Liệu Hà Nội có chùn bước để đổi lấy EVFTA?
Diễm Thi, RFA
2019-02-14
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU – bà Cecilia Malmstrom ký kết tại Ủy ban châu Âu, Brussels vào ngày 2/12/2015.
Hôm 12/2/2019, Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đã gửi thư đến 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam cả trong và ngoài nước, phúc đáp lá thư ngày 18/1 của khối xã hội dân sự độc lập về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong mối liên hệ với Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Trong 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập này có Hội Nhà báo Độc lập, Hội Bầu Bí Tương Thân, Nhật Ký Yêu Nước, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Văn phòng Công lý và Hòa bình, Luật Khoa tạp chí, Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn giáo…
Bức thư dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk rằng “Các vấn đề nhân quyền vẫn tiếp tục được Liên minh Châu Âu (EU) nêu lên với Việt Nam, với cả cấp cao nhất. Đối thoại Nhân quyền sắp tới là một dịp nữa để chúng tôi tiếp tục việc này. Chúng tôi sẽ đề cập đến khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đối với quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tụ họp, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và trường hợp của những nhà hoạt động nhân quyền”.
Bức thư cũng nói EVFTA là một công cụ có thể giúp giải quyết vấn đề nhân quyền, nhất là quyền của người lao động. Nhân dịp này, Hội đồng châu Âu bày tỏ sự ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam thúc đẩy nhân quyền trong nước.
Vào tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đồng ý sẽ đàm phán EVFTA sau khi hoàn tất các công việc kỹ thuật. Hai bên đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA ngày 26 tháng 6 năm 2012. Đại sứ, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet đã chỉ ra ba điều quan trọng nhất trong hiệp định đó là vấn đề về kinh tế thương mại, cải thiện về thể chế, pháp quyền và an ninh khu vực. EVFTA sẽ có quá trình thông qua trước khi có hiệu lực chính thức, dự kiến vào năm 2018.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập và là thành viên của Hội Bầu Bí Tương Thân bày tỏ niềm vui khi nghe thông tin Nghị viện châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA, rồi khi nhận được lá thư từ Hội đồng châu Âu:
“Khi nghe thông tin Nghị viện châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA, thì các tổ chức xã hội dân sự rất phấn khởi và tự hào vì vai trò của xã hội dân sự ở Việt Namđã được khẳng định và thể hiện sức mạnh của mình.
Rồi khi Văn phòng Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã gửi thư đến 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam hôm 12/2, phúc đáp lá thư ngày 18/1 của khối xã hội dân sự về việc đề nghị tạm hoãn việc phê chuẩn EVFTA thì đây cũng chứng tỏ các nước EU và Mỹ hết sức tôn trọng xã họi dân sự ở Việt Nam chứ không đơn thuần nghe những thông tin cũng như những lời giải thích bóng bẩy về nhân quyền Việt Nam từ phía nhà cầm quyền Việt Nam”
Vai trò của xã hội dân sự
Ông Nguyễn Tường Thụy cho biết ngoài bức thư được gửi đi hôm 18/1 thì trước đó vào ngày 23/2 năm ngoái, phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu cũng đã đến Việt Nam gặp gỡ một số tổ chức Phi chính phủ và xã hội dân sự.
“Hôm ấy chúng tôi có Luật sư lê Công Định, anh Vũ Quốc Ngữ, nhà báo Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyến. Chúng tôi hôm đó có đề nghị hoãn việc thông qua EVFTA vì vấn đề nhân quyền.”
Theo ông Nguyễn Tường Thụy thì nhà cầm quyền Việt Nam vốn coi thường các tổ chức xã hội dân sự độc lập, họ cho những người hoạt động xã hội dân sự hay hoạt động cho nhân quyền, dân chủ nằm trong vòng kiềm tỏa của họ. Họ có thể đàn áp, hạch sách bất cứ lúc nào họ muốn. Chỉ cần một bài viết nào đó họ không thích là họ có thể “mời làm việc”. Tuy nhiên theo nhận định của ông thì với những sự việc vừa qua, xã hội dân sự độc lập đã chứng minh được vai trò của mình.
Đây không phải lần đầu vấn đề nhân quyền Việt Nam được nêu lên trong các thỏa thuận hay hiệp định thương mại với quốc tế.
Tại cuộc điều trần về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam tại Hạ Viện Hoa Kỳ vào tháng 10/ 2005, khi Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO, dân biểu Chris Smith, chủ tịch tiểu bang Nhân Quyền tại Hạ Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ nhấn mạnh rằng phải đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam vào việc gia nhập WTO.
Nhà nước Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc cải thiện nhân quyền trong quá trình vận động để bước vào WTO. Nhưng khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO vào đầu năm 2007 thì tình hình nhân quyền lại trở nên tồi tệ hơn.
Ông Scott Flipse, của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ từng nói với RFA ngay sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO rằng:
“Thực tế là sau khi đựơc kết nạp vào Tổ chức mậu dịch thế giới WTO, Hà Nội bắt đầu thực hiện hàng loạt các cuộc bắt bớ, giam cầm những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người bất đồng chính kiến, những ai cổ võ cho dân chủ, cho quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội, và các quyền căn bản của con người…
Chúng tôi nhận thấy cần phải nhắc lại thông điệp với chính quyền Hà Nội một lần nữa rằng hội nhập vào thế giới không chỉ dừng lại ở việc gia nhập vào WTO, mà còn có những trách nhiệm khác với cộng đồng quốc tế, trong đó có trách nhiệm bảo đảm nhân quyền có quy định trong Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.”
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy nhận định chính phủ Việt Nam chỉ cải thiện nhân quyền vào một thời điểm nào đó, dưới sức ép nào đó để đạt mục đích họ muốn thôi chứ bản chất của chế độ là dùng sức mạnh để kìm kẹp. Ông nói thêm:
“Ngay cả luật pháp họ đặt ra mà còn không dám sử dụng trong khuôn khổ mà họ ngồi lên cả luật pháp, họ không tôn trọng luật pháp để đàn áp xã hội dân sự và kìm hãm hoạt động của các tổ chức này, nếu không thì xã hội dân sự đã phát triển rất mạnh.”
Tuy thực tế có phũ phàng như vừa nêu; nhưng những người đang nỗ lực cho một đất nước Việt Nam tiến bộ, người dân được hưởng đầy đủ mọi quyền con người, tin tưởng trong thời đại hội nhập hiện nay, các quốc gia tiến bộ trên thế giới tiếp tục có tác động đến chính phủ Hà Nội.