Đăng ngày: 28/03/2023
Sau ấn bản đầu tiên năm 2021, kể từ hôm nay, 28/03/2023, Hội Nghị Thượng Đỉnh Dân Chủ theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lại mở ra, với hơn 120 lãnh đạo trên thế giới được mời tham dự. Tương tự như lần trước, Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần này diễn ra chủ yếu theo hình thức trực tuyến và dự trù kéo dài trong ba ngày.
Theo hãng tin Pháp AFP, điểm nổi bật đầu tiên của Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II này là hội nghị được đặt dưới quyền đồng chủ tọa của tổng thống Mỹ cùng với lãnh đạo của Zambia, đại diện châu Phi, Costa Rica đại diện châu Mỹ, Hàn Quốc, đại diện châu Á và Hà Lan, đại diện châu Âu. Số nước được mời cũng tăng lên thành 121, đặc biệt có 5 quốc gia châu Phi lần trước không có mặt, nhưng lần này tham gia (Tanzania, Côte d\’Ivoire, Gambia, Mauritania và Mozambique).
Theo AFP, hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trên khắp thế giới cùng với các mối đe dọa đối với nền dân chủ, kể cả tại Mỹ với cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.
Theo bản báo cáo mới nhất của Freedom House, một nhóm nghiên cứu về dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn, năm 2022 đã chứng kiến sự thụt lùi của dân chủ trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia có thể chế bị cho là độc đoán tiếp tục không được mời. Ngoài Nga và Trung Quốc, các nước như Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không được mời tham gia Hội Nghị, tương tự như Hungary ở châu Âu, hay Singapore ở châu Á.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không cho biết chi tiết về các tiêu chí chọn lựa khách mời cho hội nghị. Một phát ngôn viên bộ này chỉ khẳng định rằng Washington “không tìm cách xác định quốc gia nào là dân chủ hay không dân chủ”.
Cuộc chiến tranh Ukraina cũng sẽ được đề cập tại Hội Nghị lần này, với tổng thống Ukraina được mời phát biểu tại phiên khai mạc.