- 15/02/20190
- Phạm Lê Vương Các Theo FB Phạm Lê Vương Các
- Trương Duy Nhất, một nhà báo bất đồng chính kiến tại Việt Nam được xác nhận đã đến Văn phòng Cao ủy tị nạn LHQ tại Thái Lan để nộp đơn xin tị nạn chính trị vào hôm 25/1, nhưng đến ngày 26/1 thì người thân và bạn bè hoàn toàn mất liên lạc với ông. Nhiều nguồn tin cho biết ông bị một nhóm người vây bắt đưa đi khỏi Trung tâm Thương mại Future Park tại Bangkok.
- Giới chức Thái Lan vẫn chưa xác nhận họ tiến hành vụ bắt giữ này và cho biết sẽ tiến hành điều tra, còn phía giới chức Việt Nam đến lúc này vẫn im lặng.Như vậy tính tới thời điểm này không một cơ quan chính quyền nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ bắt giữ. Tuy nhiên, qua việc đánh giá địa điểm vây bắt ông Nhất một cách công nhiên tại một trung tâm thương mại đông đúc, lọt qua được các lớp bảo vệ an ninh của một trung tâm mua sắm mà không gặp sự cản trở nào, rõ ràng việc bắt giữ chắc chắn phải có sự tham gia hoặc sự chuẩn thuận của giới chức chính quyền Thái Lan.
- DẪN ĐỘ NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT
- Vụ bắt giữ ông Nhất làm nhiều người đặt ra câu hỏi cho các chính phủ liên quan rằng, tại sao bắt mà không bên nào chịu nhận? Việc không chịu nhận trách nhiệm bắt giữ nhằm mục đích có thêm thời gian để xử lý vụ việc hay che giấu một hành vi phạm pháp nào khác?Để giải đáp cho vấn đề này ta cần đánh giá vụ việc từ khía cạnh pháp lý về dẫn độ nghi phạm, để hiểu được lý do vì sao các bên liên quan đến lúc này vẫn im lặng trước việc bắt giữ.Trước hết phải nói rằng, dẫn độ nghi phạm theo đúng thủ tục và trình tự pháp lý là một quá trình nan giải và nhiêu khê. Quá trình này đòi hỏi phải thông qua toà án bằng việc mở các phiên toà xét xử kéo dài để toà án quyết định xem liệu có dẫn độ hay không. Mà theo đó các vụ việc mang màu sắc chính trị dễ được toà án đưa ra quyết định từ chối dẫn độ.Bỏ qua các đồn đoán ông Nhất thuộc về phe cánh chính trị nào, rõ ràng không thể phủ nhận, ông Nhất được cộng đồng biết đến là một nhà báo bất đồng chính kiến trong nhiều năm qua.
- Bản án 2 năm tù giam vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước” theo điều luật mơ hồ 258 BLHS trước đây, và việc RFS vinh danh ông là một “anh hùng thông tin” cho thấy đây là sự ghi nhận cho tinh thần dũng cảm dấn thân của ông trong việc truyền tải thông tin đa chiều ở một nơi có sự kiểm duyệt cao độ.Để dẫn độ một người có bề dày hoạt động, nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ như ông Nhất bằng một quy trình đúng chuẩn pháp lý thông qua toà án là không khả thi, thậm chí là “bít cửa” đối với quốc gia yêu cầu dẫn độ.
- Tuy nhiên, trên thực tế việc dẫn độ các trường hợp này vẫn có thể thực hiện được bằng cách đi qua ngã ngoài toà án, không tuân theo thủ tục pháp lý thông thường về dẫn độ, mà sử dụng biện pháp “chính trị và ngoại giao” để đạt được mục đích dẫn độ theo yêu cầu.Hình thức dẫn độ này được trá hình dưới tên gọi “trao trả” hay “trục xuất” công dân về lại quốc gia của họ. Chẳng hạn, lấy lý do ông Nhất nhập cảnh vào Thái Lan bất hợp pháp, chính quyền Thái có thể bắt rồi “trục xuất” ông Nhất về lại Việt Nam theo yêu cầu từ giới chức Việt Nam. Hoặc ngay cả khi ông Nhất nhập cảnh vào Thái Lan một cách hợp pháp, chính quyền Thái Lan vẫn có thể tiến hành bắt ông Nhất để “trao trả” cho phía Việt Nam theo yêu cầu vì mối quan hệ hai nước.Tiến hành dẫn độ trá hình thường xảy ra ở các quốc gia phi dân chủ, mà Thái Lan những năm gần đây có truyền thống áp dụng, với 8 vụ việc được ghi nhận kể từ khi chính quyền quân sự nắm quyền (bằng đảo chính).
- Các quốc gia phi dân chủ rất ưa thích dẫn độ trá hình có qua có lại, thông qua biện pháp “chính trị và ngoại giao” vì sự nhanh gọn, đảm bảo được bí mật và tính hiệu quả cao hơn các biện pháp pháp lý. Cách này chỉ cần một cuộc điện đàm của giới chức cấp cao hai nước, hay một công văn từ bên ngoại giao, bên này có thể bắt và tống xuất người theo yêu cầu của bên kia dưới nhiều tên gọi khác nhau nhưng bản chất của vụ việc là dẫn độ theo yêu cầu.Rõ ràng việc bắt công dân của một quốc gia theo yêu cầu của quốc gia đó trong trường hợp này là vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng.
- Bởi nó đã tước bỏ mọi thủ tục pháp lý để bảo vệ cho người bị bắt giữ, vi phạm vào các quy định luật quốc tế về dẫn độ, về tị nạn, về quyền xét xử công bằng.Điều này đã giải thích phần nào cho sự im lặng của các bên liên quan trong vụ bắt giữ dù sự ồn ào của vụ việc đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của hai quốc gia. Sự im lặng không xác nhận cho vụ bắt giữ ông Nhất còn kéo theo một hình thức vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng khác, đó là cấu thành tội phạm “Cưỡng bức mất tích”.
- VI PHẠM CÔNG ƯỚC BẢO VỆ MỌI NGƯỜI KHỎI CƯỠNG BỨC MẤT TÍCH
- Theo đó, “cưỡng bức mất tích” được Công ước LHQ về Bảo vệ tất cả mọi người khỏi cưỡng bức mất tích, tại điều 2 định nghĩa gồm ba yếu tố là:
- (1) Việc bắt giữ, tạm giam, bắt cóc hoặc tước đoạt quyền tự do dưới bất kỳ hình thức nào;
- (2) được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước hoặc nhóm người được sự ủy quyền của Nhà nước; và
- (3) từ chối việc tước đoạt tự do hoặc che giấu số phận hoặc nơi giam giữ người mất tích, nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật.”
- Ba yếu tố cấu thành của tội phạm Cưỡng bức mất tích theo Công ước đều thể hiện rõ qua vụ mất tích của ông Trương Duy Nhất. Ông Nhất bị tước đoạt tự do bởi những nhóm người có mối liên hệ đến giới chức chính quyền Thái Lan, đi kèm với đó là việc các chính quyền liên quan không xác nhận tiến hành vụ bắt giữ, dẫn đến việc không ai biết ông Nhất đang bị giam giữ ở đâu, số phận ông hiện giờ ra sao. Ông đang trong tình trạng bị che giấu việc tước đoạt tự do, trong tình trạng nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật.Cũng theo Công ước này tại Điều 1 nêu rõ, “không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào, có thể viện dẫn để biện minh cho việc cưỡng bức mất tích”. Như vậy, cưỡng bức mất tích đối với ông Nhất dù bất kể lý do gì, chẳng hạn như chống tham nhũ ng, bảo vệ chính trị nội bộ, hay đảm bảo an ninh quốc gia, đều không được luật quốc tế chấp nhận trong trường hợp này.Tất cả những người tham gia vào hoạt động cưỡng bức mất tích (bao gồm người ra lệnh, người thi hành, người xúi giục hay lôi kéo) đều là đồng phạm, bất kể viện dẫn lý do gì, chẳng hạn như thi hành công vụ hay làm theo mệnh lệnh đều không được thừa nhận (Điều 6).
- Khía cạnh pháp lý cần phải lưu ý sâu sắc trong vấn đề này là, hành vi cưỡng bức mất tích là cấu thành một tội ác chống lại loài người khi thực hiện một cách phổ biến hoặc có hệ thống (Điều 5). Những tội phạm cưỡng bức mất tích có thể mang động cơ chính trị nhưng không được xem là một tội phạm chính trị nên có thể không bị từ chối dẫn độ (Điều 13).
- Phạm vi và cách thức chế tài xử lý đối với tội phạm cưỡng bức mất tích được quy định rõ tại Điều 9, Điều 10, và Điều 11 của Công ước, là khi một người bị cáo buộc là tội phạm cưỡng bức mất tích có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên của Công ước, thì quốc gia ấy có thẩm quyền tiến hành bắt giam, điều tra, và truy tố theo pháp luật của quốc gia ấy, hoặc có thể tiến hành dẫn độ, hoặc chuyển lên toà án hình sự quốc tế.
- Qua một số quy định cơ bản của Công ước này, chúng ta thấy luật quốc tế trừng phạt mạnh mẽ và nặng nề đối với tội phạm cưỡng bức mất tích. Điều này cũng dễ hiểu khi đánh giá đến những nguy cơ mà nạn nhân bị cưỡng bức mất tích phải đối diện như bị sát hại, tra tấn, giam cầm bí mật, bị tước bỏ tư cách là một con người trước pháp luật bởi những người đang nhân danh nhà nước. Các hoạt động làm “mất tích” một người là các hành vi đặc trưng của các băng đảng mafia, của các tổ chức khủng bố chứ không được phép tồn tại trong một hệ thống nhà nước chính danh được công nhận theo luật quốc tế.
- Qua đây tác giả kêu gọi các chính phủ liên quan nhanh chóng cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của ông Trương Duy Nhất, tránh việc một chính phủ có các dấu hiệu tiến hành các hoạt động cưỡng bức mất tích bị nghiêm cấm theo luật quốc tế, và đảm bảo rằng ông Nhất cần được công bố lý do bắt giữ, được hưởng đầu đủ quyền xét xử công bằng theo chuẩn mực tố tụng.
- Nhận thức rằng dù Việt Nam và Thái Lan vẫn chưa phê chuẩn Công ước này, nhưng điều này là không ảnh hưởng đến các quy định mang tính nguyên tắc được áp dụng lên quốc gia, giống như việc chống tra tấn, chống cưỡng bức mất tích là một thông lệ của luật quốc tế, vì vậy một quốc gia là thành viên của LHQ dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn Công ước này phải có nghĩa vụ tôn trọng và tránh phạm phải các điều khoản bị nghiêm cấm.
- Nhắc lại rằng trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) của Việt Nam vừa qua, nhiều quốc gia đã đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam cần nhanh chóng phê chuẩn Công ước Bảo vệ mọi người khỏi cưỡng bức mất tích, nhằm tạo hành lang pháp lý quốc gia để ngăn ngừa và xử trị về hành vi này.
- Trong bối cảnh tình trạng ông Nhất bị mất tích kéo dài, tác giả cũng đưa ra khuyến nghị, gia đình ông Nhất cần chủ động hoặc nhờ cậy các tổ chức phi chính phủ nộp đơn khiếu nại về vụ việc này theo thủ tục đặc biệt lên Liên Hợp Quốc. Nhóm Công tác chống cưỡng bức mất tích của LHQ khi nhận được thông tin họ sẽ hỗ trợ gia đình, làm việc với các chính phủ liên quan để sớm làm rõ tình trạng của Trương Duy Nhất.
- Mẫu đơn và cách gửi theo nhiệm vụ của họ có tại:
- https://www.ohchr.org/…/Disa…/Pages/DisappearancesIndex.aspx
- Xem bản dịch Công ước Bảo vệ mọi người khỏi cưỡng bức mất tích tại:
- http://www.nhanquyen.vn…/40cÔng%20ƯỚc%20vỀ%20bẢo%20vỆ%20kh…
Bài Liên Quan
-
Cha của người tù
Thứ Ba, 24 Tháng Chín 2024 Nguyễn Anh Tuấn... -
Số phận người Công giáo ở lại miền Bắc sau 1954 (kỳ 1)
Kỷ niệm 70 năm (1954 – 2024) hành trình... -
ĐẢNG DÂN TỘC KẾT NỐI QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
John Dương ngày 18 tháng 6 năm 2024 Việt... -
Lê Thanh Hải: Thách thức lương tri con người và pháp luật
Saigon Nhỏ Một người dân Thủ Thiêm chỉ mặt...