Một số hàm ý qua chuyến viếng thăm của ông Antony Blinken tới Việt Nam

2023.04.16

\"Một

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Mỹ Marc Knapper dự lễ động thổ tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 15/4/2023

 AFP

Một nguồn đáng tin cậy không muốn nêu tên cho RFA biết là mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đã đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược”. 

Có nhiều chuyện xảy ra xung quanh chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Việt Nam từ 14 – 16 tháng 4, 2023 khiến cho các nhà quan sát quan hệ Việt Mỹ quan tâm. Đó là những sự kiện liên quan đến việc ông Blinken gặp gỡ ai ở Việt Nam và những gì xảy ra với ba nhà bất đồng chính kiến ngay trước khi máy bay ông Blinken hạ cánh xuống Nội Bài chỉ hai ngày. 

Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng không có chứng cứ chắc chắn để kết luận về những gì thực sự diễn ra đằng sau các hiện tượng này nhưng bằng cách quan sát và phân tích các sự kiện, họ có thể phán đoán ra một số hàm ý của nó.

Lịch trình của ông Blinken ở Việt Nam 

TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore nhận xét về những hàm ý có thể thấy từ lịch trình của Ngoại trưởng Antony Blinken ở Việt Nam: 

“Ông Blinken đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Bùi Thanh Sơn mà không gặp Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam. 

Điều này cho thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính có sự chủ động cao độ trong quan hệ Việt-Mỹ. Cả hai bên muốn mối quan hệ của hai nước đi vào đi vào thực chất, nhắm trực diện vào các vấn đề chiến lược, chứ không mất thời gian vào những vấn đề có tính lễ tân, nghi thức.”

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nhắc lại lần ông Phạm Minh Chính gặp ông Antony Blinken và ông Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ở Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC năm 2022, để thấy sự chủ động của hai bên là rất nhất quán. 

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, có thể nhìn thấy sự chủ động tích cực xích lại gần nhau của cả hai phía trong sự kiện này. 

“Hai ông Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nhận lời đến gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết thể hiện Mỹ cực kỳ chủ động và năng động trong mối quan hệ này. 

Lẽ ra Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, còn ông Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan thì gặp cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, thế nhưng các ông ấy cũng gặp Thủ tướng Chính.\”

TS Hợp cho rằng điều này cho thấy Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Mỹ, và Thủ tướng Việt Nam đã vượt qua mọi nghi thức lễ tân để gặp gỡ trực tiếp với các cấp của Mỹ. Ông kết nối chuyến thăm năm 2023 này với cuộc gặp năm ngoái:  

“Năm 2022, trong bữa tiệc Tổng thống Joe Biden chiêu đãi đoàn ASEAN, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan được xếp ngồi giữa ông Biden và ông Chính, bỗng nhiên, sau khi nâng ly, ông Sullivan bỏ đi đâu đó, để cho ông Chính ngồi vào ghế của ông Sullivan vì ông Biden quay sang nói rất nhiều với ông Chính. Hai bên nói với nhau hơn 15 phút, để cho tám nhà lãnh đạo ASEAN còn lại ngồi nhậu với nhau.\”

Tin cho hay trong chuyến thăm năm 2022 của ASEAN tới Hoa Kỳ, Campuchia là trưởng đoàn và họ không đồng ý các cuộc gặp song phương mà Hoa Kỳ phải gặp tập thể ASEAN. Như vậy, dường như Hoa Kỳ và Việt Nam đã bằng một cách nào đó ngồi riêng với nhau. 

Nhìn lại quan hệ hai nước Việt Mỹ theo một quá trình như vậy, TS. Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng, lịch trình chuyến thăm của ông Antony Blinken ở Việt Nam trong hai ngày 14-16/4/2023, chỉ gặp Tổng bí thư, Thủ tướng và người đồng cấp, cho thấy hai bên muốn đi thẳng vào các vấn đề kinh tế và chính trị một cách thực chất. 

\"000_33D93CX.jpg\"
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 15/4/2023. AFP

Hàm ý kinh tế đối ngoại của chuyến thăm 

TS. Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson cũng nhận định với RFA rằng chuyến thăm của ông Blinken, với hai cuộc gặp với Tổng bí thư và Thủ tướng, cho thấy kinh tế chính trị quốc tế là mối quan tâm chính chứ không đơn giản là ngoại giao theo kiểu xã giao.

Ông Nagao chỉ ra rằng thương mại Việt – Mỹ hiện đang phát triển mạnh mẽ. Đây là một tình hình tốt để Việt Nam có tiềm lực để có thể dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào TPP và IPEF, những mạng lưới kinh tế không bao gồm Trung Quốc, với tư cách là một thành viên. Mặc dù có tạo ra một số vấn đề nhỏ giữa thương mại Mỹ – Việt, điều này cũng tốt cho Mỹ.

Tuy nhiên, TS Nagao cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đang muốn vào TPP trong khi đó Mỹ muốn từ chối Trung Quốc. Oái oăm là nước Mỹ là nước đề xướng ý tưởng về TPP nhưng họ đã rời TPP từ thời Tổng thống Trump nên Mỹ không còn quyền phủ quyết sự gia nhập của Trung Quốc. Mỹ cần thuyết phục các thành viên TPP khác từ chối cho Trung Quốc vào TPP. Đó là cũng là một lý do Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam. 

Ba sự kiện liên quan đến các nhà bất đồng chính kiến 

Ông Antony Blinken đến Việt Nam ngày 14/4/2023 thì trước đó hai ngày, hôm 12/4, tòa án Hà Nội kết án nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng sáu năm tù giam và hai năm quản chế. Đồng thời, nhà hoạt động Thái Văn Đường (hay Đường Văn Thái) đang tị nạn ở Thái Lan bỗng mất tích khỏi nơi ở hôm 13/4, và ngày 16/4, Công an Hà Tĩnh thông báo đã bắt một người cùng tên vì “nhập cảnh trái phép”. Cũng trong dịp này, một số nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cho biết gia đình nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã được đến Hoa Kỳ tị nạn ngày 14/4/2023. 

Liệu cả ba sự kiện liên quan đến ba nhà bất đồng chính kiến (một có thể đã bị bắt, một bị kết án tù và một được tị nạn tại Hoa Kỳ) diễn ra ngay trước chuyến thăm của ông Blinken chỉ là sự ngẫu nhiên hay có mối quan hệ nào? Nếu đó chỉ là ngẫu nhiên thì tại sao? Và nếu các sự kiện này có liên hệ với nhau thì chúng liên hệ với nhau như thế nào?

Có hay không “phe thân Tàu” và “phe thân Mỹ”? 

Trong một bài phân tích trên The Diplomat hôm 10/3/2023, nhà nghiên cứu Vũ Khang cho rằng không tồn tại cái gọi là hai phe, “phe thân Tàu” và “phe thân Phương Tây”, trong chính trị Việt Nam hiện nay. TS. Hà Hoàng Hợp đồng tình với nhận định này. Nếu không tồn tại hai phe như vậy trong chính trường Việt Nam thì việc bắt bớ hay kết án tù các nhà bất đồng chính kiến ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ không phải là do “phe thân Tàu” thực hiện để đẩy Việt Nam ra xa Hoa Kỳ. 

GS. Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học ở Đại học Oregon và ông Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật khoa Tạp chí, trao đổi với RFA rằng bởi vì không nhà quan sát nào có bằng chứng trực tiếp nên chúng ta không thể khẳng định, cũng không thể phủ định điều gì. Cũng có thể là chính quyền Việt Nam kết án tù ông Nguyễn Lân Thắng, và có khả năng nào đó là đã bắt ông Thái Văn Đường (việc bắt ông Thái Văn Đường chưa được xác nhận chính thức cho đến ngày 16/4/2023), ngay trước chuyến thăm của ông Blinken là có thể liên quan đến quan hệ quốc tế. 

GS. Vũ Tường cho rằng, về việc kết án ông Nguyễn Lân Thắng ngay trước chuyến thăm của ông Antony Blinken, nếu muốn biết hai sự kiện này có quan hệ với nhau hay không, chúng ta cần biết lịch trình chuyến thăm được quyết định khi nào. Phiên tòa xét xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã được quyết định cách đây vài tháng, còn không ai biết rõ chuyến thăm của ông Blinken được quyết khi nào, có thể mới được quyết định gần đây, sau cuộc điện đàm của ông Biden và ông Trọng. Vì vậy không thể phủ nhận cũng không khẳng định chắc chắn là hai sự kiện có quan hệ với nhau. 

Nhiều năm trước, ông Nguyễn Lân Thắng là người tham gia các cuộc tuần hành chống Trung Quốc gây hấn Việt Nam ở Biển Đông. Theo TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc Tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Hoa Kỳ, và ông Trịnh Hữu Long, việc kết án ông Nguyễn Lân Thắng cũng không hẳn là để làm hài lòng Trung Quốc, vì Trung Quốc có thể chỉ quan tâm đến những \”món quà\” lớn hơn. 

\”Thông điệp\” gửi đến giới phản biện xã hội?

Theo ông Trịnh Hữu Long, vì không có bằng chứng chính xác cho nên các nhà quan sát cũng không thể phủ nhận một khả năng khác, là những sự kiện này có khả năng cao là liên quan đến chính trị nội địa nhiều hơn. Tức là chính quyền muốn gửi một thông điệp tới các nhà phản biện xã hội rằng chúng tôi sẽ không nương tay dù quan hệ với Mỹ tốt đẹp thế nào đi nữa. 

TS. Nguyễn Đình Thắng trao đổi đổi với RFA rằng không đợi đến khi có chuyến thăm của ông Blinken, chính quyền đã luôn luôn gửi thông điệp cứng rắn đến cho người dân rồi. 

Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng việc thả gia đình nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên có thể là “món quà” cho Hoa Kỳ nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken. Nhưng với việc kết án ông Nguyễn Lân Thắng hai ngày trước khi ông Blinken hạ cánh, ông Trịnh Hữu Long có một cách tiếp cận khác, từ cơ cấu chính trị nội bộ của Việt Nam. Theo ông Long, trong bộ máy chính trị Việt Nam, người quyết định các án chính trị thường ở cấp cao, nhưng những nhân vật cấp cao quyết định theo tham mưu của giới quan chức bậc trung. Nhóm quan chức bậc trung này hành động trước hết vì nhu cầu chứng minh lòng trung thành, sự mẫn cán với chế độ để thăng tiến trong hệ thống. Theo ông Long, đây là lý do chính. Những quan chức bậc trung này hành động vì lợi ích riêng của mình trong hệ thống chứ không quan tâm nhiều lắm đến tác động của việc bắt bớ, kết án người bất đồng chính kiến tới quan hệ quốc tế của Việt Nam. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment