Đăng ngày: 28/03/2023
Nếu như đại đa số các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga, thì việc trừng phạt Matxcơva và hỗ trợ Kiev chống xâm lăng lại không phải là điều được đông đảo ‘‘các nước phía Nam’’ (Global South) ủng hộ. Châu Mỹ Latinh là một trường hợp tiêu biểu. Đại đa số các quốc gia khu vực này tuy lên án Nga xâm lược, nhưng không chuyển giao vũ khí cho Kiev.
Nhật báo Pháp Liberation có bài ‘‘Về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, châu Mỹ Latinh bám chặt lấy nguyên tắc trung lập’’ ghi nhận việc bốn quốc gia chủ chốt của châu Mỹ Latinh, gồm Achentina, Brazil, Colombia và Mêhicô, loại trừ việc cấp vũ khí cho Ukraina, như đề nghị của phương Tây. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn viện tư vấn Atlantic Council, tướng Mỹ Laura J. Richardson, tư lệnh Bộ Tư Lệnh Phương Nam (phụ trách vùng Nam Mỹ), hồi tháng 1/2023, đã nhấn mạnh là các nước châu Mỹ Latinh có thể thay thế vũ khí Nga bằng phương tiện Mỹ, nếu các quốc gia này muốn viện trợ quân sự cho Ukraina, theo thông tin của báo Colombia Informa.
Colombia từ chối đổi vũ khí mới của Mỹ
Cụ thể với trường hợp của Colombia, Washington tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Colombia ‘‘các vũ khí mới tinh do Mỹ sản xuất’’, nếu quốc gia Nam Mỹ này chấp nhận chuyển cho Quân đội Ukraina năm chục máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-17, có từ thời Liên Xô. Phản ứng của tổng thống Colombia, Gustavo Petro, là rất rõ ràng : Chúng tôi sẽ giữ lại các vũ khí này, cho dù chúng tôi có thể buộc phải để chúng biến thành sắt vụn’’. Tổng thống Colombia nhấn mạnh : ‘‘Chúng tôi không chọn phe nào, nếu như không phải là phe của hòa bình !’’.
Quan điểm của tổng thống Colombia, được đưa ra tại hội nghị Thượng đỉnh cộng đồng các nước châu Mỹ Latinh và vùng Vịnh Caribê (Celac) ở Buenos Aires, hồi cuối tháng Giêng, tương đồng với hầu hết các nước châu Mỹ Latinh khác. Đó là lên án cuộc xâm lăng của Putin, bỏ phiếu ủng hộ tất cả các nghị quyết lên án Nga tại Liên Hiệp Quốc, nhưng từ chối chuyển giao các phương tiện quân sự.
Đề nghị gửi vũ khí cho Kiev không chỉ đến từ Hoa Kỳ, mà còn từ cả châu Âu. Ngay sau Thượng đỉnh cộng đồng các nước châu Mỹ Latinh và vùng Vịnh Caribê, thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đưa ra đề nghị tương tự với Achentina, như với Chilê và với Brazil trong vòng công du Nam Mỹ. Đề nghị của thủ tướng Đức đã không được tất cả ba nước chấp nhận. Phản ứng từ phía Brazil còn lạnh nhạt hơn các đồng cấp Mỹ Latinh khác. Tổng thống Brazil Lula da Silva, vừa tái đắc cử, nhấn mạnh : ‘‘Tôi tiếp tục kiên trì khẳng định là, khi một bên không muốn, chắc chắn hai bên sẽ không tấn công nhau. Cần phải muốn hòa bình!’’. Tổng thống Brazil thậm chí còn nhấn mạnh đến khả năng Trung Quốc có thể có một vai trò quan trọng trong các thương thuyết.
Vì sao châu Mỹ Latinh chủ trương lập trường ‘‘không liên kết’’ ?
Lập trường lên án xâm lược Nga, nhưng không ủng hộ Kiev, của đông đảo các nước châu Mỹ Latinh có nhiều nguyên nhân. Liberation trong bài phân tích nói trên trước hết nói đến việc ‘‘cuộc xung đột vũ trang tại miền đông của châu Âu dường như quá xa xôi’’. Một nguyên nhân chính khác được nêu ra đó là cánh tả châu Mỹ Latinh, hiện đang lãnh đạo 5 nền kinh tế hàng đầu của khu vực có xu hướng ‘‘trở lại với phản ứng chống Mỹ xưa cũ’’. Chống Mỹ ở đây đồng nghĩa với việc không tham gia vào một định hướng chủ đạo của Mỹ, coi việc bảo vệ quốc gia châu Âu Ukraina chống lại Nga như một lựa chọn có ý nghĩa chiến lược toàn cầu, một mặt trận sinh tử trong cuộc chiến khối các quốc gia dân chủ chống lại các chế độ độc tài.
Một lý do quan trọng khác được Liberation nêu ra là, nếu như các nước châu Mỹ Latinh coi Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ là các đối tác, thì các quốc gia này cũng phải tính đến việc cân bằng lại quan hệ với Trung Quốc và Nga. Trung Quốc là quốc gia đầu tư chủ chốt tại khu vực châu Mỹ Latinh, còn Nga là một nguồn cung quan trọng về phân bón hóa học, mà các ngành công nghiệp thực phẩm trong vùng không thể bỏ qua.
Báo Colombia Informa nêu Colombia như một ví dụ tiêu biểu về nỗ lực tìm cân bằng trong quan hệ Nga – Mỹ. Mặc dù Colombia là một đồng minh chủ chốt của Washington, gần đây chính quyền Colombia tuyên bố ‘‘muốn làm bạn với Nga’’. Matxcơva tìm cách siết chặt quan hệ với Colombia trong những năm gần đây.
Các át chủ bài của châu Mỹ Latinh
Theo Liberation, lục địa Mỹ Latinh cũng có những lá chủ bài để có thể ‘‘bảo vệ được lập trường không liên kết của mình’’, đặc biệt nhờ vào thế mạnh về lĩnh vực các nguyên vật liệu, được coi là rất cần thiết đối với nhiều nền kinh tế. Các doanh nghiệp xe hơi Đức và Pháp cần đến lithium của Achentina và Chilê – các quốc gia có những mỏ lớn về loại khoáng sản chiến lược này.
Cuộc chiến tại Ukraina cũng đang làm thay đổi sâu sắc thị trường năng lượng toàn cầu. Với cuộc chiến Ukraina, Venezuela – một quốc gia nhiều tài nguyên dầu mỏ – đang trở lại thành một địa bàn chiến lược với nước Mỹ. Do đó, mà có việc chính quyền Mỹ đang thay đổi đổi dần chính sách trừng phạt khắc nghiệt đối với chính quyền Venezuela của tổng thống Maduro, vốn bị lên án là độc tài trong nhiều năm qua.
Cùng gọi là ‘‘trung lập’’ nhưng lập trường rất khác biệt
Một năm sau cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga, mặt trận toàn cầu chống thủ phạm của cuộc xâm lăng do phương Tây chủ trương, dường như rất ít thu hút được sự ủng hộ của các nước phía Nam (Global South), bao gồm các nước Mỹ Latinh, như một ghi nhận của đài France 24. Nếu như các nước phương Tây trở nên đoàn kết khác thường trong các trừng phạt Nga và hậu thuẫn Kiev về quân sự, lập trường của các nước ngoài phương Tây rất khác so với phương Tây.
Không kể nhóm một số rất ít quốc gia công khai đứng về phía Nga, lập trường gọi là ‘‘trung lập’’ dường như phổ biến đối với các nước ‘‘phía Nam’’, tức các nước ngoài phương Tây. Tuy nhiên, nhóm các nước có lập trường được coi là ‘‘trung lập’’ này lại không hề đồng nhất. Có một số nước tuy tuyên bố ‘‘trung lập’’, nhưng ngả hẳn về phía Nga như Trung Quốc. Có những nước tuyên bố trung lập, tức bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết lên án Nga, như Ấn Độ, cố gắng duy trì một vị trí đứng giữa.
‘‘Phe hòa bình’’ có thể giúp thúc đẩy hòa bình ?
Đông đảo các nước Mỹ Latinh cũng có lập trường ‘‘trung lập’’, nhưng lại rất khác. Đó là công khai ủng hộ các nghị quyết lên án xâm lược Nga, nhưng không đi hẳn với phương Tây trong việc áp đặt các trừng phạt Nga và hậu thuẫn Ukraina. Nhóm các nước trung lập như khối các nước Nam Mỹ nói trên là đối tượng tranh thủ của các bên và ắt hẳn là một ẩn số quốc tế quan trọng đối với các diễn biến tiếp theo của cuộc chiến tranh tại Ukraina.
Khẳng định lập trường ‘‘không liên kết’’ dường như đã là lập trường cơ bản của các nước Mỹ Latinh. Lập trường đứng về ‘‘phe hòa bình’’ đã trở thành nguyên tắc đối với đông đảo các nước Mỹ Latinh, nhưng liệu các nước Mỹ Latinh có thể thực sự giúp thúc đẩy hòa bình, giúp cho hòa bình được vãn hồi tại đất nước Ukraina xa xôi ? Câu hỏi lớn nói trên hiện vẫn còn để ngỏ.