Bộ Tư pháp VN không hỏi người dân khi làm chính sách về trách nhiệm doanh nghiệp?

22 tháng 3 2023

\"(Ảnh
Chụp lại hình ảnh,(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Ủy ban Luật gia Quốc tế (International Commission of Jurists-ICJ) chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam có thể đã gạt ra bên lề các đối tượng dễ bị tổn thương khi xây dựng một chính sách quan trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chính những người dân này.

Trong bản đề xuất gửi tới Bộ Tư pháp Việt Nam hôm 15/3, ICJ đề cập cụ thể tới những đối tượng có thể đã bị giới chức Hà Nội bỏ lại phía sau khi tham vấn dự thảo Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (NAP).

Họ gồm công đoàn và xã hội dân sự, người dân tộc thiểu số và dân bản địa chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động và dự án kinh doanh, những người dân mà đất đai của họ bị tịch thu để ưu tiên cho các dự án phát triển, các nhà bảo vệ nhân quyền, v.v..

ICJ cũng chỉ ra rằng thời gian mà Việt Nam đặt ra để người dân tham vấn cho NAP \’ngắn một cách không thể chấp nhận được\’, chỉ 20 ngày, từ 20/3-10/3.

Nhiều người dân thậm chí còn chưa kịp biết đến sự hiện diện của NAP, trong khi một bộ phận khác sống tại những nơi mà có thể không dễ dàng để có thể tiếp cận được các tin tức, theo ICJ.

Bản dự thảo NAP mà Bộ Tư pháp Việt Nam đang xây dựng chỉ nêu rằng quá trình tham vấn \”được thực hiện với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan\”.

Bài tiếng Anh \’Vietnam: National Action Plan on Responsible Business developed without adequate stakeholder participation\’ có thể đọc được trên trang của ICJ tại đây.

Ai thực sự được tham vấn?

Hai trong số ba người mà chúng tôi hỏi – về việc chính phủ tham vấn ý kiến người dân – đồng ý trả lời và cho biết rằng họ chưa từng được chính phủ mời tham vấn ý kiến cho bất kỳ chính sách nào, hay biết về bất cứ hình tham vấn nào.

Nhà văn Nguyễn Viện từ Sài Gòn nói với BBC:

\”Toàn dân là họp ở đâu đó chứ tôi chưa bao giờ được mời đích danh để góp ý. Mà có muốn góp ý thì cũng không biết cách góp như thế nào.\”

Một blogger đề nghị không nêu tên cũng cho hay chưa bao giờ được hỏi góp ý kiến cho bất cứ vấn đề gì của đất nước.

\”Cái trò lấy ý kiến của dân thì xưa nay họ vẫn nói vậy. Thực ra có hỏi ai. Mà hỏi thì cũng toàn là người mà họ đã sắp xếp từ trước. Hỏi những gì, trả lời ra sao là đều do họ tự lên kịch bản, tự diễn cả. Trò dân chủ giả hiệu,\” vị này nói với BBC.

Cả nhà văn Nguyễn Viện và blogger ẩn danh đều khẳng định chưa từng nghe thấy việc chính phủ tham khảo ý kiến dân cho NAP bao giờ và cũng không biết nó là gì.

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 20/3, ông Carlos Lopez, cố vấn pháp lý cao cấp của ICJ cho hay chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Việt Nam vì còn quá sớm.

Nhưng ICJ đang lên kế hoạch gặp UNDP – đối tác chính của Việt Nam trong việc xây dựng NAP – để chia sẻ các quan ngại.

\”Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ hành động để đáp lại phản hồi của chúng tôi – không nhất thiết phải bằng văn bản,\” ông Carlos Lopez nói với BBC News Tiếng Việt.

Người bản địa, người bảo vệ nhân quyền… bị \’bỏ quên\’

Ông Carlos Lopez chỉ ra rằng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế yêu cầu các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải minh bạch và không phân biện đối xử khi thông qua các chính sách, bằng cách đảm bảo sự tham gia đầy đủ của những người liên quan hoặc bị ảnh hưởng bởi các biện pháp đó.

Những người này cần được tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến họ một cách kịp thời, và có cơ hội nhận xét, phản đối và đề xuất các giải pháp thay thế.

Ông Carlos Lopez nói thêm rằng người dân bản địa thường là đối tượng bị chính phủ bỏ lại phía sau trong quá trình tham vấn chính sách, đặc biệt là trong vấn đề tịch thu đất và giao đất cho các dự án phát triển.

Đây cũng là mối quan ngại mà Ủy ban Nhân quyền LHQ đã đề cập trong các khuyến nghị cho Việt Nam.

Một nhóm nữa bị chính quyền Việt Nam \’bỏ quên\’ trong quá trình tham vấn NAP, theo ICJ, là những người bảo vệ nhân quyền, chẳng hạn như những nhà hoạt động hay những người giám sát hoạt động của các công ty và tố cáo những hành vi vi phạm nhân quyền hoặc hủy họa môi trường của các công ty này.

\”Các kế hoạch kinh doanh cần đảm bảo một không gian mở và an toàn cho những người bảo vệ nhân quyền làm việc mà không sợ bị đe dọa và trả thù\”, ông. Carlos Lopez nói.

ICJ cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã không đề cập đến các thách thức về nhân quyền mà nước này đang đối mặt trong kế hoạch hành động của mình khi xây dựng NAP.

Các vấn đề đó bao gồm:

  • Sự đàn áp ngày càng tăng đối với những người bảo vệ nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự, những người phải đối mặt với các mối đe dọa và tấn công nhằm ngăn cản họ thực hiện các hoạt động hợp pháp của mình;
  • Những thách thức xung quanh việc chính phủ hoặc các công ty cưỡng chế và tịch thu đất, hoặc chuyển nhượng đất đai từ của dân cho các tổ chức kinh doanh mà không có sự tham vấn đầy đủ và biện pháp khắc phục hiệu quả
  • Thiếu cơ hội thực sự cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, bao gồm cả người dân bản địa tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến các vấn đề ảnh hưởng đến quyền của họ, chẳng hạn như thu hồi và giao đất cho các dự án phát triển, hoặc đưa ra các biện pháp khắc phục thích hợp;
  • Những hạn chế không đáng có đối với việc thành lập, quản lý và điều hành các hiệp hội dân sự, bao gồm công đoàn độc lập.

Qua đó, ICJ khuyến nghị Việt Nam cần công bằng và minh bạch khi xây dựng NAP, cần có sự tham gia của tất cả các bên khi tham vấn. Đồng thời phải dựa vào các hiệp ước nhân quyền của LHQ cùng các tổ chức liên quan để xây dựng kế hoạch hành động. Bên cạnh đó, phải có các chính sách và biện pháp pháp lý để đảm bảo các doanh nghiệp đảm bảo quyền con người.

Khuyến nghị của ICJ được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 35 trong số 177 nước về chỉ số tôn trọng quyền con người và pháp luật, với 7.8 điểm. Trung Quốc đứng thứ ba và Bắc Hàn thứ tám.

Thang tối đa của thước đo này là 10. Nước có điểm càng cao càng chứng tỏ mức độ thiếu tôn trọng quyền con người và pháp luật, theo Tổ chức Kinh tế Thế giới.

NAP là gì?

Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam (NAP) do Bộ Tư pháp xây dựng, sau khi quá trình tham vấn ý kiến các bên liên quan sẽ trình thủ tướng thông qua.

NAP được cọi là \’Chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam\’, theo truyền thông trong nước.

Các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải có trách nhiệm xã hội với người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp v.v… thông qua tuân thủ luật pháp và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn.

Trưởng Đại diện thường trú UNDP bà Ramla Khalidi từng nói rằng NAP \’không chỉ thể hiện các cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ quyền con người và phát triển bền vững, mà còn là một bằng chứng sống động cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng, thậm chí đi trước cuộc chơi, trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trên thị trường toàn cầu,\” theo trang dangcongsan.vn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment