô hình của Đài Loan, nơi bộ ba công viên khoa học… tạo thành một cụm lớn đã thu hút nhiều công ty khác, cả thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng,\” ông Triolo nói.
Chất liệu bán dẫn cung cấp năng lượng cho mọi sản phẩm từ điện thoại di động đến phần cứng quân sự và đang là tâm điểm của cuộc tranh chấp gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Vào tháng 10, Washington đã thông báo rằng họ sẽ yêu cầu giấy phép đối với các công ty xuất khẩu chip sang Trung Quốc sử dụng các công cụ hoặc phần mềm của Hoa Kỳ, bất kể chúng được sản xuất ở đâu trên thế giới.
Tuần trước, Hà Lan cho biết họ cũng có kế hoạch hạn chế xuất khẩu công nghệ vi mạch \”tiên tiến nhất\” của mình để bảo vệ an ninh quốc gia.
Cùng khoảng thời gian đó Bộ Thương mại Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về chính sách của Hoa Kỳ đối với chất bán dẫn.
Bộ này cho biết Đạo luật Chips \”có thể làm trầm trọng thêm những bất ổn trong kinh doanh, vi phạm quyền quản lý và công nghệ của các công ty cũng như khiến Hoa Kỳ trở nên kém hấp dẫn hơn như một lựa chọn đầu tư\”.
Trung Quốc thường gọi Hoa Kỳ là \”bá chủ công nghệ\” để đáp lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Washington áp đặt.
Hàn Quốc là nơi đặt trụ sở chính của các nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn khác như SK Hynix.