Tuổi Trẻ Tài năng

\"\"

Cách nay ít lâu, có 2 cháu học sinh Việt Nam đã đậu vào lộ trình Y khoa đảm bảo tại đại học Sydney, Úc. Cả hai cháu này đều là cháu gái. Một là Lê Triều Anh ở SG và hai là Lê Hồ Minh Anh ở Vũng Tàu. Ngành này là Bachelor of Science/Doctor of Medicine, tức là nếu giữ thành tích tốt thì 2 cháu sẽ được học thẳng 1 mạch 7 năm để thành bác sĩ ở Úc.

\"\"

Đây là 2 du sinh VN đầu tiên trong lịch sử 170 năm của Đại học Sydney nhận được vinh dự này.

Muốn vậy thì các cháu phải cực kỳ giỏi. Ví dụ như Triều Anh, từng nhận học bổng 60% du học trung học tại Anh. Khi qua Anh cháu nhận Huy chương Vàng môn Hóa – Kỳ thi Hóa toàn Vương quốc Anh do ĐH Cambridge tổ chức; Huy chương Vàng môn Toán – Kỳ thi Toán học toàn Vương quốc Anh do UK Mathematics Trust tổ chức, Huy chương Bạc môn Sinh học – Kỳ thi Olympic Sinh học toàn Vương quốc Anh.

Về điểm số của cháu thì toàn tuyệt đối. Nghĩa là cháu học và thi cả 3 tiêu chí của Anh, Úc, Mỹ đều tuyệt đối với 4 điểm A* cho chương trình A Level của Anh. Điểm SAT1 của Mỹ đạt 1600/1600 và điểm ATAR của Úc đạt 99.95.

Cháu Lê Hồ Minh Anh thì có 8.0 IELTS, 4 điểm A Level, từng làm tình nguyện viên trong bệnh viện, và 18 tuổi đã cùng nhóm bạn mở một công ty riêng. Nhà cháu có 3 đời theo ngành Y.

Tại Sydney University – trường Y khoa số 1 của Úc, đợt thi mà 2 cháu Minh Anh và Triều Anh tham gia ( 2 đợt khác nhau) đều có 2000 thí sinh xuất sắc ứng tuyển. Nhưng trường trong mỗi đợt chỉ chọn có 10 người giỏi nhất là du sinh quốc tế và cho vào chương trình Y khoa lộ trình đảm bảo này.

Và dù học giỏi vậy, ngoài cháu Triều Anh có nhận được vẻn vẹn 1 phần nhỏ là 2 tỷ học bổng, còn lại tất cả phải nạp tiền. Và số tiền này cộng lại cho 7 năm ăn học tại Úc ở Sydney University cực kỳ tốn kém. Tóm lại cỡ tiền triệu aud chứ không đùa đâu. Nghĩa là các gia đình của 2 cháu phải rất có lực thì mới cho con học thành bác sỹ ở Úc được.

Đây là 2 ví dụ cho thấy muốn thành bác sỹ tại Úc hay các quốc gia phát triển thì khó thế nào. Họ chỉ chọn ra những người xuất sắc nhất để đào tạo.

Tất nhiên khi tốt nghiệp được sau rất nhiều năm kiên cường học tập, và sau khi vào nội trú tại bệnh viện thì bác sỹ ra hành nghề tại Úc nhận lương cao, có nhiều ưu đãi.

Và ai đã có trải nghiệm tại các bệnh viện ở Úc khi đi khám chữa bệnh sẽ hiểu, bác sĩ ở đó chỉ lao vào 1 việc duy nhất là cứu chữa bệnh nhân. Họ không cần quan tâm tới viện phí mà bệnh nhân phải nộp vì bệnh nhân sẽ dùng bảo hiểm chi trả 100% trong các bệnh viện. Họ cũng không cần biết thuốc sẽ dùng cho bệnh nhân hay các liệu pháp điều trị đó đắt hay rẻ, vì chỉ cần cứu được người bệnh thì họ sẽ dùng cái tốt nhất. Và bệnh viện luôn khuyến khích.

Bệnh nhân thì được nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, yêu thương và tử tế, chăm sóc từ a tới z. Và người nhà bệnh nhân chỉ vào thăm bệnh và mang hoa vô thôi. Là vì mọi sự bệnh viện sẽ lo từ ăn uống chăm sóc vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Người nhà không nhúng tay vô bất cứ việc gì, vẫn đi làm ăn bình thường dù nhà có người bệnh nặng cỡ nào.

Tất nhiên do thuế đóng cao, nhưng người dân được hưởng những giá trị xứng đáng của chăm sóc y tế, giáo dục, và phúc lợi xã hội.

Y khoa là ngành ở các quốc gia phát triển không có đường tắt. Và Úc là nước còn tạo ra lộ trình này cho học thẳng 7 năm, nhưng Mỹ thì không có lộ trình này. Nếu trường nào ở Mỹ quảng cáo là có, tức là có mà hợp tác với 1 trường Y ở một quốc gia ngoài Mỹ, nghĩa là không có dính dáng gì tới việc là bác sĩ của Mỹ hết. Chủ yếu họ làm vậy là để cho các thí sinh tại Mỹ học dở quá không tài nào vào trường Y của Mỹ được đành ra nước nào đó loại rất lèng èng học. Vì vậy cha mẹ nào cho con đi thấy họ quảng cáo thì nên chú ý. Vì dễ mắc lỡm.

Bất cứ thí sinh nào muốn đậu vào trường Y của Mỹ đều phải qua 4 năm đại học đầu tiên, sau đó thi MCAT đậu điểm cao nhất, thường 10% những ai điểm cao nhất mới may ra đậu vào trường Y của Mỹ. Kế đó học xong 4 năm thì sẽ phải qua 1 kỳ thi cam go vào nội trú mà không phải ai cũng thi đậu, vẫn có không ít ca rớt đài. Rồi sau khi đậu nội trú xong làm từ 3-7 năm tùy ngành học mà xong xuôi, tốt nghiệp được bác sỹ thì phải thi cho đậu bằng hành nghề qua kỳ thi quốc gia USMLE cực kỳ khó. Trong quá trình này chỉ còn lại những ai xuất sắc nhất. Và học phí cần chi trả mọi thứ cũng tốn bèo 1 tr usd cho 1 cháu.

Do đó bác sỹ tại Mỹ vẫn là danh giá nhất và được trả lương rất cao, thu nhập xứng đáng.

Một điểm cần nhấn mạnh, là ngành Y các quốc gia này cực kỳ coi trọng Y đức. Trong quá trình học, chỉ cần có sai lầm khuyết điểm là nhiều cháu sẽ bị cho nghỉ học theo quy định chung. Họ cũng sẽ loại thẳng cánh những cháu có điểm thấp và thi lại. Là vì họ cho rằng nghề này không cho phép sai sót. Khi sai là sẽ làm chết người.

Hình của 2 cháu gái xuất sắc Triều Anh và Minh Anh

_______________________

Nguyen Thi Bich Hau

Bài Liên Quan

Leave a Comment