- Tác giả,Frank Gardner
- Vai trò,Phóng viên An ninh của BBC
- 15 tháng 3 2023
Trung Quốc đã phản ứng với sự giận dữ, vốn đã được dự đoán trước, đối với một tuyên bố chính thức về hiệp ước Aukus.
Các chi tiết được công bố vào hôm thứ Hai 14/03 tại San Diego, gắn kết ba nước Úc, Anh và Mỹ trong một liên minh an ninh và quốc phòng quan trọng nhằm đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
\”Bước vào một con đường nguy hiểm\”, \”bỏ ngoài tai những quan ngại từ cộng đồng quốc tế\” và thậm chí \”gây rủi ro về một cuộc chạy đua vũ trang và phổ biến hạt nhân mới\” chỉ là một trong số các cáo buộc do phía Bắc Kinh đưa ra nhằm vào bộ ba đồng minh Phương Tây.
Kể từ khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến đi đầy tranh cãi đến Đài Loan vào mùa hè vừa qua, Trung Quốc đã cho thấy sự bất đồng mạnh mẽ liên quan đến các hành động của Phương Tây.
Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, cùng một nền quân đội và hải quân lớn nhất thế giới, cho biết đã bắt đầu cảm thấy bị Mỹ và các đồng minh của Washington ở Tây Thái Bình Dương \”lập vòng vây\”. Đáp trả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây thông báo Trung Quốc sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng và an ninh quốc gia là mối quan tâm trọng yếu trong những năm tiếp theo.
Không lấy làm ngạc nhiên khi tuần này Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói đến một thập kỷ nguy hiểm trước mắt và cần phải tăng tốc để giải quyết những thách thức an ninh ngày càng gia tăng.
Làm thế nào mà chúng ta đến cấp độ này và phải chăng thế giới đang ngày càng xích lại gần hơn đến một cuộc xung đột thảm họa ở Thái Bình Dương giữa Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của Washington?
Phương Tây đã hiểu sai về Trung Quốc. Trong nhiều năm, đã có một giả định ngây thơ trong các bộ ngoại giao các nước rằng quá trình tự do hóa kinh tế của Trung Quốc sẽ không tránh khỏi dẫn đến mở cửa xã hội và tự do chính trị nhiều hơn. Khi các tập đoàn đa quốc gia Phương Tây thành lập liên doanh và hàng trăm triệu công dân Trung Quốc bắt đầu tận hưởng một mức sống cao hơn, thì theo lập luận, rõ ràng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nới lỏng sự kiểm soát nhằm vào dân chúng, cho phép những cải tổ dân chủ khiêm tốn nhất và trở thành một thành viên toàn diện đối với điều gọi là \”trật tự quốc tế dựa trên luật pháp\”.
Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy.
Vâng, Trung Quốc là một gã không lồ kinh tế, một phần sống động, quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và một đối tác thương mại quan trọng nhất đối với một số nước trên khắp thế giới. Nhưng thay vì để bước chuyển biến này đi đôi với nền dân chủ và tiến trình tự do hóa thì Bắc Kinh lại bước vào một lộ trình gây nên hồi chuông báo động đối với các chính phủ Phương Tây và những quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Cụ thể như thế nào? Danh sách thật dài nhưng đây là những vấn đề bất đồng chính giữa Trung Quốc và Phương Tây:
- Đài Loan: Trung Quốc đã thường xuyên lặp lại cam kết tái thống nhất hòn đảo tự trị này, bằng vũ lực nếu cần thiết. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan mặc dù chính sách chính thức của Mỹ không cam kết có hành động quân sự
- Biển Đông: Trong những năm gần đây Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân hùng mạnh của mình để thâu tóm một số phần trên Biển Đông, tuyên bố chủ quyền, một điều trái với luật pháp quốc tế
- Công nghệ: Trung Quốc ngày càng bị cáo buộc đã bí mật thu thập một số lượng lớn dữ liệu cá nhân cũng như đánh cắp tài sản trí tuệ nhằm giành được lợi thế thương mại
- Hong Kong: Bắc Kinh đã thành công trong việc nghiền nát nền dân chủ tại lục địa trước đây thuộc Anh, kết tội các nhà hoạt động với án tù kéo dài
- Người Hồi giáo Uyghur: Các dữ liệu vệ tinh và câu chuyện của nhân chứng cho thấy việc cải tạo mang tính cưỡng ép đối với gần một triệu người Uyghur theo Hồi Giáo ở các trại trên khắp tỉnh Tân Cương
Về mặt quân sự, Trung Quốc ngày nay là một lực lượng không dễ đối phó. Trong những năm gần đây, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã đạt những bước tiến vô cùng lớn trong lĩnh vực công nghệ và cải tiến cũng như về mặt số lượng.
Ví dụ như các tên lửa siêu thanh Gió Đông của Trung Quốc có tốc độ di chuyển vượt mức Mach 5 (tức gấp năm lần vận tốc âm thanh), và được trang bị chất nổ có sức công phá cao hoặc những đầu đạn hạt nhân. Điều này đang khiến Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, có căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản phải dừng lại cân nhắc về mức độ sẵn sàng đối phó với những tên lửa của Trung Quốc từ trên đất liền này.
Về các tên lửa đạn đạo hạt nhân cũng vậy, Trung Quốc đã bước vào một chương trình mở rộng nhanh chóng, nhắm vào việc tăng cường số lượng đầu đạn hạt nhân khi xây dựng các hầm silo mới ở những vùng xa xôi phía tây.
Mặc dù vậy, không có điều nào đồng nghĩa Trung Quốc muốn bước vào một cuộc chiến tranh. Trung Quốc không muốn. Khi nói đến vấn đề Đài Loan, Trung Quốc muốn gây đủ áp lực để có thể bắt hòn đảo này quy phục, tuân theo sự cai trị của Bắc Kinh mà không phải mất phát súng nào. Về Hong Kong, người Uyghur và tài sản trí tuệ, Trung Quốc biết rằng qua thời gian thì sự chỉ trích sẽ chết dần bởi vì giao thương với Trung Quốc đóng vai trò quá quan trọng đối với phần còn lại của thế giới.
Vì vậy mặc dù những căng thẳng lúc này đang dâng cao, thì có thể vẫn có những vấn đề vẫn xảy đến, mà theo đó cả hai phía – Trung Quốc và Phương Tây – đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương là thảm họa cho tất cả mọi người và mặc cho những ngôn từ giận dữ, đây hoàn toàn là điều không ai mong muốn.